Chiều 8/3, TAND TP HCM thẩm vấn 15 bị cáo trong nhóm cựu cán bộ thuộc đoàn thanh tra về hành vi nhận tiền của Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) để "làm mờ các sai phạm". Những người này bị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Bị cáo Nguyễn Thị Phụng, cựu phó Đoàn thanh tra, Tổ trưởng Tổ tổng hợp, thừa nhận sai phạm như cáo trạng nêu. Phụng được giao thanh tra liên quan đến các dự án Mũi Đèn Đỏ, 6A và Royal Garden của SCB Chi nhánh cống Quỳnh. Kết thúc thanh tra đợt một, Phụng đã đồng ý bỏ ngoài nhiều sai phạm của SCB, không kiến nghị xử lý sai phạm; làm sai lệch nội dung, kết quả thanh tra theo hướng bao che, có lợi cho SCB.
Tại đợt hai, theo chỉ đạo của Đỗ Thị Nhàn - cựu cục trưởng Thanh tra, giám sát ngân hàng II (cục II) thuộc Ngân hàng Nhà nước, Phụng đã đồng ý thu hẹp phạm vi, thời kỳ thanh tra đối với khoản vay của nhóm 71 khách hàng tại địa chỉ số 4 Nguyễn Thị Minh Khai; bỏ 26 khoản vay của 18/71 khách khỏi kế hoạch thanh tra, không chuyển hồ sơ sai phạm sang cơ quan điều tra xử lý. Bị cáo cũng là người tham mưu cho bà Nhàn và ông Nguyễn Văn Hưng (Phó Chánh thanh tra phụ trách Cơ quan thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước) xây dựng các báo cáo lên lãnh đạo NHNN, Chính phủ, với nội dung thể hiện không trung thực, không đầy đủ, sai lệch so với kết quả.
Bị cáo Phụng khai, thấy khách hàng trong ba dự án Mũi Đèn Đỏ, 6A và Royal Garden tại chi nhánh Cống Quỳnh không đủ điều kiện để đưa vào nợ nhóm 1 mà phải để trong nhóm nợ xấu 4-5 thì mới đúng, và đã có kiến nghị. "Cả tổ thanh tra của bị cáo đều ký vào báo cáo là các khoản nợ của nhóm khách hàng này phải thuộc nhóm 5. Nhưng không biết chị Nhàn đã báo cáo và xử lý kiến nghị của mình như thế nào", Phụng khai. Nhưng sau đó bị cáo thừa nhận: "Khi chị Nhàn kiến nghị sửa sang nhóm 1 thì bị cáo có ký đồng ý".
Bị chủ tọa truy vấn lý do thay đổi quan điểm như trên, Phụng không giải thích, chỉ đáp: "Bị cáo biết sai rồi". Phụng sau đó cho biết đã nhận 20.000 USD, hơn 200 triệu đồng và quà của SCB.
Theo chủ tọa, những khoản vay này đã kéo dài nhiều năm không trả được, nhưng đến ngày đoàn thanh tra xuất hiện thì lại được tất toán. "Nhìn vào là biết bất thường nhưng bị cáo vẫn bỏ qua, có phải vì đã nhận những quà trên không?", chủ tọa hỏi.
Phụng nghẹn giọng nói "dạ đúng", cho biết đã nộp lại toàn bộ tiền và quà. "Bị cáo đã nhận thấy những hậu qủa từ việc làm của mình, mong tòa xem xét hoàn cảnh của bị cáo và đoàn thanh tra lúc đó", cựu phó đoàn thanh tra vừa nói vừa khóc.
Bị cáo Nguyễn Thị Phụng tại tòa. Ảnh: Thanh Tùng
Trả lời thẩm vấn sau đó, Vũ Khánh Linh, cựu thanh tra viên, thành viên tổng hợp kết quả của đoàn thanh tra, cũng thừa nhận sai phạm khi ký đồng ý bỏ ngoài các sai phạm của SCB, như cáo trạng nêu.
