Chuyên mục  


VĐV Đào Thị Hồng Nhung, 24 tuổi, giành HCV Seagame 30 Võ gậy, chia sẻ từng bị ám ảnh khi phải giảm 10 kg trong hai tháng. Trước đó, Nhung tham gia Pencak silat ở nội dung 65 kg, song phải ép cân xuống dưới 55 kg khi chuyển sang thi đấu Võ gậy cho Seagame. Chỉ có hai tháng chuẩn bị, Nhung cắt giảm tinh bột tối đa đến sát thời gian thi, tập với huấn luyện viên 3-4 ca/ngày.

Ngoài ra, cô nhảy dây, mặc áo mưa và chạy bộ ép cân theo phương pháp dành cho VĐV. "Thời gian đầu, việc ép cân vô cùng mệt mỏi vì cơ thể chưa quen", Nhung nói.

Tương tự, VĐV thể hình Nguyễn Hồng Hạnh, 28 tuổi, cao 1,51 m, nặng 53 kg, phải ép từ 56 kg xuống 45,5 kg trong vòng 12 tuần, trước mỗi cuộc thi. Cô dành 6 ngày/tuần để tập luyện kháng lực, kết hợp cardio hai ca/ngày, mỗi ca 2-4 tiếng. Thực đơn của Hạnh chủ yếu là ức gà và khoai lang. Duy trì tập luyện cường độ cao, chế độ ăn kém đa dạng, Hạnh liên tục cảm thấy stress, thèm ăn và khó ngủ.

Sau ba tháng, Hạnh bị rối loạn nội tiết, khó tính, gắt gỏng hơn và không muốn tiếp xúc với mọi người. Tuy nhiên, trải qua nhiều lần thi đấu, cô quen dần với việc ép cân. Khi cuộc thi kết thúc, nội tiết Hạnh cân bằng trở lại khiến cô vui vẻ, yêu đời hơn.

Cũng bị stress khi phải ép cân, Nguyễn Thị Vân Anh, 32 tuổi, đạt HCV môn Bikini Fitness Nabba 2022, chia sẻ hành trình giảm 8,5 kg trong 16 tuần để đạt thành tích cao. Vân Anh cho biết khi bắt đầu ép cân, cơ thể chưa kịp thích nghi, lượng mỡ giảm xuống thấp, cơ thể trở nên yếu hơn nhưng vẫn phải ăn kiêng và tập luyện cường độ lớn dễ gây căng thẳng, mệt mỏi. "Tuy nhiên, nghĩ đến giây phút được tỏa sáng trên sân khấu là mình được nhân đôi công lực", Vân Anh nói.

Vận động viên Vân Anh. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Bác sĩ thể thao Nguyễn Trọng Thủy, Trung tâm Y học thể thao Starsmec, nguyên bác sĩ đội tuyển quốc gia và U23 Việt Nam, cho biết trong hơn 15 năm gắn bó với các lứa VĐV Đội tuyển quốc gia và U23 Việt Nam, anh chứng kiến nhiều tình huống VĐV phải vượt qua thử thách để đạt tới trọng lượng mong muốn.

Trường hợp điển hình là trung vệ Đỗ Duy Mạnh. Trước trận chung kết giữa U23 Việt Nam và U23 Uzbekistan tại Thường Châu, Trung Quốc năm 2018, Duy Mạnh phải giảm cân nhanh với chế độ ăn uống nghiêm ngặt để đảm bảo phong độ tốt nhất.

"Tôi còn nhớ anh ấy từ chối mỗi bữa ăn ngon mà đội bóng được thưởng thức, chỉ chọn những thực phẩm giàu dinh dưỡng và ít calo. Mạnh miệt mài, lặng lẽ chạy dưới phòng tập của khách sạn, mồ hôi ướt sũng trên trán", bác sĩ Thủy nói.

Việc ép cân đôi khi được coi là một chiến thuật trong thể thao, thường được thực hiện với một số mục tiêu chính như đạt được hạng cân.Trong các môn thể thao có phân chia hạng cân như quyền anh, đấu vật, judo, hay võ thuật tổng hợp (MMA), VĐV cần phải đạt được một trọng lượng cụ thể trước cuộc thi.

