WHO khuyến cáo các gia đình hạn chế dùng muối khi nấu ăn để tránh nguy cơ bệnh tim và đột quỵ - Ảnh: foodrepublic.com
Muối cần cho sức khỏe, nhưng...
Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng - Trung tâm đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai - cho biết muối - natri là một khoáng chất cần thiết cho sự sống. Nó được điều hòa bởi thận, giúp kiểm soát sự cân bằng dịch trong cơ thể.
Nó cũng giúp dẫn truyền các xung thần kinh và ảnh hưởng đến chức năng của cơ. Thiếu muối trong một khoảng thời gian có thể gây ra nhiều hậu quả khác nhau và thậm chí có nguy cơ đe dọa tính mạng.
Nhiều nghiên cứu cho thấy chế độ ăn thiếu natri trong khoảng thời gian dài còn khiến cho trào ngược axit, nhiễm trùng do vi khuẩn, loãng xương, viêm khớp, rối loạn thần kinh, mệt mỏi, suy giảm trí nhớ và thậm chí là sỏi thận.
Tuy nhiên, khi natri dư thừa cũng có thể gây hại cho sức khỏe vì nó có thể làm tăng huyết áp, dẫn đến các vấn đề về bệnh tim và đột quỵ. Do đó, điều quan trọng nhất là bạn phải biết loại thực phẩm nào chứa nhiều muối để mình có thể tiêu thụ chúng với số lượng sao cho phù hợp nhất.
BS Nguyễn Tiến Dũng phân tích muối ăn, công thức hóa học là NaCl, là sự kết hợp của hai khoáng chất: khoảng 40% natri và 60% clorua.
Theo nghiên cứu, lượng natri gần đúng trong một lượng muối nhất định: 1/4 thìa cà phê muối = 575mg natri; 1/2 thìa cà phê muối = 1.150mg natri; 3/4 thìa cà phê muối = 1.725mg natri; 1 thìa cà phê muối = 2.300mg natri
Hơn 70% natri chúng ta tiêu thụ đến từ thực phẩm đóng gói, chế biến sẵn. Phần còn lại có trong thực phẩm tự nhiên (khoảng 15%) hoặc được thêm khi chúng ta nấu thức ăn (khoảng 11%). Vì vậy, ngay cả khi bạn không sử dụng thêm muối, có thể bạn đang nhận quá nhiều natri.
Bởi vì hầu hết lượng natri bạn ăn đều có trong thực phẩm của bạn khi mua, nên khó tính lượng natri bạn nạp vào cơ thể. Một cuộc khảo sát của Hội Tim mạch Hoa Kỳ cho thấy khoảng 3/4 người trưởng thành ở Mỹ thích ít natri hơn trong thực phẩm chế biến sẵn và đồ ăn nhà hàng.
Ăn thừa muối tăng nguy cơ mắc các bệnh mạn tính
Khi có thêm natri trong máu, nó sẽ kéo nước vào trong lòng mạch máu, làm tăng thể tích máu. Khi đó huyết áp sẽ tăng lên. Nó giống như việc chúng ta tăng cung cấp nước cho vòi vườn - áp suất trong vòi tăng lên và có nhiều nước thổi qua vòi hơn.
Theo thời gian, huyết áp cao quá mức và làm tổn thương thành mạch máu và hình thành các mảng xơ vữa, gây tắc nghẽn mạch máu. Áp suất tăng làm quả tim buộc phải làm việc nhiều hơn để bơm máu đi khắp cơ thể. Và lượng nước dư thừa trong cơ thể có thể dẫn đến phù và tăng cân.
Tăng huyết áp được coi là "kẻ giết người thầm lặng" vì các triệu chứng không phải lúc nào cũng rõ ràng. Đây là một trong những yếu tố nguy cơ chính gây bệnh tim, căn bệnh giết người số 1 trên toàn thế giới. Hầu như không ai thoát. 90% người Mỹ trưởng thành dự kiến sẽ bị tăng huyết áp trong cuộc đời của họ.
Khoa học gần đây giải thích rằng một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến mức độ tăng trị số huyết áp khi bạn ăn muối, chẳng hạn như: Tuổi; cân nặng; chủng tộc/dân tộc; giới tính; bệnh mắc kèm: Tiểu đường hoặc bệnh thận mãn tính...
Ngay cả khi bạn chưa bị tăng huyết áp, ăn ít natri hơn có thể giúp làm giảm sự gia tăng trị số huyết áp theo tuổi tác. Nó cũng có thể làm giảm nguy cơ bị đau tim, suy tim, đột quỵ, bệnh thận, loãng xương, ung thư dạ dày và thậm chí đau đầu.
Chế độ ăn giảm muối là một biện pháp quan trọng để điều trị cũng như phòng bệnh tăng huyết áp. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng nếu ăn nhạt < 5 gam muối/ngày sẽ giảm huyết áp trung bình từ 4-8 mmHg.
Càng ăn ít muối, huyết áp càng thấp. Vì vậy, người bệnh cao huyết áp cần giảm ăn muối, hạn chế ăn các thức ăn có nhiều muối như: các món mắm, các món muối thực phẩm để lên men, các loại thực phẩm ăn liều như: giò, chả, ruốc, xúc xích, thịt xông khói, thịt hộp, cá hộp…; đồ ăn vặt...
Theo bác sĩ Dũng, cơ sở khoa học của việc giảm natri là rõ ràng. Bằng chứng khoa học đã chứng minh có mối liên kết giữa lượng natri dư thừa với tình trạng tăng huyết áp, làm tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ và suy tim.
Theo khuyến cáo của WHO, người trưởng thành khỏe mạnh nên ăn dưới 5g muối/ngày. Đối với trẻ nhỏ dưới 1 tuổi, chỉ nên ăn dưới 1g muối/ngày, trẻ từ 1-3 tuổi nên ăn 3g/ngày, trẻ > 7 tuổi thì ăn lượng muối như người trưởng thành. Đối với những đối tượng có bệnh lý liên quan, nên ăn lượng muối theo chỉ định của bác sĩ.
Bác sĩ Đinh Minh Trí, Đại học Y Dược TP.HCM nhấn mạnh ăn nhiều muối sẽ gây:
- Tăng đào thải canxi qua nước tiểu, tăng nguy cơ loãng xương và sỏi thận;
- Tăng nguy cơ mắc bệnh viêm loét dạ dày tá tràng, tăng nguy cơ ung thư dạ dày do phá hủy lớp màng bảo vệ niêm mạc dạ dày và tăng sự phát triển của vi khuẩn Helicobacter Pylori;
- Tăng nguy cơ suy thận do làm tăng protein trong nước tiểu và làm tăng gánh nặng cho thận;
- Tăng nguy cơ béo phì do tăng cảm giác khát và tăng tiêu thụ đồ uống, nhất là các loại nước ngọt;
- Làm tăng tình trạng giữ nước và phù, đặc biệt ở bệnh nhân xơ gan và suy tim;
Cách giảm lượng muối tiêu thụ:
Việc giảm lượng muối trong chế độ ăn hằng ngày là việc làm đơn giản nhưng mang lại hiệu quả cao nhất để hạn chế các nguy cơ về sức khỏe do thói quen ăn mặn gây ra.
- Nêm ít muối trong đồ ăn
- Chấm nhẹ tay hoặc không chấm
- Giảm bớt các đồ mặn như món kho, món rang, món muối.
- Uống nhiều nước mỗi ngày.
- Nên bổ sung natri có trong rau xanh, trái cây, sữa và các loại protein như một phần của chế độ ăn lành mạnh thay vì sử dụng các loại thức ăn nhanh có quá nhiều muối.