Bà Lê Thị Xuân cho rằng mình chỉ mua rắn hổ trâu chứ không phải rắn hổ chúa - Ảnh: ĐÌNH CƯƠNG
Viện KSND huyện Cư Jút (Đắk Nông) đã ban hành cáo trạng truy tố bà Lê Thị Xuân (59 tuổi, ngụ thị trấn Ea Tling, huyện Cư Jút) về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm.
Mua hổ trâu bỗng thành hổ chúa
Theo nội dung vụ án, ngày 25-5-2021 một người đàn ông không rõ lai lịch gọi điện thoại theo số 0394.7852xx hỏi bà Xuân có mua rắn hổ trâu không? Bà Xuân hỏi lại rắn to không, có giấy tờ không thì người đàn ông này trả lời rắn nặng 2kg và có giấy tờ.
Bà Xuân đồng ý mua, cả hai thỏa thuận gặp nhau tại một cửa hàng cám gạo trên đường Trần Hưng Đạo, thị trấn Ea Tling. Sau đó, bà Xuân chạy xe máy đến cửa hàng cám gạo hỏi mua cám nhưng không có nên bà này đi ra. Khi ra đến cửa, bà Xuân thấy người đàn ông mang rắn đến bán. Người đàn ông đưa cho bà Xuân một bao tải, bên trong có một con rắn.
Sau khi thỏa thuận, bà Xuân mua con rắn nặng 2kg với giá 430.000 đồng. Bà Xuân đưa cho người bán tờ tiền mệnh giá 500.000 đồng và yêu cầu thối lại 70.000 đồng tiền thừa. Người đàn ông hỏi bà có mua luôn hai con kỳ đà không thì bà từ chối.
Lúc này, người đàn ông không trả lại tiền thừa cho bà Xuân mà bỏ cả bao đựng hai con kỳ đà lại rồi vội vã bỏ đi. Sau khi người bán vừa vụt xe máy sang bên kia đường, bà Xuân bỏ hai bao đựng rắn và kỳ đà lên xe máy rồi chạy về hướng tỉnh Đắk Lắk. Tuy nhiên, bà Xuân vừa chạy được 8m thì bị công an bắt giữ.
Kết quả giám định sau đó cho thấy con rắn mà bà Xuân mua lại là rắn hổ chúa, cùng hai con kỳ đà vân đều thuộc nhóm động vật nguy cấp, quý hiếm. Bà Xuân cũng bị UBND tỉnh Đắk Nông xử phạt 285 triệu đồng vì hành vi vận chuyển trái phép 2 con kỳ đà vân (động vật nhóm IB).
Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Cư Jút qua xác minh đã xác định chủ thuê bao 0394.7852xx là của ông T.V.G. (57 tuổi, ngụ tỉnh Ninh Bình). Ông G. khai từ trước đến nay sinh sống tại địa phương nên cũng không biết bà Xuân và cũng không đăng ký sử dụng số thuê bao trên và không bán rắn, kỳ đà cho bà Xuân.
Bắt người mua, để lọt người bán
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Xuân cho biết thời gian qua bà đã gửi nhiều đơn kêu cứu đến nhiều cơ quan đề nghị can thiệp, làm rõ sự việc. Theo bà Xuân, khi bắt giữ bà, Công an tỉnh Đắk Nông không lập biên bản, không niêm phong vật chứng tại hiện trường theo quy định.
"Từ lúc người đàn ông gọi cho tôi đến lúc tôi trả tiền mua rắn, hai bên đều xác định đây là rắn hổ trâu. Giá 400.000 đồng một con thì chỉ có rắn hổ trâu, chứ rắn hổ chúa phải đến mấy triệu. Tôi muốn đối chất để làm rõ tôi mua rắn hổ trâu hay hổ chúa. Còn đối với hai con kỳ đà, tôi không mua. Khi thấy người bán rắn bỏ chạy, tôi còn đuổi theo để lấy lại tiền thừa và trả lại bao đựng kỳ đà. Truy tố tôi như thế là oan ức" - bà Xuân nói.
Cũng theo bà Xuân, nhóm công an giữ xe và người rồi thông báo bà bị bắt; lúc này người bán chỉ cách đó không xa, bà Xuân chỉ về hướng người này rồi nói "người bán kìa, các chú bắt lại giúp tôi", nhưng phía công an trả lời là "bắt người mua, không bắt người bán".