Linh khai, vì được giao tổng hợp kết quả của đoàn nên nhìn rõ bức tranh thanh tra. Khi đó, bị cáo và Nguyễn Anh Tuấn (đồng nghiệp) đều thấy bất thường khi một nhóm rất nhiều khách hàng tập trung cùng một địa chỉ với số tiền vay rất lớn, nhưng cụ thể thế nào thì không nắm. "Do bị cáo không có nhiệm vụ tiếp cận hồ sơ chi tiết và nghĩ nhiệm vụ của mình chỉ là tổng hợp kết quả, nên không kiến nghị sai phạm", Linh trình bày.
Chủ tọa cho rằng bị cáo đã không làm hết nhiệm vụ và cố tình bỏ qua các sai phạm. Linh cúi đầu thừa nhận, và cho biết đã hai lần từ chối quà của SCB, còn 100 triệu đồng thì đã nộp lại cho cơ quan điều tra.
Bị cáo Vũ Khánh Linh. Ảnh: Thanh Tùng
Là người được giao nhiệm vụ tương tự Linh, Nguyễn Tuấn Anh cũng bày tỏ hối hận về việc làm của mình: "Đến giờ bị cáo đã nhận thức được hành vi của mình gây hậu quả nặng nề cho SCB và xã hội. Lúc đó, bị cáo cứ nghĩ là sửa kết luận theo ý kiến của cấp trên, nên không có ý kiến gì".
Bị cáo giải thích thêm: "Lúc tham gia đoàn thanh tra bị cáo còn rất trẻ, mới 28 tuổi, nên nhận thức tư duy chưa đầy đủ. Quá trình làm việc với cơ quan điều tra, bị cáo đã nhận thấy hành vi sai phạm của mình, mong HĐXX xem xét để sớm có cơ hội sửa chữa sai lầm".
Tương tự, hơn 10 bị cáo được thẩm vấn sau đó cũng thừa nhận cáo buộc, xin HĐXX xem xét hoàn cảnh phạm tội và khoan hồng.
Là người có vai trò chủ mưu cầm đầu trong vụ án, bà Trương Mỹ Lan bị cáo buộc sử dụng SCB như một công cụ tài chính để huy động vốn, sau đó làm khống hồ sơ rút tiền phục vụ hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát. Để che giấu hành vi phạm tội khi bị thanh kiểm tra, bà Lan đã chỉ đạo các cán bộ chủ chốt của SCB trong đó có Chủ tịch HĐQT Đinh Văn Thành, Tổng giám đốc Võ Tấn Hoàng Văn... mua chuộc cán bộ, lãnh đạo đoàn thanh tra để họ bưng bít, che giấu thông tin sai phạm, báo cáo kết quả thanh, kiểm tra không trung thực, không đầy đủ.
Tuy không nắm chức vụ gì tại ngân hàng nhưng với việc năm giữ hơn 91,5% cổ phần của SCB, bà Trương Mỹ Lan chi phối, chỉ đạo mọi hoạt động của ngân hàng. Trong suốt 10 năm thâu tóm SCB, bà Lan đã rút hơn 1.066.000 tỷ đồng của ngân hàng, gây thiệt hại đến thời điểm khởi tố vụ án tháng 10/2022 là 498.000 tỷ đồng.
Bà Lan bị truy tố về ba tội Đưa hối lộ, Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàngvà Tham ô tài sản.
Những người còn lại bị xét xử về các tội: Tham ô tài sản, Nhận hối lộ, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọngvà Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng. Riêng bị cáo Nguyễn Cao Trí (Chủ tịch HĐQT Công ty Văn Lang và Công ty Capella) bị xác định tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Tòa nghỉ thứ 7 và chủ nhật, đến ngày 11/3 sẽ xét hỏi bà Trương Mỹ Lan.
Hải Duyên - Quốc Thắng