Tháng 10/2022, ngôi sao truyền hình thực tế Mỹ, Kim Kardashian, bị phạt 1,26 triệu USD sau khi đăng tải quảng cáo tiền số Crypto.
"Bạn có đầu tư vào Crypto??? Đây không phải là lời khuyên về tài chính nhưng là chia sẻ điều bạn bè đã chỉ cho tôi về EthereumMax", Kim nói khi xuất hiện trên bài đăng Instagram cá nhân trước đó 4 tháng.
Luật Chứng khoán liên bang quy định, người quảng bá phải dán nhãn "quảng cáo" cho các bài đăng được doanh nghiệp trả tiền để công chúng nhận diện. Kim đã không làm điều này, dù được trả 250.000 USD cho bài quảng cáo này.
Nữ nghệ sĩ sau đó bị các nhà đầu tư kiện với cáo buộc họ thổi phồng giá trị tài sản của loại tiền số này.
Đây không phải lần đầu Kim bị cơ quan chức năng tuýt còi khi làm quảng cáo. Năm 2015, khi mang thai lần hai, Kim sở hữu 42,4 triệu người theo dõi trên Instagram và 34 triệu trên Twitter, đã đăng quảng cáo thuốc điều trị ốm nghén.
"Bác sĩ đã kê đơn cho tôi thuốc #Diclegis, tôi cảm thấy tốt hơn rất nhiều và quan trọng nhất là nó đã được nghiên cứu và không có nguy cơ với thai nhi", cô viết dưới bức ảnh đang cầm lọ thuốc.
Bài quảng cáo thuốc vi phạm quy định FDA của Kim. Ảnh: The sun
Bài đăng liên kết đến một trang web của công ty, gồm thông tin ghi nhãn được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) chấp thuận. Quảng cáo lần này của Kim có dãn nhãn "quảng cáo được trả tiền", song bị FDA cảnh cáo vi phạm quy tắc quảng cáo, vì không đề cập đến các tác dụng phụ quan trọng của thuốc. FDA quy định nhãn hàng phải đề cập cả tác dụng và rủi ro của thuốc, ngay cả khi đó là thuốc không cần kê đơn.
Sau sự việc, FDA yêu cầu Kim và công ty đăng bài đính chính, nếu công ty không phản hồi, FDA sẽ thu hồi hoặc cấm lưu hành. Kim sau đó không bị phạt song đã phải xóa bài đăng.
Năm 2018, nhà vô địch quyền anh thế giới 15 lần, Floyd Mayweather, 46 tuổi, trở thành một trong những người nổi tiếng đầu tiên bị SEC phạt vì quảng cáo tài sản tiền điện tử. Anh bị cáo buộc chào mời các đầu tư tiền ảo trên mạng xã hội mà không tiết lộ rằng mình đã được trả tiền để quảng cáo.
Tiếp tục vết xe đổ của Floyd và Kim, tháng 12/2022, một loạt sao hạng A thế giới trên lĩnh vực thể thao, âm nhạc, thời trang cũng vướng vụ kiện trị giá 11 tỷ USD vì quảng cáo cho sàn giao dịch tiền điện tử FTX.
Họ gồm diễn viên nhà sản xuất gạo cội Larry David, tiền vệ ngôi sao bóng bầu dục, Tom Brady cùng vợ là siêu mẫu Gisele Bündchen, huyền thoại bóng rổ Shaquille O'Neal và Stephen Curry, một trong những hậu vệ bóng rổ xuất sắc nhất mọi thời đại.
Trong vụ kiện tập thể cáo buộc FTX và "các đại sứ thương hiệu" nêu trên, các nhà đầu tư nghiệp dư khắp nước Mỹ nói FTX sử dụng người nổi tiếng để thúc đẩy đầu tư mù quáng vào giao dịch lừa đảo.
