Ngày 5/12, ThS.BS Phùng Đăng Khoa, Khoa Ngoại, Bệnh viện Gia An 115, cho biết người bệnh phát hiện bệnh một năm trước, không phẫu thuật mà chỉ theo dõi. Gần đây, cô tê chân trái, đi lại khó khăn nên nhập viện. Bác sĩ đánh giá tuy u mạch máu thể hang có kích thước nhỏ, đường kính 1,5 cm, nhưng người bệnh đã có triệu chứng rối loạn cảm giác sâu bàn chân trái, cần can thiệp để tránh các nguy cơ như liệt tứ chi.
Kíp ngoại thần kinh phối hợp TS.BS Nguyễn Kim Chung, Bệnh viện Chợ Rẫy, mở sọ lấy khối u mạch máu cho người bệnh. Sau mổ, người bệnh được điều trị hậu phẫu và tập vật lý trị liệu phục hồi chức năng, vừa xuất viện trong tình trạng ổn định.
Bác sĩ Khoa và êkíp phẫu thuật cho người bệnh. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Theo bác sĩ Khoa, u mạch máu thể hang là một dạng của dị dạng mạch máu não, song ít gặp hơn so với dị dạng động tĩnh mạch não và phình động mạch não.
Dị dạng động tĩnh mạch não được xem là dị dạng mạch máu bẩm sinh nguy hiểm nhất vì có thể gây nhiều biến chứng nghiêm trọng, phổ biến nhất là vỡ mạch gây xuất huyết não dẫn đến tổn thương não vĩnh viễn, nguy hiểm tính mạng, hoặc gây áp suất tiếp giáp lên não dẫn đến động kinh co giật.
Phình động mạch não cũng có thể gây hậu quả rất nghiêm trọng, nhất là trường hợp vỡ phình gây chảy máu dưới nhện, nguy cơ tử vong cao.
"Việc điều trị dị dạng mạch máu não chỉ thực sự hiệu quả và ít để lại di chứng khi khối dị dạng chưa vỡ", bác sĩ nói. Điều đáng lưu ý là dị dạng mạch máu phát triển theo thời gian và thường tồn tại không triệu chứng trong nhiều năm. Vì vậy, tầm soát bệnh lý mạch máu não để phát hiện sớm khối dị dạng mạch cần được ưu tiên hàng đầu.
Chóng mặt, đau đầu là một dấu hiệu cảnh báo dị dạng mạch máu não. Người bệnh - nhất là những người trẻ - không nên xem thường dù chỉ xuất hiện triệu chứng thoáng qua. Ngoài ra, người bệnh cũng cần cảnh giác với các biểu hiện như yếu cơ hoặc tê ở một bộ phận của cơ thể, mất thị lực, nói khó..., bởi đây có thể là triệu chứng cảnh báo bệnh này.
Dị dạng mạch máu não không thể phòng tránh với các trường hợp bẩm sinh. Tuy nhiên, có thể chủ động phòng ngừa các nguy cơ và biến chứng của bệnh bằng cách xây dựng chế độ dinh dưỡng - sinh hoạt khoa học. Ăn uống lành mạnh, kiểm soát cân nặng, không uống rượu bia, không hút thuốc lá, giữ tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng - lo âu, cân đối giữa thời gian làm việc và nghỉ ngơi, tập luyện đều đặn.
Nếu bị tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu..., cần kiểm soát chặt chẽ các bệnh lý này vì chúng có thể ảnh hưởng tới sự tiến triển và làm trầm trọng hơn các biến chứng của bệnh dị dạng mạch máu não.
Lê Phương