Chuyên mục  


Theo bản án vừa được công bố, ngoài mức hình phạt đã tổng hợp là 28 năm tù về tội Nhận hối lộLợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác, TAND TP HCM buộc cựu bí thư Bến Tre Lê Đức Thọ phải nộp lại 1,47 triệu USD, 300 triệu đồng; tiếp tục tạm giữ hơn 440.000 USD, 25.6 tỷ đồng và một sổ tiết kiệm để đảm bảo thi hành án.

Ông Thọ được trả lại 97 miếng vàng và 133 sổ tiết kiệm do không liên quan đến vụ án.

Tuy nhiên, tòa tuyên tịch thu, nộp ngân sách nhà nước một ôtô Mercedes Benz S450 (khoảng 6,6 tỷ đồng); 5 chiếc đồng hồ Patek Philippe, trong đó có một chiếc trị giá 421.000 USD (gần 10 tỷ đồng) là những tài sản ông Thọ được chủ công ty Xuyên Việt Oil tặng khi đương chức.

Cựu bí thư Bến Tre Lê Đức Thọ tại phiên tòa sơ thẩm cuối tháng 11. Ảnh: Quỳnh Trần

Là người có vai trò cầm đầu, bà Mai Thị Hồng Hạnh, Chủ tịch HĐTV Công ty Xuyên Việt Oil bị tuyên phạt 30 năm tù về các tội Đưa hối lộ; Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí.

Tòa tiếp tục kê biên 11 bất động sản, phong tỏa 36 tài khoản của bà Hạnh; tạm giữ số tiền 700 triệu đồng của bà Hạnh và các bị cáo khác nộp để đảm bảo việc thi hành án.

Liên quan đến vụ án, 13 bị cáo còn lại bị tuyên mức án từ một năm 6 tháng đến 7 năm tù.

Hiện, TAND TP HCM đã tiếp nhận đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của ông Thọ, bà Hạnh cùng 5 bị cáo khác đối với bản án trên, chuyển cùng hồ sơ cho TAND Cấp cao tại TP HCM thụ lý theo thủ tục phúc thẩm.

Bản án xác định, khi Công ty Xuyên Việt Oil vay vốn tại Vietinbank và xin cấp giới hạn tín dụng, kéo dài thời gian duy trì giới hạn tín dụng, từ năm 2019 đến tháng 1/2020, ông Lê Đức Thọ đã hai lần nhận hối lộ, tổng 600.000 USD (tương đương 13,8 tỷ đồng) của bà Hạnh.

Ngoài ra, từ năm 2021, ông còn bị cáo buộc lợi dụng chức vụ, quyền hạn là Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre và nguyên Chủ tịch HĐQT Vietinbank để tác động, gây ảnh hưởng đến Giám đốc ngân hàng chi nhánh Bến Tre cho Công ty Xuyên Việt Oil được vay vốn thuận lợi, với hạn mức tín dụng 400 tỷ đồng, lãi suất ưu đãi và tỷ lệ tín chấp khoản vay là 40%. Hạnh đã tặng cho ông Thọ nhiều tài sản có giá trị.

Tổng cộng, ông Thọ đã Nhận hối lộ Lợi dụng vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng lên người khác để trục lợi hơn 33 tỷ đồng. Quá trình điều tra xét xử sơ thẩm, bị cáo và gia đình đã nộp lại 34 tỷ đồng hưởng lợi.

Bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh tại phiên xử sơ thẩm hồi cuối tháng 11. Ảnh:Quỳnh Trần

Đối với Mai Thị Hồng Hạnh, HĐXX xác định, Xuyên Việt Oil không đủ điều kiện được cấp giấy phép xuất nhập khẩu xăng dầu, từ năm 2016 đến 2022, bà đã tìm cách gặp gỡ các quan chức phụ trách chuyên môn của Bộ Công Thương đặt vấn đề nhờ giúp đỡ. Hạnh đã đưa hối lộ 22 lần cho 8 cá nhân với tổng số tiền hơn 31 tỷ đồng.

Quá trình điều hành Xuyên Việt Oil, bị cáo Hạnh đã chỉ đạo cấp phó là Nguyễn Thị Như Phương và nhân viên không thực hiện việc trích lập, quản lý nộp quỹ bình ổn giá xăng dầu gây thất thoát 219 tỷ đồng. Bị cáo còn chỉ đạo nhân viên lập báo cáo đầy đủ về 1.244 tỷ đồng tiền thuế bảo vệ môi trường, nhưng không nộp mà rút ra sử dụng vào mục đích cá nhân gây thất thoát.

Tòa tuyên bị cáo Hạnh 19 năm tù về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí; 11 năm tù về tội Đưa hối lộ. Tổng hợp hình phạt là 30 năm tù (mức cao nhất của hình phạt tù có thời hạn); đồng thời buộc bồi thường tổng cộng hơn 1.700 tỷ đồng.

Nhiều quan chức thuộc Bộ Công thương, Cục Thuế TP HCM được xác định bị bà chủ Xuyên Việt Oil mua chuộc hoặc tác động.

Hải Duyên

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020