Ngày 23/2, Công an tỉnh Tiền Giang cho biết đã xác định được hàng nghìn người trên địa bàn và ở Long An, Bình Dương, Sóc Trăng, An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ, TP HCM, Hà Nội... đã bị Công ty Luật TNHH Pháp Việt (trụ sở trên đường Lê Văn Huân, quận Tân Bình, TP HCM) đòi nợ kiểu xã hội đen.
Liên quan vụ án này, nhà chức trách đã bắt tạm giam Trần Văn Châu, Hồ Quốc Hùng (Phó giám đốc Công ty Luật TNHH Pháp Việt), Nguyễn Đình Thành (Trưởng phòng kiêm nhóm trưởng) và ít nhất 13 người khác về hành vi Cưỡng đoạt tài sản và có dấu hiệu của tội Khủng bố, theo Điều 170 và 299 Bộ luật Hình sự.
Trong số này, Châu và Hùng có vai trò cầm đầu; còn Hà Thị Hiệp (nhân viên Công ty Luật TNHH Pháp Việt) trực tiếp khủng bố tại Trường Tiểu học Phan Văn Kiêu, phường 1, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.
Trần Văn Châu, Phó Giám đốc Công ty luật TNHH Pháp Việt. Ảnh: Công an Tiền Giang
Trước đó, Công an Tiền Giang nhận được tin tố giác tội phạm về hành vi đe dọa khủng bố, cưỡng đoạt tài sản của người dân và một số cơ quan trên địa bàn. Vào cuộc điều tra, lực lượng chức năng đã thu thập được nhiều tài liệu, chứng cứ, dấu hiệu Cưỡng đoạt tài sản. Ban chuyên án sau đó được thành lập với sự tham gia của Cục Cảnh sát Hình sự (C02, Bộ Công an), Công an TP HCM và do đại tá Nguyễn Văn Lộc (Phó Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang) đứng đầu.
Cơ quan điều tra xác định, Châu, Hùng và các bị can là tổ chức tội phạm hoạt động núp bóng công ty tư vấn luật. Họ không có văn bằng chuyên ngành luật, mà chỉ thuê một người đứng tên đăng ký pháp nhân Công ty Luật TNHH Pháp Việt. Doanh nghiệp này hợp tác với một số tổ chức ngân hàng, công ty tài chính dưới danh nghĩa trợ giúp pháp lý (xử lý nợ xấu).
Công ty này có sự phân công cụ thể từng công việc cho nhân viên thông qua trưởng phòng và các nhóm trưởng.
Cảnh sát khám xét Công ty Luật TNHH Pháp Việt. Ảnh: Công an Tiền Giang
Hàng tháng, Công ty Luật TNHH Pháp Việt lấy tiền công 140.000-240.000 đồng trên một hợp đồng khách vay (chưa trả tiền) với các tổ chức tài chính, ngân hàng. Với các hồ sơ khách hàng trên, ban giám đốc công ty luật phân chia cho nhân viên đòi nợ bằng hình thức đe dọa, khủng bố. Công ty luật sẽ được trả công từ 25% đến 35% trên tổng số tiền thu được. Số tiền này Châu trả lương cho nhân viên và mua công cụ, phương tiện phục vụ việc đòi nợ kiểu xã hội đen.
Thủ đoạn của công ty này là gọi điện thoại đến những nơi có liên quan đến "con nợ" như: các tổ chức, cá nhân, kể cả thân nhân, người quen, quản lý, giáo viên chủ nhiệm... rồi đe dọa giết vợ, con, người thân. Nhiều trường hợp chúng đưa quan tài, bình gas đến nhà họ để khủng bố tinh thần.
Tổng số tiền mà các nghi phạm đòi được là gần 1.000 tỷ đồng. Theo cơ quan điều tra, do Châu và đồng phạm thu lợi nhuận rất lớn nên yêu cầu thành viên công ty không từ một thủ đoạn nào, miễn buộc được nạn nhân phải trả tiền.
Ngày 21/2, Bộ trưởng Công an đã có thư khen Công an Tiền Giang, C02, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao, Cục kỹ thuật nghiệp vụ; đánh giá đây là chiến công xuất sắc, thể hiện sự chủ động trong nhận diện thủ đoạn tội phạm mới.
* Tiếp tục cập nhật.
Đại tá Nguyễn Văn Lộc, Phó Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang, Trưởng ban chuyên án, chỉ đạo khám xét công ty luật. Ảnh: Công an Tiền Giang
Trước đó, hồi tháng 12/2022, Công an TP HCM cũng triệt phá ổ nhóm núp bóng Công ty Luật TNHH Power Law để Vu khống đòi nợ. Công ty này có 3 luật sư, còn lại là nhân viên, chuyên đi mua nợ xấu của các công ty tài chính, ngân hàng, app cho vay, sau đó đi thu hồi nợ.
Cảnh sát xác định, mô hình này không phải tín dụng đen, mà lợi dụng không gian mạng để khủng bố tinh thần, vu khống người vay. Có khoảng 300 bị hại trên cả nước đã bị nhóm người này bôi nhọ danh dự, buộc phải trả nợ. Không chỉ người vay tiền, mà người thân, bạn bè và đồng nghiệp của họ cũng bị cắt ghép ảnh với nội dung xấu, sai sự thật đăng lên mạng bêu rếu.
Quốc Thắng