Chuyên mục  


base64-17296638123291086824531.jpeg

Mắm Con trai Bà Cẩn đang được sản xuất và bán trên thị trường - Ảnh: THÁI BÁ DŨNG

Vụ việc đã được Công an tỉnh Quảng Nam, Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Nam kết luận, ra quyết định xử phạt hành chính.

Rắc rối vụ tố cáo thương hiệu mắm Dì Cẩn

Trong đơn tố cáo gửi cơ quan chức năng, bà Trương Thị T.M. (47 tuổi, trú tại Hải Châu, Đà Nẵng), đại diện cho mẹ mình là Nguyễn Thị Cẩn - người nổi tiếng với thương hiệu đặc sản mắm miền Trung với tên gọi "Dì Cẩn" - tố ông Trương Thành Nam (56 tuổi), đại diện theo pháp luật thương hiệu mắm Tuyết Hạnh "Con trai Dì Cẩn".

Bà M. cho rằng ông Nam mạo nhận là con trai bà Nguyễn Thị Cẩn - chủ nhãn hiệu mắm "Dì Cẩn" - để thực hiện một số hành vi trái pháp luật, xâm hại nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình bà Cẩn.

Bà M. đề nghị thu hồi, hủy bỏ căn cước công dân đã cấp cho ông Nam.

Tiếp nhận đơn, các cơ quan chức năng có hồi đáp khẳng định một số nội dung của bà M. nêu là chưa có cơ sở.

Trước đó cùng với nội dung tương tự, Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường Công an tỉnh Quảng Nam trong văn bản trả lời đơn cũng nêu rằng giữa ông Trương Thành Nam và bà Nguyễn Thị Cẩn (chủ sở hữu nhãn hiệu Dì Cẩn) có mối quan hệ là mẹ con ruột.

Do mối quan hệ con ruột nên ông Nam đã sử dụng cụm từ "Con trai Dì Cẩn" dán nhãn lên các sản phẩm mắm cơ sở Tuyết Hạnh để sản xuất, bán ra thị trường.

Tại đơn gửi Công an TP Đà Nẵng, đại diện bà Cẩn khẳng định bà Nguyễn Thị Cẩn có sáu người con. Bà cũng không nhận ai làm con nuôi.

Trong số sáu con đẻ thì người con đầu sinh tháng 11-1968. Trong khi ông Trương Thành Nam cũng sinh tháng 11-1968 (không cùng ngày sinh với người con kia). Như vậy theo đại diện của bà Cẩn, nếu ông Nam nhận mình là con đẻ thì vô lý, bởi một năm một người không thể sinh hai con mà lại cách nhau vài ngày.

Nguyên do từ đâu?

Bà Cẩn là người khởi tạo và tới nay được biết đến khắp cả nước, đặc biệt là miền Trung, với tên gọi mắm Dì Cẩn. Lý do lấy tên Dì Cẩn chứ không phải "mẹ Cẩn, bà Cẩn, cụ Cẩn hay cô Cẩn..." là vì tên gọi "Dì Cẩn" nghe gần gũi như người quen nên được gia đình sử dụng.

Theo tìm hiểu, giữa gia đình bà Cẩn và ông Trương Thành Nam có mối quan hệ lâu nay. Trước đây, quá trình làm ăn ông Nam được gia đình bà tạo điều kiện cho tham gia vào một khâu trong chuỗi sản xuất các sản phẩm mắm Dì Cẩn. Tên gọi "Dì Cẩn" trên các dòng mắm của gia đình bà Cẩn cũng đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu năm 2009 và cấp lại lần thứ nhất năm 2017.

Tháng 2-2024, Công an tỉnh Quảng Nam nhận được đơn của phía gia đình bà Cẩn tố cáo ông Trương Thành Nam - đại diện hộ kinh doanh cơ sở sản xuất mắm Tuyết Hạnh "Con trai Dì Cẩn", địa chỉ tại thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam - có hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.

