Chuyên mục  


Ung thư đại tràng là loại ung thư thường gặp tại Việt Nam và trên thế giới. Dù nguy hiểm, bệnh được công nhận dễ phòng ngừa, dễ phát hiện sớm và điều trị nhất trong các loại ung thư.

Mô hình xuất hiện của ung thư đại tràng rất đơn giản. Khoảnh 95% ca bệnh ung thư tiến triển từ polyp ruột. Quá trình này cũng rất dài. Từ niêm mạc bình thường đến khi xuất hiện polyp mất từ 5 đến 15 năm. Từ polyp ruột tiến triển đến chứng loạn sản và ung thư mất thêm 5 đến 15 năm nữa. Nói cách khác, tổng thời gian phát triển từ niêm mạc bình thường đến ung thư đại tràng mất ít nhất 10 năm, đôi khi lên hơn 30 năm.

Như vậy, mọi người thường có đủ thời gian để phát hiện và ngăn chặn bệnh trước khi nó tiến triển thành ung thư. Tuy nhiên, do sự chủ quan, một số người có thể bỏ qua các dấu hiệu mắc bệnh.

Tiêu chảy hoặc táo bón xen kẽ

Trong giai đoạn đầu mắc ung thư đại tràng, các tổn thương chỉ ở niêm mạc và có thể không có triệu chứng. Người bệnh chỉ bị thay đổi thói quen đại tiện, chẳng hạn đi tiêu phân khô hoặc tiêu chảy, táo bón. Hai tình trạng này xảy ra xen kẽ. Lúc này, mọi người cần đi khám và tầm soát xem có mắc bệnh ung thư hay không.

U cứng ở bụng

Nhiều bệnh nhân mắc ung thư đại tràng xuất hiện khối cứng, kích thước khác nhau ở bụng. Bề mặt khối u này có dạng nốt sần, có thể nhô ra ở giai đoạn đầu nhưng cố định hơn ở giai đoạn sau. Một số người bị đau kết hợp nhiễm trùng thứ phát. Khi bệnh tiến triển, khối u sẽ tăng dần về kích thước và có thể phát hiện rõ qua sờ nắn bụng và chiếu chụp ổ bụng.

Minh họa khối u ung thư đại tràng. Ảnh: iStock

Máu trong phân

Xuất hiện máu trong phân là triệu chứng thường gặp của các bệnh đường tiêu hóa, đặc biệt là bệnh trĩ. Tuy nhiên, máu của người mắc bệnh trĩ có màu đỏ tươi và thường dính trên bề mặt phân, nhỏ giọt sau khi đại tiện. Các triệu chứng của ung thư đại tràng là đi đại tiện ra máu dai dẳng kèm lượng nhỏ chất nhầy. Đôi khi, người bệnh ung thư đại tràng chỉ bài tiết một ít máu hoặc chất nhầy mà không có phân.

Thiếu máu và sụt cân

Khi bệnh tiến triển, các triệu chứng suy nhược mạn tính có thể xuất hiện, chẳng hạn thiếu máu, mệt mỏi và sốt. Bệnh nhân giảm cân nặng đột ngột mà không rõ nguyên nhân. Lúc này, bác sĩ cần đặc biệt lưu ý về khả năng mắc bệnh ung thư nếu bệnh nhân đi tầm soát. Người bệnh đôi khi cần nội soi.

Dù không còn là án tử, ung thư đại tràng vẫn ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt hàng ngày. Dữ liệu cho thấy tỷ lệ mắc ung thư đại tràng ở nam giới cao hơn nữ giới. Đàn ông dễ mắc ung thư đại tràng hơn do lối sống và đặc điểm sinh lý. Tại nơi làm việc, họ dễ bị rơi vào trạng thái căng thẳng cao độ thời gian dài, không có thời gian tập luyện và nghỉ ngơi. Hơn nữa, nam giới thường ưa chuộng các loại thực phẩm giàu chất béo và nhiều calo. Với thói quen hút thuốc lá và uống rượu, họ có nhiều khả năng mắc ung thư đường ruột.

Ruột là "trạm xăng" lớn nhất của cơ thể, hấp thụ khoảng 99% chất dinh dưỡng được ruột hấp thụ. Sức khỏe đường ruột quyết định sức khỏe thể chất. Các chuyên gia khuyến nghị mọi người thăm khám định kỳ một năm một lần, đặc biệt đối với người có tiền sử gia đình mắc ung thư.

Thục Linh (Theo Aboluowang)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020