Chuyên mục  


Hôm 2/5, hãng dược AstraZeneca thừa nhận vaccine của hãng có thể gây ra huyết khối tĩnh mạch kèm hội chứng giảm tiểu cầu (TTS) trong những trường hợp rất hiếm gặp. Dù vậy, hãng lưu ý TTS vẫn có thể xảy ra khi không tiêm vaccine. Đơn vị này cho biết cần điều tra cụ thể về nguyên nhân gây đông máu của từng trường hợp riêng lẻ.

TTS là chứng huyết khối kèm theo hội chứng giảm tiểu cầu. Người bệnh sẽ phát triển cục máu đông trong mạch máu não hoặc những bộ phận khác trên cơ thể, đồng thời có lượng tiểu cầu thấp. Cụ thể, huyết khối là sự hình thành của cục máu đông, có thể làm giảm lưu lượng máu bình thường trong mạch máu. Giảm tiểu cầu là tình trạng thiếu hụt tiểu cầu trong máu. Tiểu cầu thường giúp máu đông lại, khiến mọi người không bị chảy máu quá nhiều.

TTS là tác dụng phụ rất hiếm gặp xảy ra ở một số người sau khi tiêm vaccine AstraZeneca (loại vaccine được sản xuất từ Adenovirus). Chương trình Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI) thống kê chỉ 1 trong 250.000 người Anh gặp tác dụng phụ này. Nguy cơ mắc hội chứng này cao hơn ở người dưới 60 tuổi.

Các cục máu đông có thể hình thành ở nhiều bộ phận khác nhau, gồm:

  • não (được gọi là huyết khối xoang tĩnh mạch não)
  • bụng (huyết khối tĩnh mạch nội tạng)
  • phổi (thuyên tắc phổi)
  • tĩnh mạch (huyết khối tĩnh mạch sâu)
  • động mạch (huyết khối động mạch)

Các nhà khoa học vẫn chưa hiểu đầy đủ về quá trình hình thành TTS. Một số chuyên gia cho rằng nó tương tự tình trạng giảm tiểu cầu do heparin (HIT). Đây là phản ứng hiếm gặp với thuốc heparin (thuốc chống đông máu), ảnh hưởng đến hoạt động của tiểu cầu.

Lọ vaccine AstraZeneca rỗng trên quầy một trung tâm tiêm chủng Covid-19 ở ngoại ô Sydney, Australia, tháng 8/2021. Ảnh: AFP

Các triệu chứng của huyết khối và hội chứng giảm tiểu cầu

Các triệu chứng của TTS ảnh hưởng đến não bộ gồm:

  • đau đầu dữ dội, dai dẳng
  • mờ mắt
  • khó nói
  • buồn ngủ
  • co giật hoặc nhầm lẫn

Các triệu chứng của TTS ảnh hưởng đến phần còn lại của cơ thể là:

  • khó thở
  • tức ngực
  • sưng tấy chân
  • đau bụng dai dẳng
  • có đốm máu đỏ dưới da, các xa chỗ tiêm chủng

Các yếu tố rủi ro liên quan đến TTS

Hiện các nhà khoa học chưa phát hiện tình trạng bệnh lý làm tăng nguy cơ phát triển TTS sau khi tiêm chủng. Người trẻ tuổi và phụ nữ thường có triệu chứng nghiêm trọng hơn. Nguy cơ mắc TTS sau liều vaccine thứ hai thấp hơn so với liều đầu tiên.

TTS được chẩn đoán và điều trị thế nào

Một số người bị TTS có sức khỏe rất yếu và cần đến bệnh viện điều trị ngay lập tức. Nếu khi ngờ có cục máu đông trong não, bệnh nhân cần vào khoa cấp cứu để kiểm tra khẩn cấp. TTS được chẩn đoán bằng xét nghiệm máu và chụp cắt lớp.

Để điều trị TTS, bệnh nhân thường được kê đơn thuốc chống đông máu, Globulin miễn dịch tiêm tĩnh mạch (IVIG) để truyền máu có chứa kháng thể, prednisone liều cao (một loại thuốc steroid).

Thục Linh (Theo Times of India)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020