Chiều 21/1, sau 5 ngày xét xử, nghị án, TAND Hà Nội tuyên án với 17 người trong vụ sai phạm đất công tại tỉnh Bình Thuận từ 10 năm trước, gây thiệt hại hơn 308 tỷ đồng.
Ông Lê Tiến Phương, 68 tuổi, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận (nhiệm kỳ 2010-2015), cựu Chủ tịch Hội đồng thẩm định giá đất tỉnh Bình Thuận, bị tòa tuyên 6 năm tù về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí.
Trong 16 người còn lại, ông Hồ Lâm, cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường bị tuyên 5 năm; Xà Dương Thắng, cựu Giám đốc Sở Xây dựng, 4 năm; Nguyễn Văn Phong, cựu Phó giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bình Thuận, 4 năm; Đỗ Ngọc Điệp, cựu Chủ tịch UBND thành phố Phan Thiết, 30 tháng.
>>Mức án cụ thể của 17 bị cáo
Cựu chủ tịch Bình Thuận Lê Tiến Phương cùng 16 bị cáo tại tòa. Ảnh: Danh Lam
Tại tòa, các bị cáo thừa nhận hành vi, không tranh luận tội danh, chỉ xin HĐXX xem xét bối cảnh phạm tội, trong quá trình làm việc các bị cáo khẳng định đã cẩn trọng, khách quan, bàn bạc nhiều lần, xin ý kiến cơ quan chuyên môn để xác định giá đất cho phù hợp. Họ cho rằng phạm tội do nhận thức pháp luật khi đó còn hạn chế, tại tỉnh khi đó chưa có dự án nào lớn quy mô này, năng lực còn hạn chế, còn thiếu kinh nghiệm, không hưởng lợi cá nhân từ sai phạm.
Nguyên đơn dân sự là UBND tỉnh Bình Thuận không có ý kiến gì về cáo trạng, nội dung tố tụng, đề nghị HĐXX cân nhắc nguyên nhân, điều kiện hoàn cảnh để có đường lối xử lý phù hợp, giúp tỉnh sớm hoàn thành dự án, góp phần phát triển kinh tế xã hội. Tỉnh cũng xin HĐXX xét đóng góp của các cựu cán bộ này trong công tác, và hậu quả vụ án đã được khắc phục, để giảm nhẹ án cho các bị cáo.
Công ty Rạng Đông và Công ty TNHH du lịch biển Phan Thiết và người thân các bị cáo đã nộp toàn bộ số tiền còn thiếu để khắc phục hậu quả. Họ đề nghị tòa xem xét giải tỏa ngăn chặn giao dịch với các khu đất mà cơ quan điều tra đã tạm ngừng giao dịch, để các công ty ổn định sản xuất.
Ông Nguyễn Ngọc, cựu Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Danh Lam
Trong phần luận tội, VKS đánh giá đây là vụ án "đặc biệt nghiêm trọng" xảy ra trong lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.
Các bị cáo đều là những người có trình độ, chức vụ, lẽ ra phải là những người tiên phong đi đầu, nắm vững và tuân thủ pháp luật, nhưng lại thực hiện không đúng các quy định pháp luật. Việc gây thiệt hại hơn 308 tỷ đồng là "đặc biệt lớn" cho Ngân sách Nhà nước.
Song VKS cũng xem xét bối cảnh xảy ra vụ án, năm 2014-2015, Bình Thuận là tỉnh nghèo, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, do vậy chủ trương thu hút các nhà đầu tư để phát triển kinh tế là chủ trương đúng đắn, trong đó có nhà đầu tư là Công ty cổ phần Rạng Đông. Nguồn thu lớn cho sự phát triển kinh tế của UBND tỉnh Bình Thuận thời điểm đó là từ việc thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai - chiếm phần quan trọng trong tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo các sở, ngành triển khai các giải pháp tăng thu Ngân sách Nhà nước. Bối cảnh đó đã "phần nào tạo áp lực" cho lãnh đạo, cán bộ.
Đây cũng là dự án quy mô lớn nhất tại thời điểm đó trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Quá trình xây dựng, thẩm định giá đất phải làm lại nhiều lần, Sở Tài nguyên Môi trường đã 4 lần xây dựng phương án giá đất, trên cơ sở đó Hội đồng thẩm định cũng đã 4 lần tổ chức các cuộc họp thẩm định để rà soát, chỉnh sửa. Điều này thể hiện các bị cáo có phần thận trọng và lúng túng trong áp dụng phương pháp tính giá đất.
