Lực lượng công an kiểm tra, thu giữ các tài liệu liên quan - Ảnh: H.B.
Sáng 31-8, Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PA05, Công an Đà Nẵng) cho biết vừa phối hợp Đội Cảnh sát hình sự (Công an quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) làm rõ hai đường dây trên.
Mua hàng chục ngàn hồ sơ thông tin cá nhân
Theo đó, ngày 28-8, công an đã đồng loạt kiểm tra tại hai căn hộ ở chung cư The OriGarden (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu).
Lực lượng công an đồng loạt kiểm tra tại hai căn hộ - Ảnh: H.B.
Tại căn hộ 1204, nhà CT1, công an bắt quả tang một nhóm 6 người do Nguyễn Văn Hiếu (30 tuổi, trú tỉnh Thừa Thiên Huế) cầm đầu, đang thực hiện hành vi sử dụng trái phép thông tin về căn cước công dân (CCCD) của nhiều người khác để mở tài khoản ngân hàng trực tuyến, bán thu lợi bất chính.
Khoảng tháng 6-2023, Hiếu đến ở căn hộ trên. Người này trang bị các thiết bị máy móc cấu hình cao rồi thuê 5 người khác làm việc.
Hiếu sử dụng tài khoản Telegram "Hiểu Hiểu" liên hệ với tài khoản Telegram tên "Phep xinh", "lưu ho so" để mua khoảng 10.000 bộ hồ sơ thông tin cá nhân người khác (gồm mặt trước, mặt sau CCCD, ảnh chụp khuôn mặt), 7.343 thẻ sim kích hoạt sẵn.
Hiếu đưa bộ thông tin cá nhân, sim này cho nhóm để mở tài khoản trực tuyến của ngân hàng BIDV, ví điện tử các loại.
Đến khi bị công an phát hiện, nhóm của Hiếu đăng ký được khoảng 20.000 tài khoản ngân hàng, ví điện tử các loại. Sau đó, Hiếu bán lại các tài khoản trên cho người khác.
Còn tại căn hộ 11A14, nhà CT2, công an tiếp tục bắt quả tang một nhóm gồm 5 người do Phan Văn Luân (26 tuổi, trú tỉnh Thừa Thiên Huế) cầm đầu.
Công an phát hiện thông tin lưu trữ trên máy vi tính, điện thoại di động của Luân đang tàng trữ 307 thông tin về tài khoản ngân hàng.
Bước đầu xác định, Luân ở căn hộ trên từ khoảng tháng 6-2023. Luân trang bị các thiết bị máy móc cấu hình cao rồi thuê 4 người tham gia. Luân sử dụng tài khoản Facebook "Phan Văn Luân" để thỏa thuận với tài khoản Facebook "Trịnh Văn Sáng" mua khoảng 8.000 bộ hồ sơ thông tin cá nhân (CCCD, ảnh chụp khuôn mặt), 4.000 thẻ sim kích hoạt sẵn.
Sau đó, Luân đưa bộ hồ sơ thông tin cá nhân và sim cho người trong nhóm để mở tài khoản trực tuyến của ngân hàng SeABank, ví điện tử các loại.
Đến khi bị phát hiện, nhóm của Luân đã đăng ký được khoảng 13.000 tài khoản ngân hàng, ví điện tử.
Mở tài khoản trực tuyến có rất nhiều sơ hở
Theo PA05, qua vụ việc cho thấy, hiện nay tình trạng dữ liệu CCCD, ảnh chụp chân dung của công dân bị các đối tượng thu thập, mua bán, trao đổi tràn lan trên mạng để thu lợi bất chính. Việc này gây thiệt hại lớn cho xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn, an ninh thông tin và xâm phạm đến quyền lợi của các cá nhân.
Qua hình ảnh chân dung của cá nhân cho thấy các ảnh này có hậu cảnh là các siêu thị điện máy của các thương hiệu lớn. Khả năng cao do các tổ chức hoặc người của tổ chức tín dụng cho vay trả góp tại các siêu thị điện máy bán thông tin của công dân khi các cá nhân này có hoạt động vay hoặc mua thiết bị điện tử trả góp…
Cơ quan công an đã phát hiện thu giữ nhiều tài liệu, chứng cứ phục vụ công tác điều tra - Ảnh: H.B.
Ngoài ra, việc các ngân hàng cho mở tài khoản trực tuyến có rất nhiều sơ hở, không có biện pháp kiểm tra đối chứng, xác thực, dẫn đến bị lợi dụng đăng ký hàng loạt tài khoản một cách dễ dàng.
Các nhà mạng bán thẻ sim đã kích hoạt với thông tin không đúng, không chính chủ đã giúp kẻ xấu lợi dụng mua bán, cho thuê sim số lượng lớn để nhận mã OTP, đăng ký tài khoản ngân hàng, ví điện tử.
"Các ngân hàng, nhà mạng và các tổ chức tín dụng cần siết chặt quản lý, tránh tình trạng để các đối tượng lợi dụng thực hiện hành vi phạm tội" - cơ quan công an lưu ý.