GS.TS.BS Văn Tần, qua đời ngày 4/9, sau hơn hai tháng sức khỏe suy yếu vì tai nạn gãy xương. Sáng 7/9, xe đưa linh cữu của giáo sư Tần đi qua Bệnh viện Bình Dân để nhân viên nơi này xếp hàng tiễn biệt, trước khi hỏa táng.
Trước khi bị ngã, giáo sư Tần vẫn vào Bệnh viện Bình Dân mỗi ngày - nơi ông gắn bó từ năm 1972, được xem là "chiếc nôi ngành ngoại khoa" của TP HCM và các tỉnh phía Nam.
Sinh thời, ông từng lý giải việc vào viện từ 5h thăm bệnh "rất cần thiết", "giúp nắm được tình hình mổ trong ngày của bệnh nhân, biết được sau mổ bệnh nhân có khá hơn không, có tử vong, biến chứng không". Những thông tin quan trọng được ông ghi chép cẩn thận, nếu có ca bệnh khó sẽ giở sách tìm hiểu để đưa ra bàn bạc trong cuộc họp giao ban. Theo ông, nếu 7h mới tới viện, bác sĩ "không đủ thời gian cho những việc này".
Giáo sư Văn Tần phát biểu chuyên môn tại Hội nghị Khoa học Công nghệ Bệnh viện Bình Dân lần thứ 20, tháng 4/2023. Ảnh: Trần Nhung
Với kinh nghiệm trực tiếp phẫu thuật hơn 30.000 ca mổ phức tạp, ông đảm nhận công việc giảng viên ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch và ĐH Y Dược TP HCM, truyền thụ kiến thức và kinh nghiệm ngoại khoa cho nhiều thế hệ sinh viên. Ông từng chia sẻ việc đứng lớp, nhìn sự trưởng thành của người trẻ mỗi ngày là niềm hạnh phúc to lớn. Nhiều học trò nhớ bài học đầu tiên mà ông dạy là phải có đạo đức, "bởi đạo đức rất cần thiết, nếu không có đạo đức, rõ ràng chuyên môn giỏi cũng hỏng". Trong thời gian giãn cách cao điểm do đại dịch Covid, ông vẫn chia sẻ kiến thức đến sinh viên bằng hình thức trực tuyến.
Bác sĩ Trần Thanh Nhân, Khoa Phẫu thuật ung bướu tiết niệu, Bệnh viện Bình Dân, nhớ lần được "bố Tần" cứu cách đây 20 năm. Nữ bệnh nhân 16 tuổi, mổ nội soi cắt thận bị tai biến, kíp mổ phải cầu cứu giáo sư Tần. Ông vào phòng mổ, cắt một đoạn đại tràng trái, khâu một lớp mũi liên tục nhanh, gọn và chính xác đến từng mm. Sau mổ, bệnh nhân khỏe mạnh, xuất viện.
"Thầy lớn tuổi, được nhiều y bác sĩ trong bệnh viện kính trọng gọi bằng bố. Thầy 'cứu' rất nhiều bác sĩ trong những ca mổ khó", bác sĩ Nhân nói và cho biết không ít lần bên niệu khoa bị tai biến hệ mạch máu hay tiêu hóa, lồng ngực, đều phải nhờ đến thầy.
"Cứu" bác sĩ cũng là điều được giáo sư Lê Quang Nghĩa, nguyên phó giám đốc Bệnh viện Bình Dân nhớ nhiều đến giáo sư Tần. "Cách đây 48 năm, khi tôi mới vào nội trú tại bệnh viện, thầy đã là trưởng khoa. Thầy tận tâm, mổ giỏi, mát tay, chỉ cần đàn em mời tham vấn những ca cấp cứu khó, thầy đều không từ nan, có mặt không quản đêm ngày, lễ tết", giáo sư Nghĩa nói, nhấn mạnh đây là điều khiến ông rất cảm phục.
Trong hồi ức của bác sĩ Trần Công Quyền, Trưởng Khoa Lồng ngực - Bướu cổ, giáo sư Văn Tần nghiêm khắc trong phân công và kiểm tra công việc hàng ngày. Tuy nhiên, trong lúc phẫu thuật, ông hiền, ít nói, điềm đạm, không nóng giận khi bác sĩ phụ chưa hiểu ý hoặc điều dưỡng dụng cụ chưa đưa đúng dụng cụ. Nhờ đó, mọi người trong ê kíp luôn bình tĩnh, tự tin dù có những tình huống khó khi phẫu thuật.
Với bác sĩ Quyền, giáo sư Tần "rất giỏi chuyên môn nhờ thực hành tốt và kiến thức sâu rộng". Đây là kết quả của một phong cách làm việc nghiêm túc, học tập liên tục không ngừng, thẳng thắn trong nhìn nhận sai lầm của chính mình, rút kinh nghiệm từ đồng nghiệp.
GS Tần ngồi dạy trực tuyến cho học trò thời điểm dịch Covid. Ảnh: Trần Nhung
Từ khi tốt nghiệp y khoa năm 1964, giáo sư Tần chỉ mổ ở bệnh viện, không mở phòng mạch tư, không nhận mổ dịch vụ. Ông từ chối chức giám đốc bệnh viện, đến ngày về hưu vẫn chỉ nhận làm phó giám đốc, tập trung chuyên môn phẫu thuật với các nghiên cứu, ứng dụng những kỹ thuật mới giúp người bệnh. Ngoài thời gian mổ, thăm khám bệnh, giảng dạy, ông dành nhiều thời gian trong phòng làm việc để viết sách, nghiên cứu, rời đơn vị khi thành phố đã lên đèn.
Với các y bác sĩ, giáo sư Tần là "đại thụ" trong ngành ngoại khoa. Ông từng được vinh danh bác sĩ phẫu thuật động mạch giỏi nhất Việt Nam, phẫu thuật gan đứng thứ nhì trong nước, chỉ sau cố giáo sư Tôn Thất Tùng. Ông là bác sĩ đầu tiên nước ta phẫu thuật cắt thần kinh giao cảm ngực, phẫu thuật phình động mạch chủ bụng...
Một trong những ca mổ phức tạp nhất, trở thành mốc son trong lịch sử y học Việt Nam, mà ông tham gia với vai trò phẫu thuật viên chính cùng giáo sư Trần Đông A, giáo sư Trần Thành Trai, là ca mổ huyền thoại tách cặp song sinh Việt - Đức, năm 1988. Ca mổ thành công sau 15 giờ không chỉ cứu sống được bệnh nhân mà còn thay đổi cách nhìn của thế giới về y học Việt Nam. Nguyễn Việt sống thêm 19 năm sau mổ, Nguyễn Đức lớn lên lập gia đình và có hai con sinh đôi, là điều chưa từng có trong lịch sử y khoa thế giới.
Trong phòng làm việc của bác sĩ Tần, bức ảnh của cố giáo sư Phạm Biểu Tâm - một trong những cánh chim đầu ngành ngoại khoa Việt Nam, luôn được treo một góc trang trọng. Đây là người thầy dẫn dắt giáo sư Tần từ khi ông mới vào nghề. Sau này, hai trong bốn người con của ông trở thành bác sĩ, tiếp nối tâm huyết cứu giúp bệnh nhân của cha.
Lê Phương