Các nguyên đơn cáo buộc sự sụp đổ của FTX khiến người tiêu dùng thiệt hại chung hơn 11 tỷ USD. SEC và Bộ Tư pháp Mỹ đang điều tra FTX, trong khi Sam Bankman-Fried, nhà sáng lập FTX bị bắt ngày 12/12/2022. Anh ta đối mặt với 8 tội danh chủ yếu liên quan đến gian lận và các âm mưu tài chính, mức án cao nhất có thể là tù chung thân. Sam được tại ngoại với phí bảo lãnh 250 triệu USD, dự kiến hầu tòa tháng 10.
Tháng 5/2022, diễn viên Cảnh Điềm nổi tiếng ở Trung Quốc bị cơ quan quản lý thị trường phạt 7,2 triệu nhân dân tệ (hơn một triệu USD). Theo điều tra, cuối năm 2021, Cảnh Điềm ký hợp đồng làm đại diện hình ảnh cho công ty thực phẩm, quảng cáo một loại đồ ăn của công ty này "có tác dụng ngăn ngừa hấp thu mỡ và đường".
Tuy nhiên chưa có báo cáo nào chứng minh sản phẩm đó có tác dụng này. Đây cũng là lần đầu một ngôi sao hạng A Cbiz bị phạt hành chính vì vi phạm luật quảng cáo.
Nữ diễn viên Cảnh Điềm (Trung QUốc) bị phạt hơn một triệu USD vì thực phẩm chức năng giảm cân cô quảng cáo bị Cơ quan Quản lý Thị trường nước này xác nhận "không có lợi ích sức khỏe đáng kể". Ảnh:SCMP
Tháng 8 cùng năm, diễn viên hài Lý Đan, 31 tuổi, cũng bị nhà chức trách Trung Quốc phạt 870.000 nhân dân tệ (126.000 USD) vì đóng một quảng cáo đồ lót phụ nữ bị coi là thô tục.
Video đăng trên tài khoản Weibo hôm 24/2/2022 của Lý Đan quảng cáo cho công ty nội y Ubras (trụ sở tại Bắc Kinh) gọi đồ lót là "phao cứu sinh công sở", nói rằng nó có thể giúp phụ nữ dễ dàng chinh phục nơi làm việc chỉ bằng cách đơn giản là "nằm ngửa". Cuối ngày, Lý và Ubras buộc phải rút quảng cáo do bị người dùng phản ứng dữ dội và cơ quan quản lý thị trường vào cuộc.
Lý xin lỗi trên Weibo, nói rằng "quảng cáo thực sự không phù hợp". Cục Quản lý thị trường quận Hải Điến, Bắc Kinh cho hay, quảng cáo này phân biệt đối xử với phụ nữ đi làm, cũng như "thô tục và xúc phạm nhân phẩm của phụ nữ".
Ngoài ra, việc Lý Đan quảng cáo đồ lót nữ vi phạm luật quảng cáo của Trung Quốc, do quảng cáo cho một sản phẩm mà mình không sử dụng.
Đầu tháng 11 năm ngoái, Trung Quốc ra quy định cấm tất cả người nổi tiếng có "đạo đức sa sút" quảng cáo bất cứ thứ gì, đặc biệt là các mặt hàng y tế, giáo dục và tài chính, bao gồm cả thuốc lá điện tử và sữa bột trẻ em.
Các quy tắc cũng cấm các công ty sử dụng hình ảnh của các nhà lãnh đạo Đảng, nhà nước và anh hùng dân tộc trong mọi nội dung quảng cáo.
"Sự hỗn loạn trong lĩnh vực quảng cáo đã xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích của người tiêu dùng, phá vỡ trật tự thị trường và làm ô nhiễm bầu không khí xã hội", theo Chủ tịch Hiệp hội quảng cáo Trung Quốc, Zhang Guohua.
Ông hy vọng các quy định mới sẽ góp phần vào "sự cải tiến lành mạnh và chuẩn hóa hơn" của ngành. "Bạn có địa vị và tầm ảnh hưởng trong ngành như vậy, vì vậy bạn nên thận trọng trong lời nói và hành động của mình", ông nêu.
Hải Thư (theo StraitTimes, The Guardian, The Telegraph, Sina, CNN, Business Insider)