Người đàn ông phải cắt cụt chân vì đắp lá chữa trật khớp gối - Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) thông tin vừa tiếp nhận bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hoại tử bàn chân do trật khớp gối không được điều trị kịp thời.
Cụ thể sau khi bị tai nạn giao thông, người đàn ông 54 tuổi ở tỉnh Điện Biên bị trật khớp gối. Tuy nhiên thay vì đến bệnh viện điều trị, ông tự đắp lá theo kinh nghiệm dân gian.
Hai ngày sau khi đắp lá, ông bắt đầu xuất hiện triệu chứng sưng nề, tê bì tăng dần, mất vận động. Lúc này ông mới đến bệnh viện tỉnh khám. Tuy nhiên do hoại tử nhiễm trùng nặng, nên ông được chuyển đến Bệnh viện Việt Đức điều trị.
Theo bác sĩ Nguyễn Tiến Ngọc - khoa phẫu thuật chi dưới, Bệnh viện Việt Đức, do đến quá muộn (trật gối tổn thương mạch giờ thứ 72), cơ cẳng bàn chân của bệnh nhân đã bị hoại tử, chất độc tấn công vào máu, ảnh hưởng chức năng gan, thận.
Sau khi hội chẩn, các bác sĩ xác định không còn khả năng bảo tồn chi và quyết định cắt cụt 1/3 dưới đùi cho bệnh nhân.
Ngày thứ 3 sau mổ, tình trạng bệnh nhân ổn định, không có dấu hiệu nhiễm trùng tại chỗ hay toàn thân, xét nghiệm máu đánh giá chức năng gan, thận về bình thường. Ông tiếp tục được theo dõi, tập phục hồi chức năng khớp háng và phần mỏm cụt đùi còn lại.
Theo bác sĩ Ngọc, trật khớp gối là hiện tượng diện khớp mâm chày và lồi cầu xương đùi bị lệch khỏi vị trí ban đầu và không còn tiếp xúc nhau. Tổn thương nghiêm trọng và có thể dẫn đến nguy cơ mất chi dưới nếu tổn thương mạch máu hoặc di chứng biến dạng khớp, cứng khớp.
"Vì vậy người bệnh cần được xử lý và điều trị càng sớm càng tốt. Trật gối có thể được gây ra bởi các chấn thương tiếp xúc mạnh vào vùng đầu gối như tai nạn giao thông, tai nạn lao động, chấn thương thể thao", bác sĩ Ngọc nhấn mạnh.
Bác sĩ Ngọc cũng khuyến cáo khi có chấn thương gãy xương, trật khớp ở vùng khớp gối thì khả năng tổn thương mạch máu lên tới 50%. Nếu tổn thương mạch máu không được xử lý trước thời gian 6 giờ, thì nhiều khả năng dẫn đến cắt cụt chi do thiếu máu không hồi phục.
Đắp lá vùng tổn thương càng làm tăng nặng nhiễm trùng hoại tử, ảnh hưởng đến chức năng gan, thận, đe dọa tính mạng bệnh nhân. Do đó khi bị chấn thương gây đau, biến dạng, mất vận động khớp gối, cần phải đến ngay cơ sở y tế thăm khám, điều trị kịp thời, tuyệt đối không đắp các loại lá, thuốc dân gian.