Chuyên mục  


Ông Hoàng Quốc Vượng, 61 tuổi, cựu Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cựu thứ trưởng Công Thương, bị bắt hôm 2/1, chỉ một ngày sau khi nghỉ hưu để điều tra sai phạm trong vụ án liên quan EVN, Bộ Công Thương cùng một số tỉnh thành.

Sau 8 tháng điều tra, đầu tháng 9 trong kết luận điều tra bổ sung, Cơ quan Cơ quan điều tra Bộ Công an cáo buộc ông Vượng đã cùng bị can Phương Hoàng Kim, cựu Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, gây thiệt hại hơn 937 tỷ đồng cho EVN, tính đến 28/6/2023.

Sai phạm này xảy ra trong quá trình Bộ Công Thương tham mưu cho Thủ tướng ban hành quy định về diện đối tượng và điều kiện được hưởng chính sách giá điện ưu đãi, kết luận điều tra nêu.

Ông Vượng và ông Kim bị đề nghị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, theo điều 356 Bộ luật Hình sự.

Bảy cựu cán bộ còn lại bị đề nghị truy tố với vai trò đồng phạm gồm: Nguyễn Danh Sơn, cựu giám đốc Công ty Mua bán điện EVN; 3 cựu nhân viên Nguyễn Hữu Khải, Đỗ Ngọc Tuyền, Trương Hoàng Dũng; Trần Quốc Hùng, phó trưởng Phòng Cấp phép và Quan hệ công chúng, Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công Thương; Trịnh Văn Đoàn, nhân viên của ông Hùng; Phan Văn Sang, cán bộ thuộc Phòng Thanh tra, cục Thuế tỉnh Bình Phước.

Ba 3 cựu cán bộ thuộc Cục Thuế tỉnh Bình Phước là: ông Nguyễn Duy Khánh, cựu phó cục trưởng; Trần Văn Định, cựu trưởng phòng và Phạm Quang Vinh, cựu phó phòng, bị đề nghị truy tố về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, theo Điều 360 Bộ luật Hình sự.

Cựu thứ trưởng Công Thương Hoàng Quốc Vượng tại cơ quan điều tra. Ảnh: Bộ Công an

Để phục vụ quá trình điều tra bổ sung, Bộ Công an cho biết đã xác minh, thu thập tài liệu tại nhiều cơ quan tổ chức. Trong đó, Bộ Công an đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN thống kê số tiền EVN đã thanh toán cho Nhà máy điện mặt trời Solar Farm Nhơn Hải, do Công ty Cổ phần đầu tư năng lượng tái tạo LICOGI 16 Ninh Thuận làm chủ đầu tư và Nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam, do Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam làm chủ đầu tư đến ngày Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án (28/6/2023).

Cơ quan điều tra đề nghị EVN tính số tiền chênh lệch trong trường hợp hai nhà máy nêu trên được áp dụng mức giá mua điện là 7,09 US cents/kWh kể từ ngày vận hành thương mại đến ngày 28/6/2023.

Bộ Công an yêu cầu Công ty Cổ phần đầu tư và Quản lý nguồn điện Việt Nam giải trình, cung cấp thông tin, tài liệu về vai trò, trách nhiệm đối với Dự án Nhà máy điện mặt trời Lộc Ninh 1, 2, 3, 4, 5 (dự án 3 bị cáo buộc có liên quan sai phạm trong vụ án này).

Bộ Công an cũng yêu cầu Công ty Mua bán điện, Trung tâm điều độ hệ thống điện Quốc gia, Công ty Cổ phần Hệ thống kỹ thuật ứng dụng ATS (công ty phát triển, thiết kế và xây dựng các giải pháp phục vụ hoạt động điều khiển, bảo vệ, và quản lý hệ thống điện) cung cấp các hồ sơ, tài liệu, giấy phép... liên quan đến các dự án của Công ty Lộc Ninh.

