Chuyên mục  


Công trình do bác sĩ Hồ Ngọc Anh Vũ, 34 tuổi, thực hiện, người hướng dẫn là PGS.TS.BS Vương Thị Ngọc Lan, Trưởng Khoa Y Trường Đại học Y Dược TP HCM. Bác sĩ Vũ hiện là Trưởng Đơn vị hỗ trợ sinh sản Mỹ Đức Tân Bình.

Đồng tác giả bài báo gồm ThS Phạm Dương Toàn, bác sĩ Nguyễn Thành Nam, tiến sĩ Rui Wang, giáo sư Robert Norman, giáo sư Ben Mol, bác sĩ Hồ Mạnh Tường và PGS.TS.BS Vương Thị Ngọc Lan.

Đây là lần đầu tiên một đề tài nghiên cứu sinh của học viên trường đại học tại Việt Nam được công bố trên tạp chí y khoa danh giá thế giới, hôm 26/6.

Bác sĩ Hồ Ngọc Anh Vũ tư vấn bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Công trình trên nói về các phác đồ chuẩn bị nội mạc tử cung. Theo đó, chuẩn bị nội mạc tử cung giống như "xây dựng một chiếc tổ ấm cho phôi, trước khi chuyển phôi vào bên trong tử cung". Với môi trường tốt, phôi có thể phát triển khỏe mạnh hơn, cơ hội đậu thai tăng cao hơn. Tuy nhiên, mỗi bệnh nhân sẽ có một thể trạng khác nhau. Việc sử dụng một phác đồ duy nhất sẽ không phù hợp cho tất cả người bệnh.

Nghiên cứu này so sánh hiệu quả 3 phác đồ chuẩn bị nội mạc tử cung được áp dụng phổ biến trên thế giới, thực hiện ở 1.428 bệnh nhân. Điều này hỗ trợ cho các bác sĩ có thêm nhiều chứng cứ khoa học, từ đó đưa ra phác đồ phù hợp cho từng bệnh nhân, nhằm tối ưu kết quả điều trị. Đây cũng là nghiên cứu đầu tiên có phân tích giữa kỳ và được sự đánh giá của hội đồng phân tích dữ liệu quốc tế độc lập bao gồm các GS. Lyle Gurrin, Jim Thorton và Ernest Ng đến từ Anh, Australia và Hong Kong.

Bác sĩ Vũ cho biết công trình phải tạm dừng sau hai tháng nghiên cứu vì dịch Covid-19, năm 2021. Các bác sĩ tập trung chống dịch, đồng thời điều chỉnh kế hoạch nhận mẫu của nghiên cứu để phù hợp tình hình. Khi TP HCM bỏ giãn cách xã hội, hoạt động điều trị nghiên cứu được tiếp tục.

Từ khi hoàn thành nhận mẫu vào tháng 3/2023, nhóm bắt đầu chuẩn bị bản thảo và các tài liệu. Đến ngày 18/12/2023, sau nhiều cuộc họp trực tuyến/trực tiếp giữa nhóm nghiên cứu Việt Nam và các chuyên gia từ Australia, nhóm đã gửi bản thảo đầu tiên đến The Lancet. Trải qua nhiều tháng làm việc, cung cấp dữ liệu, đáp ứng nhiều yêu cầu khắt khe của nhóm bình duyệt gồm các chuyên gia phản biện độc lập cùng ban biên tập, công trình mới được đăng tải.

Bác sĩ Vũ thủ thuật cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

The Lancet là tập san khoa học có lịch sử lâu đời, với ấn phẩm đầu tiên được xuất bản từ tháng 10/1823, hiện có chỉ số ảnh hưởng khoa học (impact factor) cao nhất trên thế giới. Đây được coi là một trong những nguồn thông tin uy tín và tiên tiến nhất trong cộng đồng y học và khoa học y tế toàn cầu. Các công trình nghiên cứu được The Lancet chấp thuận công bố phải có phẩm chất khoa học vượt trội và có tác động sâu rộng đến hoạt động điều trị, nghiên cứu.

Đây là lần thứ 2, một công trình khoa học của y khoa Việt Nam xuất hiện trên The Lancet. Công trình đầu tiên đăng hồi tháng 4/2021, do nhóm nghiên cứu Bệnh viện Mỹ Đức chủ trì, phối hợp nhiều đơn vị trong và ngoài nước, về kỹ thuật tiêm tinh trùng chữa vô sinh.

Từ kết quả nghiên cứu này, hơn một năm nay, bệnh nhân đến điều trị tại Bệnh viện Mỹ Đức bắt đầu hưởng lợi từ các hiểu biết mới, điều chỉnh phác đồ phù hợp. "Sau khi được công bố trên tập san, các kiến thức và hiểu biết mới của đề tài sẽ được lan tỏa toàn thế giới", bác sĩ Tường nói.

Lê Phương

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020