Bệnh nhân khám bệnh bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN
Rất nhiều bình luận của bạn đọc đã phản hồi đến Tuổi Trẻ Online sau phát biểu của Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: Người bị bệnh ung thư, sao còn bắt đi xin giấy chuyển viện?
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, bình thường khi người dân đăng ký khám chữa bệnh ban đầu thường được đăng ký ở cơ sở khám chữa bệnh cấp huyện như bệnh viện, trung tâm y tế cấp huyện.
Khi chuyển viện sẽ phải chuyển từ cơ sở y tế cấp huyện lên bệnh viện đa khoa tỉnh và tiếp sau đó lên bệnh viện tuyến trung ương.
Việc này, theo ông Tuyên rất mất thời gian, trong khi có những bệnh yêu cầu phải chuyển ngay.
Rơi nước mắt với giấy chuyển viện
Nhiều bạn đọc cho biết đây là thực tế đã và đang diễn ra tại nhiều nơi, khiến bệnh nhân khổ sở và bức xúc.
Bạn đọc Nại Thành Hoàng: "Vợ tôi ung thư vú, xin giấy chuyển tuyến đi TP.HCM nhưng bệnh viện ở địa phương nhất quyết không cho. Họ nói khi nào ở đây không điều trị được nữa họ mới cấp giấy chuyển tuyến. Vậy là gia đình phải bỏ tiền ra để chữa bệnh, không dùng bảo hiểm y tế (BHYT)".
Tương tự, bạn đọc Ha chia sẻ: "Năm 2003 tôi bị phát hiện ung thư vòm họng giai đoạn 4. Mỗi lần đi kiểm tra lại phải xin giấy giới thiệu từ bệnh viện huyện sang bệnh viện tỉnh.
Điều đáng nói là để nhận được giấy chuyển tuyến là cả một quá trình... Vậy nên sau này mỗi lần đi tái khám tôi đều chọn cách tự túc 100% cho dù rõ ràng mình có thẻ BHYT".
Bạn đọc Vũ Cẩm Vân rơi nước mắt khi vất vả ngược xuôi xin giấy chuyển viện cho em của bạn đọc này điều trị bệnh ung thư buồng trứng.
"Bệnh viện đăng ký ban đầu không mổ được, phải chuyển bệnh viện chuyên khoa trung ương. Mổ xong em tôi được bệnh viện trung ương chỉ định hóa trị.
Bệnh viện trung ương chấp nhận tiếp tục điều trị cho bệnh nhân, nhưng bệnh viện cơ sở không chấp nhận cấp giấy chuyển viện. Cuối cùng chúng tôi phải chấp nhận điều trị không có BHYT".
Bạn đọc Huỳnh Chương cho biết: "Hiện nay nhiều bệnh viện tuyến cuối vẫn yêu cầu bệnh nhân bệnh mãn tính, ung thư đang khám chữa bệnh định kỳ hằng tháng bắt buộc phải có giấy chuyển tuyến khám chữa bệnh BHYT vào đầu năm 2025".
Bạn đọc Đoàn Thị Hương rất mong chờ đến ngày Luật BHYT mới bắt đầu có hiệu lực từ 1-1-2025, người bị bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo... được lên thẳng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên sâu. Người mắc bệnh ung thư đã điều trị tại bệnh viện trung ương chỉ cần có giấy hẹn để được thăm khám, điều trị bệnh mà không cần giấy chuyển viện.
"Vậy là tôi không phải chạy ngược chạy xuôi xin giấy chuyển tuyến cho mẹ tôi nữa. Năm ngoái thời gian này mẹ tôi lo lắng liệu có xin được giấy chuyển tuyến không để còn tiếp tục điều trị hóa chất ở Bệnh viện K.
Chỉ cần thay đổi cho những bệnh nhân đang điều trị tiếp tục mà không cần xin giấy chuyển tuyến hằng năm là bớt lo lắng, chi phí cho người bệnh rồi" - bạn đọc Thanh bày tỏ.
Đang xây dựng danh mục bệnh không cần giấy chuyển viện
Bên cạnh đó còn có nhiều thắc mắc của bạn đọc liên quan đến Luật Bảo hiểm y tế mới.
Bạn đọc Nguyễn Ngọc Lam hỏi: "Tôi sinh sống tại Hà Nội, hiện tôi đang mắc bệnh ung thư đã và đang điều trị tại Bệnh viện K Tân Triều. Đến 31-12-2024 giấy chuyển tuyến khám chữa bệnh của tôi hết hiệu lực tại Bệnh viện K. Không biết theo luật mới tôi có được điều trị tiếp tại đây không hay phải làm lại giấy chuyển viện?".
"Bệnh nhân ghép thận có thuộc danh mục không phải chuyển tuyến không ạ?" - bạn đọc Nam Bùi thắc mắc.
Bà Vũ Nữ Anh - phó vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) - cho hay Luật BHYT vừa được thông qua quy định trong một số trường hợp bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo... bệnh nhân được lên thẳng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên sâu mà không cần xin giấy chuyển viện và vẫn được hưởng 100% mức hưởng BHYT.
Bà Nữ Anh giải thích với quy định này, người bệnh đã được chẩn đoán xác định mắc bệnh hiếm, hiểm nghèo, bệnh cần sử dụng kỹ thuật cao nằm trong danh mục của Bộ Y tế sẽ ban hành có thể đến thẳng trực tiếp cấp chuyên sâu, không cần xin giấy chuyển viện như hiện nay.
"Hiện nay Bộ Y tế đang xây dựng danh mục cụ thể các bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo không cần giấy chuyển viện.
Danh mục này phải được tính toán phù hợp, tránh người dân đổ dồn lên tuyến cuối gây quá tải. Thông tư dự kiến có hiệu lực vào 1-1-2025", bà Anh chia sẻ.
Theo quy định hiện nay có 62 bệnh, nhóm bệnh được chuyển viện một năm một lần. Trong đó các trường hợp có chỉ định sử dụng thuốc chống thải ghép sau ghép mô, bộ phận cơ thể người có thể xin giấy chuyển tuyến 12 tháng/lần.
Ghép tạng cũng như các bệnh lý khác đều phải thực hiện đúng quy trình chuyển viện.
Đồ họa: VÕ TÂN