Vụ án khởi nguồn từ dự án sân golf Phan Thiết, được tỉnh cấp phép cho một công ty Hong Kong vào năm 1993. 20 năm sau, Công ty cổ phần Rạng Đông mua lại 100% với giá 2,5 triệu USD.
Rạng Đông sau đó đề nghị chính quyền tỉnh xin chuyển đổi đất sân golf sang đất ở đô thị. Do việc chuyển đổi này "có tính chất nhạy cảm, ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan thiên nhiên, lợi ích của số đông nhân dân", ông Phương tổ chức họp UBND tỉnh.
Tháng 3/2014, ông Phương ký công văn báo cáo Ban thường vụ Tỉnh ủy, đề nghị xem xét đề nghị của Rạng Đông.
Hồ Lâm, cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Danh Lam
Sau khi "phân tích kỹ, cân nhắc thấu đáo, đánh giá mọi mặt và đi đến thống nhất cao", tỉnh chấp thuận việc chuyển đổi này. Thủ tướng sau đó chấp thuận đưa sân golf Phan Thiết ra khỏi quy hoạch sân golf Việt Nam để đầu tư xây dựng khu đô thị.
Quá trình triển khai dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết, ông Phương trực tiếp phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung thành phố Phan Thiết. Ông cũng trực tiếp cấp giấy phép quy hoạch cho chủ đầu tư, phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết tỷ lệ 1/500; phê duyệt cho chuyển mục đích sử dụng đất sân golf sang đất ở đô thị cho dự án này.
Theo quyết định do ông Phương ký, 620.000 m2 đất xây dựng cơ sở thể dục, thể thao được chuyển thành 363.000 m2 đất ở đô thị và 257.000 m2 đất công trình công cộng.
VKS cho rằng biết rõ đồ án quy hoạch chi tiết và cơ cấu sử dụng đất tại Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết; được Hội đồng thẩm định giá đất báo cáo đầy đủ nhưng vẫn nhất trí với phương án giá đất được xây dựng không đúng cơ sở, "cào bằng" giá đất nhà cao tầng với đất biệt thự, nhà liền kề.
Cuối cùng, ông ký duyệt giá đất tại dự án với giá 2,577 triệu đồng/m2, là trái với Luật Đất đai và quy định khác, theo cáo buộc của VKS.
Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết của Công ty CP Rạng Đông rộng hơn 62 ha, được xem là "siêu dự án" có vị trí đắc địa nhất thành phố Phan Thiết. Ảnh: Tư Huynh - Xuân Cường
Các bị cáo là cựu cán bộ tỉnh bị cáo buộc vai trò đồng phạm "cố ý làm trái nhiệm vụ" khi xây dựng giá đất; sử dụng tài sản so sánh không đủ điều kiện, không căn cứ quy hoạch; tính chung giá đất nhà cao tầng như đất biệt thự, sai nguyên tắc của phương pháp thặng dư...
Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự kết luận giá trị quyền sử dụng đất là 1.574 tỷ đồng. Thực tế, Công ty Rạng Đông chỉ nộp gần 957 tỷ đồng. Số tiền chênh lệch do đó là 617 tỷ đồng.
Song VKS nhận thấy ngoài sai phạm của các bị can, còn có 3 chỉ tiêu: tốc độ tăng giá, thời gian bán hàng và tỷ lệ bán hàng hằng năm, là nguyên nhân dẫn đến số tiền chênh lệch này. Bộ Công an làm việc với đơn vị tư vấn thẩm định giá, kết luận, 3 chỉ tiêu trên dẫn đến sự chênh lệch số tiền là 308 tỷ đồng.
Con số chênh lệch, theo VKS, do các yếu tố giả định trong phương án giá đất của các Hội đồng định giá khác nhau, "không phải là hậu quả, thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra". Do đó, theo cơ quan công tố, không có căn cứ buộc các bị cáo khắc phục.
VKS kiến nghị tỉnh Bình Thuận làm việc với chủ đầu tư dự án để giải quyết theo quy định pháp luật. Hiện UBND tỉnh đã tạm dừng giao dịch đối với quyền sử dụng các lô đất ở đô thị tại dự án này.
Công ty Rạng Đông là phía được hưởng lợi từ sự chênh lệch giá. Quá trình làm việc, ông Nguyễn Văn Đông, Chủ tịch HĐQT Công ty này, cũng là chủ đầu tư dự án, cam kết sẽ tham gia khắc phục hậu quả, nộp bổ sung số tiền sử dụng đất tại dự án.
Thanh Lam