Chuyên mục  


Sáng 26/4, đại diện Bộ Tư pháp cho biết đề xuất này nhằm đảm bảo khả thi, hiệu quả, tiến tới có nhiều hơn dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết do nhóm đại biểu Quốc hội đề xuất và xây dựng. Việc này áp dụng trong phạm vi hẹp, tính chất không quá phức tạp; dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết sửa đổi, bổ sung.

Bộ Tư pháp cũng sẽ xây dựng cơ chế để cá nhân đại biểu được trình Quốc hội nghị quyết của Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ.

Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 quy định, đại biểu có quyền đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh phù hợp với chủ trương của Đảng và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Họ được đề nghị các cơ quan hỗ trợ khi xây dựng hồ sơ dự án luật.

Tuy nhiên, Bộ Tư pháp đánh giá các quy định hiện hành chưa thực chất và hiệu quả. Đại biểu chưa có cơ chế, điều kiện cần thiết để thực hiện quyền sáng kiến lập pháp. Luật chỉ quy định quyền đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh của đại biểu chứ chưa áp dụng với nhóm đại biểu. Trong khi thực tế, một đại biểu rất khó thực hiện quyền sáng kiến lập pháp của họ, do thiếu nguồn lực và điều kiện cần thiết.

Năm 2011, đại biểu Đặng Thị Hoàng Yến (đoàn Long An) gây bất ngờ khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự thảo Luật Bảo vệ quyền riêng tư; đại biểu Nguyễn Minh Hồng (đoàn Nghệ An) trình dự thảo Luật Nhà văn. Cả hai dự thảo này đều không được chấp thuận.

Hai năm sau, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) đề xuất lãnh đạo Quốc hội xây dựng dự án Luật Hành chính công. Năm 2016, dự thảo được đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa 14. Đến năm 2018, dự thảo Luật Hành chính công bị rút ra khỏi chương trình và được coi là "công trình khoa học có giá trị tham khảo".

Năm 2023, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) đề xuất xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính và được Thường vụ Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2024. Hiện Bộ Y tế, Tư pháp, Văn phòng Quốc hội, Viện nghiên cứu lập pháp của Quốc hội đang hỗ trợ ông Trí hoàn thiện hồ sơ dự thảo luật.

Hiện nay, các dự thảo luật được Quốc hội thông qua và ban hành, chủ yếu do các cơ quan xây dựng và trình, như Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, TAND Tối cao, VKSND Tối Cao, Kiểm toán Nhà nước... Các dự thảo luật, pháp lệnh cần được nhiều cơ quan kiểm tra, tiếp thu sửa đổi, giải trình, trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua.

Đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua dự án Luật Đất đai sửa đổi, tháng 1/2024. Ảnh: Giang Huy

Trên thế giới, nhiều nước như Nhật Bản, Canada... đã công nhận quyền sáng kiến lập pháp của nhóm đại biểu và có cơ chế hỗ trợ, như lập bộ phận chuyên trách giúp soạn dự thảo.

Tại Mỹ, sáng kiến xây dựng luật có thể đến từ bất cứ đâu và các dự thảo luật được đề xuất có nguồn gốc từ nhiều bộ phận khác nhau, nhưng quyền chính thức trình dự luật trước Hạ viện hoặc Thượng viện chỉ thuộc về thành viên Quốc hội. Nghị sĩ có thể đệ trình dự luật bất cứ khi nào miễn là trong kỳ họp Quốc hội.

Ý tưởng về dự luật có thể đến từ một thành viên của Thượng viện hoặc Hạ viện, hoặc xuất phát từ chiến dịch bầu cử của họ theo lời hứa nếu được bầu, sẽ đưa ra luật về một chủ đề cụ thể. Các dự luật cũng có thể được kiến nghị bởi cử tri, với tư cách cá nhân hoặc thông qua các nhóm công dân, chuyển các đề xuất luật mới hoặc luật sửa đổi cho một thành viên Quốc hội đại diện cho họ, theo quyền kiến nghị trong Hiến pháp. Khi thấy ý tưởng nào đó có thể xây dựng thành luật, nghị sĩ phải viết ý tưởng đó thành một dự luật và chính thức đệ trình với tư cách người bảo trợ.

Tương tự như vậy, các cơ quan lập pháp của bang có thể thông qua các nghị quyết để chuyển tới Hạ viện và Thượng viện. Nếu có ấn tượng tốt với ý tưởng này, nghị sĩ có thể đệ trình hoặc có thể soạn thảo lại đề xuất đó.

Thảo Nguyên

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020