Ngày 13/10, sau 4 ngày xét hỏi và luận tội, TAND tỉnh Thái Nguyên bất ngờ thông báo tạm dừng phiên xét xử anh em Thanh, Giang cùng 31 đồng phạm.
Sáng nay, trong phần tranh luận kéo dài gần 2 giờ, một số luật sư cho rằng quá trình tạm giữ, điều tra và giám định có một số sai phạm tố tụng, ảnh hưởng bản chất vụ án.
Theo đề nghị của đại diện VKS và các luật sư, HĐXX cho rằng "cần phải quay lại phần xét hỏi" và triệu tập thêm nhiều người tham gia tố tụng khác nên tạm dừng làm việc. Phiên tòa chưa ấn định ngày mở lại.
Bùi Hữu Thanh (phải) tại tòa. Ảnh: Danh Lam
Anh em song sinh Bùi Hữu Giang và Bùi Hữu Thanh, 34 tuổi, trú tỉnh Quảng Ninh, được biết đến là đại gia kinh doanh lan đột biến trong vụ mua bán giá 250 tỷ đồng.
Trong vụ án này, họ bị truy tố về 2 tội Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên và Mua bán trái phép hóa đơn. Ngày 12/10, Thanh bị VKS đề nghị 48-60 tháng tù, Giang bị đề nghị 60-72 tháng tù.
Liên quan vụ án, ông Nguyễn Ngô Quyết (cựu giám đốc Sở Công Thương Thái Nguyên) bị đề nghị 15-18 tháng tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; ông Nguyễn Thanh Tuấn (cựu giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường Thái Nguyên); Nguyễn Thế Giang (cựu Phó giám đốc Sở) cùng bị đề nghị 4-5 năm tù về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Bị cáo Châu Thị Mỹ Linh, 53 tuổi, Giám đốc Công ty cổ phần Yên Phước, bị đề nghị 21-23 năm tù vì hai tội Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên và Mua bán, sử dụng trái phép vật liệu nổ.
Về dân sự, VKS đề nghị tòa buộc các bị cáo nộp lại số tiền hưởng lợi bất chính từ việc khai thác than trái phép. Trong đó, anh em Thanh, Giang và nhân viên Công ty Đông Bắc Hải Dương phải nộp hơn 213 tỷ đồng.
Hơn 124 tỷ đồng do các tổ chức, cá nhân tự nguyện giao nộp cùng 61 bất động sản, 6 ôtô của các bị cáo tiếp tục bị kê biên, phong tỏa. Hơn 1,6 triệu tấn than thu giữ tại các bãi than có sai phạm liên quan vụ án đang bị tịch thu.
>> Danh sách 33 bị cáo
Cáo trạng xác định, Công ty Yên Phước đăng ký kinh doanh từ năm 2012 với vốn điều lệ 100 tỷ đồng, do bà Châu Thị Mỹ Linh là Tổng giám đốc. Công ty được UBND tỉnh Thái Nguyên cho phép khai thác than trong khu 59 ha ở mỏ than Minh Tiến, huyện Đại Từ đến giữa năm 2031 với trữ lượng hơn 136.000 tấn, công suất 8.500 tấn một năm.
Bà Linh giao cho nhiều người đảm nhiệm công việc ở mỏ than Minh Tiến. Từ năm 2018, Công ty Yên Phước bắt đầu khai thác bằng hình thức lộ thiên như nổ mìn, đào xúc, sàng tuyển để xé lẻ đi tiêu thụ.
Sau một vài tháng tự khai thác, bà Linh "bán" toàn bộ mỏ cho Công ty Đông Bắc Hải Dương của hai anh em sinh đôi Bùi Hữu Thanh và Bùi Hữu Giang. Theo thỏa thuận, Đông Bắc Hải Dương mua lại toàn bộ số than của Yên Phước đã khai thác tại mỏ với giá gần 10 tỷ đồng và toàn bộ máy móc giá 15 tỷ.
Bị cáo Châu Thị Mỹ Linh. Ảnh: Danh Lam
Theo thỏa thuận, Công ty Đông Bắc Hải Dương được tiếp tục khai thác than tại mỏ Minh Tiến với công suất tối thiểu là 400.000 tấn một năm, tức là gấp 47 lần trữ lượng cấp phép. Ngoài việc phải tự đầu tư máy móc, nhân công, Đông Bắc Hải Dương phải trả lợi nhuận cho Công ty Yên Phước theo tấn sản phẩm khai thác là 150.000 đồng một tấn than, 90.000 đồng một tấn bã sàng và 50.000 đồng một m3 đá đen.
