Chuyên mục  


Huỳnh Thanh Nhơn, ngụ Quy Nhơn, vừa bị Công an tỉnh Bình Định tạm giam 4 tháng để điều tra hành vi Mua bán ngườitheo Điều 150 Bộ luật Hình sự.

Theo cơ quan điều tra, Nhơn đã có hành vi móc nối cùng một số người khác tổ chức đưa người sang Campuchia làm việc trái ý muốn. Các nạn nhân đều bị quản lý không cho rời khỏi nơi làm việc, bị đánh, chích điện, bỏ đói, làm việc liên tục nhiều giờ liền. Khi muốn về Việt Nam phải nộp tiền chuộc.

Huỳnh Thanh Nhơn lúc bị bắt. Ảnh: Danh Toại

Khai với cơ quan điều tra, nam thanh niên cho biết từng là nạn nhân bị lừa bán qua Campuchia làm việc cực khổ, bị giam cầm nên không thể về nước.

Tháng 2/2022, Nhơn lên mạng tìm việc và được một người đàn ông giới thiệu công việc làm trên máy tính với mức lương 700-1.000 USD một tháng. Nghe công việc hấp dẫn, Nhơn vội bắt xe vào TP HCM theo hướng dẫn, được ôtô chở đến "nơi làm việc". Những người ở đây hướng dẫn cậu cách tạo tài khoản game, sàn giao dịch ảo và lên mạng dụ dỗ, lôi kéo người tham gia, yêu cầu nạp tiền để công ty chiếm đoạt.

"Sau gần hai tuần em mới biết đang ở Campuchia chứ không phải Việt Nam, vì không được đi ra ngoài", Nhơn nói với điều tra viên. "Mỗi ngày, em phải làm việc 16 tiếng, đến đêm khuya mới nghỉ. Nếu làm sai hoặc không đạt chỉ tiêu sẽ bị bỏ đói, đánh đập, chích điện, bán đi nơi khác".

Ở đây vài tháng, Nhơn bị bán sang một công ty khác, do người Trung Quốc làm chủ, với công việc tương tự. Cậu được giao chỉ tiêu mỗi tháng phải lừa khách hàng nạp 200-300 triệu đồng, nếu không đạt sẽ bị trừ tiền lương, buộc làm thêm giờ. Ngoài dụ dỗ người chơi nạp tiền để chiếm đoạt, công ty còn giao Nhơn lừa thêm người qua đây làm việc và hứa thưởng hoa hồng 100 USD/người. "Để có tiền và không bị bỏ đói, đánh đập hay tiếp tục bị bán đi nơi khác, em đã lừa 3 người bạn của mình đến công ty làm việc nhưng không được trả hoa hồng", Nhơn khai.

Cuối tháng 3/2022, qua mạng xã hội, Nhơn nói với một số người bạn là đang làm "ứng dụng trò chơi trên máy tính ở Tây Ninh" khá nhẹ nhàng nhưng được trả lương 17-24 triệu đồng/tháng, rủ làm chung.

Một trong những nạn nhân sập bẫy, thanh niên 18 tuổi ở TP Quy Nhơn là bạn thân của Nhơn, cho biết: "Khi nhận ra đã bị lừa bán sang Campuchia, em liên lạc với Nhơn thì bạn ấy nói 'không sao đâu' rồi sau đó chặn điện thoại và mạng xã hội".

Cậu cho biết bị buộc làm việc 16-17 giờ mỗi ngày trong không gian khép kín, có người cầm roi điện canh gác, sẵn sàng đánh đập, bỏ đói bất kể lúc nào nếu nhân công sai phạm hoặc không lừa được ai nạp tiền cho công ty chiếm đoạt.

Trong 8 tháng bị lừa qua Campuchia, nam thanh niên này bị bán qua 3 công ty. Đến tháng 9/2022, sau nhiều nỗ lực, nạn nhân được người thân chuộc về nhà với số tiền 80 triệu đồng. Bản thân Nhơn cũng gọi về nhà xin giải cứu vì bị đánh đập, bỏ đói và được gia đình vay mượn tiền chuộc về cuối năm ngoái, trước bị công an bắt giữ.

Còn hai nạn nhân khác, một người đã trốn thoát về nước, người còn lại vẫn đang bị cưỡng bức lao động ở bên kia biên giới.

Nhơn tại cơ quan công an. Ảnh: Danh Toại

Theo thượng tá Trương Văn Phụng, Phó Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Định, những băng nhóm buôn người qua Campuchia làm việc thường nhắm vào thanh thiếu niên nghỉ học sớm, xa gia đình, sa đà vào game online... Những kẻ cầm đầu sau khi lôi kéo được nạn nhân qua Campuchia sẽ sử dụng chính người này lôi kéo thêm bạn bè, người cùng địa phương, giống như trường hợp của Nhơn.

"Người dân cần cảnh giác trước các thông tin quảng cáo, tuyển dụng hay lời rủ rê của bạn bè đi làm việc. Gia đình cần giáo dục, quản lý con cái, nhất là lứa tuổi thanh thiếu niên rất dễ sa bẫy băng nhóm buôn người", ông Phụng nói.

Tình trạng nhiều người Việt và các nước bị lừa sang Campuchia lao động cưỡng bước diễn ra từ nhiều năm trước. Lãnh sự quán Việt Nam tại Campuchia cho đến nay đã đưa 800 công dân về nước. Giới chức Campuchia cũng đang đẩy mạnh truy quét tội phạm lừa đảo, buôn người.

Danh Toại - Phạm Linh

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020