Chuyên mục  


"Khung cảnh hỗn loạn như chiến tranh", bác sĩ Nguyễn Duy Toản, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đức Giang, nhớ lại ca ngộ độc rượu tập thể đêm 10/1 ba năm trước.

Lúc đó, bệnh viện đang thực hiện nghiêm ngặt quy định phòng chống Covid-19. Các bệnh nhân 30-45 tuổi lần lượt được đưa vào, người mất ý thức, trường hợp khác mềm oặt, nôn mửa, toàn thân nồng nặc mùi rượu. Bên ngoài, người nhà hoảng loạn, bấu víu vào cánh cửa phòng cấp cứu.

Bệnh nhân đầu tiên, nam 30 tuổi, lơ mơ, kích thích, huyết áp tụt nghiêm trọng khiến máy đo phát báo động. Đánh giá lâm sàng kết hợp các xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán anh bị ngộ độc methanol mức độ nặng.

"Mỗi giây trôi qua, cơ thể bệnh nhân càng tổn thương nghiêm trọng hơn", bác sĩ phân tích.

Áp lực tăng lên buộc anh phải quyết định. "Chuyển lên khoa hồi sức lọc máu ngay", anh dứt khoát ra y lệnh và cho rằng đây là cách duy nhất bảo vệ tính mạng người bệnh, nếu không nguy cơ tử vong là 90%.

Khó khăn chồng chất khi tất cả bệnh nhân ngộ độc rượu đều cần lọc máu, tiên lượng nặng. Tuy nhiên, quá trình này mất nhiều thời gian. Trường hợp chưa từng lọc máu hoặc có bệnh nền, người bệnh có nguy cơ, sốc, biến chứng, khiến điều trị thất bại, bệnh nặng hơn. Bác sĩ Toản liên tục thúc giục xét nghiệm. Tất cả làm việc với 200% công lực so với ngày thường.

Thời điểm này, dịch Covid bùng phát mạnh mẽ, bệnh viện liên tục nhận các cuộc gọi cấp cứu, nhiều đến mức nhân viên ám ảnh tiếng chuông điện thoại. Ngoài áp lực chăm sóc bệnh nhân, y bác sĩ phải chịu nóng, chịu khát trong đồ bảo hộ, "nhiều lần mồ hôi ướt sũng như tắm, không dám uống nước". Mọi người làm việc qua một lớp khẩu trang, một tấm kính chắn giọt bắn và nhiều quy tắc "chưa từng có trong nghề".

Cuối cùng, sau các nỗ lực cấp cứu, 10 người bệnh qua cơn nguy kịch, được xuất viện trước Tết nguyên đán năm đó.

Bác sĩ Nguyễn Duy Toản, Khoa cấp cứu, Bệnh viện Đức Giang. Ảnh: Thùy An

Bác sĩ Toản tốt nghiệp Học viện Quân y năm 2018, chọn chuyên ngành hồi sức cấp cứu để thử thách bản thân. Công việc của anh không chỉ đối mặt với áp lực chuyên môn mà còn chịu những hành động quá khích từ người nhà và bệnh nhân say rượu.

Anh từng gặp một nhóm bệnh nhân ngộ độc rượu đi cùng nhau. Từ lúc đến cổng khoa cấp cứu, người nhà đã lớn tiếng đe dọa: "Người nhà tôi mà xảy ra chuyện thì anh liệu hồn". Dù căng thẳng và lo lắng, bác sĩ Toản vẫn tập trung ưu tiên điều trị bệnh nhân đang nguy kịch. Anh gọi bảo vệ hỗ trợ để kiểm soát tình hình và theo dõi sát chỉ số sinh tồn của bệnh nhân.

Một lần khác, một bệnh nhân say rượu đánh nhau nhập viện. Người nhà liên tục gây áp lực, dọa đuổi việc nếu không được chữa trị ngay. "Lúc đó, mọi người trong khoa không dám ra khỏi cửa viện cả ngày", anh kể. May mắn, cơ quan công an có mặt, giúp nhân viên y tế yên tâm làm việc.

Không chỉ bị người nhà quấy rối, nhiều bệnh nhân say rượu thái độ hung hăng, mắng chửi và đập phá đồ đạc, làm khó các bác sĩ trong quá trình chẩn đoán và khai thác thông tin.

Trong những tình huống đó, bác sĩ Toản phải giữ bình tĩnh, vừa quan sát, vừa kết hợp chỉ số xét nghiệm để quyết định nhanh và chính xác. "Có lúc tôi vẫn không tin mình vượt qua được những giới hạn tưởng không thể. Phải thực sự yêu nghề mới gắn bó được với ngành y", anh tâm sự.

Dịch Covid bùng phát, bệnh viện phải phân luồng để tiếp nhận người bệnh. Ảnh: Chi Lê

Bác sĩ Toản chia sẻ điều trị ngộ độc rượu vô cùng phức tạp vì nồng độ cồn cao gây tổn thương nghiêm trọng đến gan, tim, não, thậm chí dẫn đến tử vong nhanh. Ví dụ, nồng độ cồn trong máu 310-400 mg/ml khiến bệnh nhân mất khả năng vận động, ý thức, hạ thân nhiệt. Từ 410-500 mg/ml, bệnh nhân có nguy cơ hôn mê sâu, suy giảm chức năng hô hấp và tụt huyết áp. Nếu nồng độ cồn vượt 500 mg/ml, nguy cơ tử vong rất cao.

Do đó, bác sĩ phải phân loại bệnh nhân để cân đối nguồn lực. Nhóm bệnh nhân bất tỉnh, hôn mê, không có người thân đi kèm thường khó xác định tình trạng bệnh nền. Nhóm khác, tinh thần kích động, không phối hợp điều trị, cần huy động nhiều nhân lực để kiểm soát. "Mỗi nhóm đòi hỏi cách tiếp cận và điều trị phù hợp để đảm bảo không bỏ sót bệnh", anh cho biết.

Theo Bộ Y tế, Việt Nam xếp thứ hai trong các nước Đông Nam Á, xếp thứ 3 châu Á về mức tiêu thụ bình quân rượu bia tính trên đầu người. Tình trạng uống quá độ đến mức nguy hại đang rất phổ biến ở người trưởng thành Việt Nam, lên tới hơn 44% số nam giới. Ước tính mỗi năm, cả nước chi khoảng 3,4 tỷ USD cho rượu bia. Những dịp lễ Tết, tình trạng sử dụng rượu bia lại tăng vọt. Điều này kéo theo số ca ngộ độc tăng, gây áp lực lên hệ thống bệnh viện cũng như nhân viên y tế.

Bác sĩ Toàn và điều dưỡng đang thăm khám sức khỏe cho bệnh nhân. Ảnh: Thùy An

Dẫu khó khăn, bác sĩ Toản tìm thấy động lực từ những ca bệnh hồi phục. Anh nhớ mãi một bệnh nhân viêm tụy cấp xuất viện ngày 29 Tết, người đã động viên anh: "Ba ngày Tết được về nhà là hạnh phúc lớn rồi". Lời cảm ơn đó tiếp thêm niềm tin và sự kiên trì cho anh trên hành trình cứu người.

Năm nay, anh tiếp tục trực đêm giao thừa. "Sự hồi phục của bệnh nhân là động lực lớn nhất, bởi phía sau còn nhiều người đang cần chúng tôi", bác sĩ Toản chia sẻ.

Thùy An

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020