Bị can Nguyễn Danh Sơn, Giám đốc Công ty Mua bán điện. Ảnh: Bộ Công an

Công an: Hoàn thuế sai quy định cho doanh nghiệp hơn 145 tỷ đồng

Một trong những nội dung của vụ án là vấn đề hoàn thuế sau quy định. Theo kết luận điều tra bổ sung, tháng 10-12/2020, Công ty Cổ phần năng lượng Lộc Ninh 3 hoàn thành đầu tư xây dựng và vận hành thương mại Nhà máy điện mặt trời Lộc Ninh 3 tại tỉnh Bình Phước trên diện tích hơn 149 ha đất rừng sản xuất thuộc quyền sử dụng của Công ty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh.

Kết luận điều tra nêu diện tích xây dựng này không được các cơ quan có thẩm quyền ra quyết định thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất và chuyển mục đích sử dụng đất rừng sản xuất sang đất công trình năng lượng; không được cấp phép xây dựng; không được ra quyết định chủ trương đầu tư. Do đó, việc Công ty Cổ phần năng lượng Lộc Ninh 3 đầu tư, xây dựng dự án Nhà máy điện mặt trời Lộc Ninh 3 tại xã Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước đã vi phạm Luật đầu tư.

Tháng 4/2021, Công ty Lộc Ninh 3 gửi hồ sơ đề nghị Cục Thuế tỉnh Bình Phước hoàn trả hơn 145 tỷ đồng tiền thuế GTGT từ việc đầu tư, xây dựng Dự án Nhà máy điện mặt trời Lộc Ninh 3 và sau đó được hoàn trả 145 tỷ đồng, dù không thuộc trường hợp được hoàn thuế.

Ba bị can tại Cục Thuế tỉnh Bình Dương bị cáo buộc liên quan sai phạm hoàn thuế này. Hơn 145 tỷ đồng được Bộ Công an tính là thiệt hại cho ngân sách nhà nước.

Nhà chức trách xác định để xảy ra thiệt hại, bị can Nguyễn Duy Khánh, cựu Phó Cục trưởng phụ trách Phòng Thanh tra - Kiểm tra 3, có vai trò, trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo thực hiện kiểm tra, giải quyết hoàn thuế và duyệt ký quyết định hoàn thuế.

Quá trình duyệt ký Quyết định hoàn thuế GTGT cho Công ty Lộc Ninh 3, "vì thiếu trách nhiệm" ông Khánh đã "thực hiện không đầy đủ, không đúng nhiệm vụ được giao", dẫn đến không phát hiện trong hồ sơ đề nghị hoàn thuế của công ty này không đảm bảo thủ tục pháp lý, không đủ điều kiện được hoàn thuế. Ông Khánh ký ban hành quyết định cho Lộc Ninh 3 được hoàn thuế trái luật.

Tương tự, bị can Trần Văn Định, cựu Trưởng phòng Phòng Thanh tra - Kiểm tra 3 và Phạm Quang Vinh, cựu Phó Trưởng phòng Phòng Nghiệp vụ - Dự toán - Pháp chế thuộc Cục Thuế tỉnh Bình Phước cũng bị cáo buộc "vì thiếu trách nhiệm", đã thực hiện không đầy đủ, không đúng nhiệm vụ, không phát hiện được những lỗ hổng trong hồ sơ của Lộc Ninh 3, dẫn đến doanh nghiệp được hoàn thuế sai hơn 145 tỷ đồng.

Cùng với 937 tỷ đồng trong sai phạm liên quan ông Vượng, ông Kim, tổng thiệt hại trong vụ án là hơn 1.082 tỷ đồng.

Cơ quan điều tra cho hay đến thời điểm ra kết luận điều tra, 7 bị can đã nộp khắc phục hậu quả tổng 1,78 tỷ đồng. Trong đó ông Hoàng Quốc Vượng 1,5 tỷ đồng; Nguyễn Danh Sơn, 200 triệu đồng; ba bị can Nguyễn Duy Khánh, Trần Văn Định và Phạm Quang Vinh mỗi người 20 triệu đồng; hai bị can Trần Quốc Hùng và Trịnh Văn Đoàn mỗi người 10 triệu đồng.

Thanh Lam

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020