Cáo trạng cho rằng để đưa than khai thác trái phép đi tiêu thụ, Công ty Đông Bắc Hải Dương đã hợp thức hóa đầu vào bằng cách mua hóa đơn giá trị gia tăng của các doanh nghiệp tại Nam Định.
VKS kết luận, bà Linh, anh em Thanh, Giang cùng đồng phạm đã khai thác thực tế 3,1 triệu tấn than và khoáng sản đi kèm, trong khi tổng sản lượng được cấp phép chỉ hơn 136.000 tấn. Nhóm này đã tiêu thụ hơn 1,1 triệu tấn, 330.000 m3 bã sàng và 95.000 m3 đá đen với tổng giá trị 174 tỷ đồng; còn lại 1,5 triệu tấn chưa kịp tiêu thụ thì bị phát hiện, thu giữ.
VKS đánh giá anh em Thanh và Giang là cổ đông góp vốn, là người trực tiếp chỉ đạo chung các hoạt động của Công ty Đông Bắc Hải Dương. Họ thỏa thuận với bà Linh và trực tiếp chỉ đạo các hoạt động khai thác than trái phép, do đó phải chịu trách nhiệm với vai trò chủ mưu.
Bà Linh bị cáo buộc thu lời bất chính 151 tỷ đồng. Hai anh em Thanh và Giang thu lợi hơn 213 tỷ đồng.
Bị cáo Nguyễn Thanh Tuấn, cựu giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Nguyên. Ảnh: Danh Lam
Để xảy ra các sai phạm trên trong thời gian dài với số lượng rất lớn, VKS cho rằng có trách nhiệm của các cá nhân tại Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên trong thẩm định, cấp phép, thanh tra. Việc mua bán trái phép vật liệu nổ có trách nhiệm của cán bộ Sở Công Thương Thái Nguyên.
Theo cáo trạng, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thế Giang chỉ căn cứ báo cáo của Công ty Yên Phước để đưa vào kết luận thanh tra mà không chỉ đạo đoàn đo đạc, giám định sản lượng thực tế. Hơn nữa, khi kiểm tra còn phát hiện nhiều sai phạm về khai thác nhưng ông Giang không cho vào kết luận.
Cựu phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thanh Tuấn (sau này là Giám đốc) bị cáo buộc dù được báo cáo Yên Phước không chấp hành quy định về sản lượng khai thác thực tế nhưng không chỉ đạo thanh tra, kiểm tra. Từ đó, ông không kịp thời ngăn chặn hành vi khai thác than vượt sản lượng cho phép của Yên Phước.
Cựu giám đốc Sở Công Thươngg Nguyễn Ngô Quyết và hai cấp dưới bị cáo buộc đã cấp giấy phép sử dụng vật liệu nổ cho Công ty Yên Phước vượt quá gần 10 tấn một năm. Ông Quyết khai năm 2020 còn nhận 100 triệu đồng của Linh để tổ chức giải bóng bàn.
Nêu quan điểm bào chữa, luật sư của bà Linh cho rằng, VKS cáo buộc thân chủ khai thác lậu 2,7 triệu tấn than là "không có căn cứ". Dẫn kết luận của cơ quan điều tra cho rằng mỏ than Minh Tiến thực tế có trữ lượng 136.000 tấn, luật sư do đó đề nghị VKS đưa "căn cứ khoa học và pháp lý" để chứng minh mỏ có trữ lượng tới 2,7 triệu tấn.
Luật sư đề nghị xem xét nội dung giám định, do phần lớn số "than" mà thân chủ bị cáo buộc khai thác lậu đều là đá xít, đá thải, không đủ tiêu chuẩn để nằm trong 4 loại than nằm trong quy chuẩn của than thương phẩm Việt Nam, tức không được xem là than. Luật sư do đó đề nghị HĐXX trả hồ sơ, giám định lại.
Theo luật sư, pháp luật đã quy định sau khi được cấp phép khai thác, doanh nghiệp trả thuế phí đầy đủ thì số khoáng sản khai thác được là tài sản doanh nghiệp, không phải của Nhà nước. "Doanh nghiệp xử lý thế nào là quyền của họ", luật sư nói và cho rằng việc bà Linh thu lợi 151 tỷ đồng từ bán than là "làm ăn bình thường, hợp pháp, không thể coi là thu lợi bất chính".
Thanh Lam