Ngày 13/10, vụ tranh chấp quyền độc quyền khai thác tác phẩm điện ảnh giữa Công ty Cổ phần truyền thông TK - L (TK - L) và bị đơn Công ty cổ phần VNG (VNG) được TAND Cấp cao tại TP HCM xét xử phúc thẩm.
Theo bản án sơ thẩm, năm 2020, TK - L ký hợp đồng với đối tác nước ngoài (Công ty Sea Yuen Limited) được quyền khai thác độc quyền 3 bộ phim: The Story of Minglan – Minh Lan truyện, Princess silver – Bạch Phát Vương Phi, Legend of the Phoenix – Phượng Dịch trên các nền tảng truyền hình trong lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên, TK - L sau đó phát hiện VNG đã khai thác 3 bộ phim trên dưới hình thức đăng tải trực tiếp lên trang điện tửtv.zing.vn, thuộc quyền quản lý và sở hữu của VNG.
TK - L cho rằng, VNG khai thác các tác phẩm này khi không được cho phép, gây thiệt hại nên khởi kiện yêu cầu TAND TP HCM buộc bồi thường. Hồi năm ngoái, TAND TP HCM xử sơ thẩm đã tuyên chấp nhận yêu cầu của TK – L, buộc VNG phải bồi thường cho nguyên đơn 14,3 tỷ đồng và xin lỗi trên 3 báo. VNG sau đó kháng cáo toàn bộ bản án.
Tại tòa hôm nay, phía VNG cho rằng, việc thỏa thuận cấp phép truyền hình số của Công ty Sea Yuen Limited cho TK – L đối với 3 bộ phim The Story of Minglan – Minh Lan truyện, Princess silver – Bạch Phát Vương Phi, Legend of the Phoenix – Phượng Dịch là không hợp lệ. Bởi vào cuối năm 2020 và đầu năm 2021, Công ty Sea Yuen Limited mới nhận chuyển giao quyền đối với 3 bộ phim trên, trong khi từ năm 2018, 2019 công ty này đã ký hợp đồng cấp phép độc quyền cho TK – L. Điều này có nghĩa là TK – L ký thỏa thuận với đối tác nước ngoài khi công ty này chưa được quyền chuyển giao phim.
Từ đó, VNG cho rằng thỏa thuận cấp phép giữa Công ty Sea Yuen Limited cho TK – L là không có giá trị, không hợp lệ.
VNG cũng cho rằng, tv.zing.vn do mình thiết lập là trang mạng xã hội. Việc chiếu 3 bộ phim trên là do người dùng mạng đăng tải lên. Thực tế, trong 3 bộ phim mới chỉ có một số tập được phát chứ chưa phát toàn bộ. Khi phát hiện, VNG đã tiến hành xóa bỏ và ngưng chiếu.
Sau khi khôi phục được dữ liệu, công ty đã cung cấp cho tòa về thông tin người dùng đã đăng tải bộ phim. Tuy nhiên, thời điểm cung cấp chứng cứ là sau khi tòa sơ thẩm đã thực hiện việc công khai chứng cứ, chỉ được HĐXX tham khảo, nên VNG đề nghị cấp phúc thẩm xem xét.
Theo bị đơn, công ty không phải chịu trách nhiệm về nội dung vi phạm do người dùng đăng tải, nên không đồng ý với toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn. Trong trường hợp nếu tòa không chấp nhận quan điểm của VNG thì đề nghị chỉ đồng ý buộc VNG bồi thường một phần tiền tương ứng với số tập phim đã được phát sóng, chứ không phải bồi thường toàn bộ giá trị của hợp đồng.
Đại diện các bên tại phiên tòa hôm nay. Ảnh: Hải Duyên
Ngược lại, phía nguyên đơn cho rằng, việc bị đơn đưa một số tập phim phát trên trang mạng khi TK – L chưa kịp phát sóng trên truyền hình và các ứng dụng khác đã làm mất đi quyền độc quyền của nguyên đơn, gây thiệt hại rất lớn. Tuy nhiên, nguyên đơn chỉ yêu cầu bồi thường dựa trên căn cứ giá trị hợp đồng.
Về tính hợp lệ của thỏa thuận cấp phép, theo TK – L, thực tế đối tác nước ngoài được nhận quyền chuyển nhượng trước đó chứ không phải thời điểm vào năm 2020, 2021 như phía bị đơn trình bày. Mốc thời gian vào năm 2020, 2021 là thời điểm Công ty Sea Yuen Limited thực hiện việc xác nhận với TK – L rằng đã được nhận quyền chuyển giao bộ phim chứ không phải thời điểm này mới ký hợp đồng chuyển giao. Do hợp đồng nhận chuyển giao phim chứa bí mật kinh doanh nên phía đối tác từ chối cung cấp mà chỉ ký giấy xác nhận cho TK - L để làm bằng chứng gửi tòa.
Hình ảnh trong bộ phim các bên tranh chấp. Ảnh: Vie
Tranh cãi đúng - sai
Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn trình bày thêm, hiện nguyên đơn vẫn khai thác các bộ phim theo hợp đồng. Do đó việc TK – L cho rằng hành vi của VNG "làm mất đi tính độc quyền" là không có cơ sở. Trong trường hợp không chứng minh, xác định được thiệt hại xảy ra thì việc bồi thường do hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ không được quá 500 triệu đồng, theo quy định của pháp luật.
Phía VNG cũng cho rằng, việc xin lỗi công khai chỉ xảy ra khi các quyền nhân thân đối với tác phẩm bị xâm phạm, làm ảnh hưởng đến danh dự của tác giả. Nếu hợp đồng thỏa thuận cấp quyền giữa TK - L với đối tác có hiệu lực thì phía nguyên đơn cũng chỉ có quyền khai thác chứ không phải quyền nhân thân của tác giả bộ phim. Từ đó VNG không có nghĩa vụ phải xin lỗi.
Phản bác quan điểm của phía luật sư bảo vệ bị đơn, luật sư nguyên đơn cho rằng, các bộ phim nói trên được phát trong mục giải trí của tv.zing.vn chứ không phải trong mục dành cho người dùng có thể đăng tải. Hành vi sai phạm xảy ra trên trang web do VNG quản lý chứ "không liên quan đến việc ai đăng tải". TK – L đang yêu cầu VNG phải chịu trách nhiệm vì đã làm mất đi quyền được độc quyền khai thác bộ phim, chứ không phải VNG đã lấy đi quyền độc quyền của mình.
Luật sư bảo vệ nguyên đơn cũng không đồng ý với quan điểm cho rằng không phải xin lỗi vì không xâm phạm đến quyền nhân thân của tác giả. Bởi bộ phim là tác phẩm điện ảnh được bảo hộ quyền tác phẩm, trong khi phía bị đơn mới nêu một phần về việc bảo vệ quyền danh dự uy tín cho tác giả. Tuy nhiên, trong trường hợp này, việc xin lỗi là cần thiết nhằm khôi phục danh tiếng, bảo vệ quyền toàn vẹn của tác phẩm cho bên bị xâm phạm.
Phát biểu quan điểm giải quyết vụ án, đại diện VKS cho rằng các căn cứ phía nguyên đơn và TAND TP HCM là có cơ sở, đề nghị HĐXX giữ nguyên phán quyết sơ thẩm.
HĐXX cho rằng vụ án có tính chất phức tạp nên sẽ nghị án dài ngày và đưa ra quyết định vào ngày 16/10.
Hải Duyên