Sau khi nhận đơn, Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường Công an tỉnh Quảng Nam đã kiểm tra hoạt động sản xuất tại cơ sở mắm Tuyết Hạnh "Con trai Dì Cẩn". 

Tại thời điểm kiểm tra, phát hiện cơ sở này đang sản xuất mắm các loại gắn nhãn hiệu "Con trai Dì Cẩn" với tổng cộng 2.968 sản phẩm đã đóng chai, lọ hoàn thiện. Ngoài ra ở kho xưởng cũng có các loại vật tư dùng để sản xuất bao bì như nắp, vỏ chai, băng keo, nhãn các loại có gắn nhãn hiệu tương tự.

Công an Quảng Nam xác định tại thời điểm kiểm tra, cơ sở mắm Tuyết Hạnh "Con trai Dì Cẩn" có gắn dấu hiệu "Con trai Dì Cẩn" trùng với nhãn hiệu "Dì Cẩn" mà gia đình bà Nguyễn Thị Cẩn đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu trước đó.

Khi sử dụng nhãn hiệu "Con trai Dì Cẩn" gắn lên các sản phẩm mắm thì ông Trương Thành Nam không trao đổi hay được cho phép của bà Nguyễn Thị Cẩn. Việc sử dụng nhãn hiệu "Con trai Dì Cẩn" cũng không đăng ký với cơ quan thẩm quyền.

di-can-2-17296643059161819703346.jpeg

Các sản phẩm mắm mang tên Con trai Bà Cẩn bán trên thị trường - Ảnh: THÁI BÁ DŨNG

Kết quả trưng cầu giám định của Viện Khoa học sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho thấy việc sử dụng các nhãn dán mang tên "Con trai Dì Cẩn" là yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu Dì Cẩn". Công an Quảng Nam đã chuyển hồ sơ qua Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Nam.

Căn cứ vào nghị định 99/2013/NĐ-CP năm 2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp và nghị định 126 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, tiêu chuẩn đo lượng và chất lượng sản phẩm, hàng hóa..., ngày 12-4-2024 chánh Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Nam đã ra quyết định xử phạt hành chính hộ kinh doanh mắm Tuyết Hạnh "Con trai Dì Cẩn" với số tiền 24 triệu đồng, tiêu hủy vật tư và các yếu tố vi phạm.

Sau khi quyết định xử phạt có hiệu lực, toàn bộ các sản phẩm bị lập biên bản, bị xác định là vi phạm đã được tiêu hủy.

Từ "Con trai Dì Cẩn" qua "Con trai Bà Cẩn", "Cẩn Con"

Sau khi bị ngành chức năng xử phạt liên quan đến nhãn hiệu "Con trai Dì Cẩn", gần đây trên thị trường lại xuất hiện nhiều dòng mắm mang tên "Con trai Bà Cẩn", "Cẩn Con"... Tất cả ghi rõ cùng nơi xuất xứ, số điện thoại, chủ thương hiệu... Nhiều người tiêu dùng khá bối rối khi mua các chai mắm "vừa lạ mà có gì đó lại vừa quen quen" này.

Trao đổi với phóng viên, đại diện cơ sở mắm Tuyết Hạnh nói nhãn hiệu mắm "Con trai Bà Cẩn", "Cẩn Con" đúng là của cơ sở mình. Còn tên gọi "Con trai Dì Cẩn" trước đây thì hiện không còn bán kể từ lúc bị ngành chức năng xử phạt.

"Chuyện ai đó đang kiện tụng thì tui không biết, đó là việc của họ. Chúng tôi chỉ làm việc với Nhà nước" - ông Trương Thành Nam nói. Trong khi đó, một đại diện khác của mắm Tuyết Hạnh thì nói rằng đúng sai như thế nào cơ quan chức năng xử lý, còn tên gọi Dì Cẩn, Bà Cẩn... ở miền Trung nhiều người có tên như vậy chứ không riêng một người.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020