Bên cạnh đó, giảm cân còn mang mục đích lợi thế chiến thuật, tối ưu hóa hiệu suất. Một số môn thể thao như điền kinh hoặc đua xe đạp, việc giảm trọng lượng cơ thể (đặc biệt là phần mỡ) có thể giúp tăng hiệu suất bằng cách giảm lượng trọng lượng VĐV cần vận chuyển. Điều này có thể giúp họ trở nên nhanh, mạnh mẽ và hiệu quả hơn.

"Một VĐV có thể giảm cân để vào một hạng cân nhỏ hơn, nhưng sau khi cân nặng được kiểm tra, họ sẽ tăng cân trở lại. Điều này có nghĩa là trong lúc thi đấu, họ có thể có trọng lượng và sức mạnh cao hơn so với đối thủ, đặc biệt có lợi trong các môn đối kháng", bác sĩ nói.

Với các môn thể dục nghệ thuật, trượt băng nghệ thuật, hoặc bodybuilding, hình dáng cơ thể và thẩm mỹ đóng vai trò quan trọng. VĐV có thể cần giảm cân để đạt được tiêu chuẩn hoặc để thực hiện kỹ thuật tốt hơn. Ngoài ra, kiểm soát cân nặng giúp VĐV tự tin hơn.

Ép cân cần được thực hiện một cách thông minh và dưới sự giám sát của các chuyên gia, nếu không sẽ ảnh hưởng sức khỏe. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Bác sĩ khuyến cáo quá trình ép cân cần được thực hiện thông minh, dưới sự giám sát chặt chẽ của các chuyên gia. Nếu không được thực hiện một cách an toàn và có kế hoạch, VĐV có thể gặp các vấn đề sức khỏe và giảm hiệu suất thi đấu, sức mạnh, tốc độ cũng như sự linh hoạt.

Theo các nghiên cứu, việc mất nước 2-3% trọng lượng cơ thể có thể gây giảm khả năng tập trung, tăng nguy cơ chấn thương, dẫn đến mất cân đối ion (giảm nồng độ kali và natri), phát sinh vấn đề tim mạch. Ngoài ra, áp lực về cân nặng khả năng dẫn đến các vấn đề sức khỏe tâm thần như rối loạn ăn uống, rối loạn lo âu. Lặp đi lặp lại quá trình giảm cân nhanh nguy cơ tác động tiêu cực đến hệ miễn dịch, tim mạch và giảm khả năng hấp thụ dinh dưỡng.

Trên thế giới, nữ võ sĩ Muay Thái Jessica Lindsey thiệt mạng vào năm 2017 khi ép cân quá mức. Mục tiêu của Lindsey là giảm 8 kg trong 1 tuần, do đó cô liên tục chạy bộ ở cường độ cao, tắm nước nóng, xông hơi, chỉ ăn gạo lứt, ức gà, bông cải xanh. Ngoài ra, cô uống 7,5 lít nước vào ngày đầu tiên, sau đó giảm tiêu thụ dần cho đến việc không uống gì vào ngày cuối cùng của đợt giảm cân. Lindsey bất ngờ ngã quỵ khi đang chạy bộ chuẩn bị cho trận đấu Muay Thái, diễn ra tại Perth, Australia, nguyên nhân là mất nước.

Bác sĩ khuyên các VĐV không nên giảm cân quá nhanh, luôn duy trì cân nặng cần thiết, uống nhiều nước, lắng nghe cơ thể, phối hợp với chuyên gia dinh dưỡng. Tập trung vào việc giảm mỡ cơ thể, không phải trọng lượng.

"Áp lực từ việc thi đấu có thể khiến bạn cảm thấy phải thực hiện việc giảm cân một cách nhanh chóng, nhưng sức khỏe là quan trọng nhất. Hãy nhớ rằng một VĐV mạnh khỏe và đầy năng lượng sẽ thi đấu hiệu quả hơn so với VĐV suy kiệt vì đã ép cân quá mức", bác sĩ nói.

Như Ngọc - Thúy Quỳnh

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020