Theo luật sư Lê Văn Hoan (Đoàn luật sư TP.HCM), cáo trạng đã thừa nhận người bán nói với bà Xuân đây là rắn hổ trâu. Bản thân bà Xuân cũng không biết rằng đây là hổ chúa và tin là rắn hổ trâu nên mới đồng ý mua. Vì vậy, cần làm rõ người bán là ai để xác định đây có phải một "cái bẫy" đối với bà Xuân hay không.
Theo luật sư Hoan, người bán có điện thoại liên lạc với bà Xuân nhưng cơ quan điều tra lại không làm rõ vị trí cuộc gọi đến để xác định người bán.
Ngoài ra, việc bà Xuân mới chỉ đi có 8m thì bị bắt giữ, như vậy có thể thấy cả người bán, người mua, người thực thi công vụ ở khoảng cách rất gần về không gian và thời gian. Tại sao lực lượng chức năng lại có mặt ngay tức thì nhưng lại gần như chỉ nhắm vào người mua mà bỏ qua người bán? Có hay không việc bỏ lọt tội phạm khi để người bán bỏ đi trong khi lại ập vào bắt người mua?
Ông Hoan cũng cho rằng cơ quan điều tra cần làm rõ bị cáo mang con rắn này đi đâu? Thực tế con rắn đã bị người bán bắt sau đó vận chuyển tới chỗ giao dịch bán cho bà Xuân, nếu bà Xuân không mua thì sẽ như thế nào hoặc bà mua để giải cứu con rắn thì sao?
Luật sư Hoan đặt vấn đề: "Giả sử bà Xuân mua con rắn này vì bà muốn giải cứu nó, bà mua để đem giao nộp cơ quan quản lý bảo tồn đồng vật hoang dã hoặc bà đem thả lại vào tự nhiên thì sao?".
Về việc xử phạt hành chính 285 triệu đồng với hành vi vận chuyển trái phép 2 con kỳ đà, luật sư Hoan cũng cho rằng bản thân bà Xuân không mua nó mà do người bán bỏ lại và phải làm rõ ý thức của bà là vận chuyển 2 con kỳ đà này đi đâu? Có chăng việc bà chở 2 con kỳ đà đến trả lại người bán hoặc đem đi thả về tự nhiên? Nếu chưa làm rõ được thì xử phạt đối với hành vi này cũng chưa thuyết phục.
Luật sư Hoan cho rằng các cơ quan tố tụng cần làm rõ các vấn đề trên để tránh xử lý oan sai.
Hổ chúa đi tù, hổ trâu phạt tiền
Theo luật sư Lê Văn Hoan, chỉ cần xác định không đúng về con rắn là hổ trâu hay hổ chúa thì sẽ dẫn đến thân phận pháp lý của bà Xuân bị ảnh hưởng khác nhau rất xa. Bởi theo nghị định 06 (năm 2019) và nghị định 84 (năm 2021) sửa đổi một số điều của nghị định 06/2019, trong phụ lục số 1 Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm thì rắn hổ trâu không nằm trong danh mục này.
Rắn hổ trâu chỉ nằm trong nhóm động vật thuộc phụ lục II Công ước quốc tế về buôn bán các loại động, thực vật hoang dã nguy cấp (cites). Cho nên nếu bà Xuân có vi phạm (vận chuyển rắn hổ trâu) thì chỉ bị xử phạt hành chính theo quy định tại nghị định 35 năm 2019. Theo đó, mức phạt tiền từ 5 - 15 triệu đồng đối với trường hợp động vật rừng, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật rừng thuộc Danh mục động, thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm IIB có trị giá dưới 7 triệu đồng.
Còn nếu đó là rắn hổ chúa thì bà Xuân bị xử lý hình sự về tội "vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm", theo điểm a khoản 1 điều 244 Bộ luật hình sự.
TTO - Bị con trai đánh bị thương, người mẹ yêu cầu cơ quan chức năng xử lý. Bản án 6 tháng tù đã được tòa phán quyết, đứa con phạm luật rồi sẽ ra tù, nhưng có lẽ "bản án" cắt đứt tình máu mủ giữa họ sẽ kéo dài dằng dặc.