Ông Đỗ Anh Dũng bị tòa sơ thẩm tuyên phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, là người duy nhất trong 15 bị cáo kháng cáo.
Khai tại tòa, ông Dũng khẳng định thu tiền trái phiếu để đầu tư vào các dự án bất động sản được cấp phép, phê duyệt, bản chất không chiếm đoạt.
Về lý do xin giảm án, ngoài "ý chí chủ quan" không lừa đảo, ông Dũng nói đã "quyết tâm rất cao" để trong thời gian ngắn gia đình thu xếp được số tiền "có thể nói là quá sức lớn".
"Tôi tuổi cao, ở trong trại giam đã 930 ngày, rất khó khăn. Nay tôi mong muốn trở về khôi phục và phát triển tập đoàn vì chúng tôi còn rất nhiều dự án và kế hoạch để công hiến tiếp cho xã hội", ông nói.
Chủ tọa sau đó phân tích, số tiền Tân Hoàng Minh nhận từ các nhà đầu tư đã bị sử dụng không đúng mục đích kêu gọi, thủ tục quy trình kêu gọi có yếu tố lừa dối. Đó là lý do ông bị kết tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trong phiên phúc thẩm mở sáng nay, tòa cũng xét kháng cáo của một bị hại 46 tuổi ở Thanh Hóa, với hai nội dung: tăng hình phạt tù với bị cáo Dũng và đề nghị ông này trả lãi trái phiếu theo các điều khoản hợp đồng. Tại phiên sơ thẩm, bị hại trên được tòa tuyên nhận bồi thường 2 tỷ đồng.
Trình bày tại TAND Cấp cao, bị hại cho hay đã huy động tiền của anh em bạn bè mua trái phiếu của Tân Hoàng Minh nhưng chỉ 5 ngày sau chủ tịch Đỗ Anh Dũng bị bắt khiến số trái phiếu 2 tỷ đồng trở nên vô giá trị.
Chị nói từ đó liên tục bị anh em bạn bè đòi tiền nên túng quẫn. Chị phải vay nợ bên thứ bên để trả. 6 tháng sau, chị vẫn chưa trả được nợ do Tân Hoàng Minh khi đó vẫn chưa trả tiền.
Bị hại khai đã bị chủ nợ o ép, "dùng nhiều biện pháp vô đạo đức" gây ảnh hưởng đến tâm lý và cuộc sống. Chủ nợ sau đó khởi kiện dân sự đòi nợ và bị TAND Thanh Hóa xử thua kiện, buộc trả 2 tỷ đồng nợ và 200 triệu đồng tiền lãi.
Là công chức nhà nước, chị này nói vụ án ảnh hưởng nặng nề đến danh dự, tâm lý và cuộc sống gia đình. Đó là lý do chị kháng cáo tăng án tù, đòi thêm lãi.
Với đề nghị này, VKS cấp phúc thẩm đánh giá, bản án dân sự thể hiện chị vay tiền "do cần gấp để lo kinh doanh cho chồng", không nêu vay tiền để mua trái phiếu của Tân Hoàng Minh. VKS do đó cho rằng không có căn cứ để xác định chị vay nợ để mua trái phiếu, dẫn đến mất khả năng trả nợ, là do lỗi của Tân Hoàng Minh. VKS đề nghị bác cả hai nội dung kháng cáo này.
Ông Đỗ Anh Dũng tại tòa ngày 25/9. Ảnh: Danh Lam
Trong phiên sơ thẩm, số bị hại được xác định hơn 6.600 người, khoảng 1/7 số họ có mặt trong những ngày đầu xét xử.
Toàn bộ thiệt hại vụ án, hơn 8.600 tỷ đồng, đã được Tân Hoàng Minh khắc phục ngay giai đoạn điều tra. Đây là một trong các tình tiết giảm nhẹ để HĐXX quyết định tuyên án dưới mức thấp nhất của khung hình phạt với ông Dũng.
Sau phiên sơ thẩm, hồi giữa tháng 7, Cục Thi hành án dân sự Hà Nội xác nhận 1.500 người đã nhận tiền từ Cục Thi hành án dân sự Hà Nội, dự kiến hết ngày 30/9 tất cả 6.600 bị hại mua trái phiếu Tân Hoàng Minh, tổng cộng 8.600 tỷ đồng, sẽ được hoàn tiền.
Theo cáo buộc của tòa sơ thẩm, năm 2022 trước khó khăn tài chính của Tân Hoàng Minh, ông Dũng chỉ đạo con trai Đỗ Hoàng Việt tìm cách huy động vốn. Việt đề xuất và được cha chấp thuận phương án phát hành trái phiếu thông qua các công ty thuộc "hệ sinh thái" Tân Hoàng Minh.
Các báo cáo tài chính được Việt chỉ đạo cấp dưới chỉnh sửa để các công ty đủ điều kiện phát hành, sau đó ký các hợp đồng thực hiện dự án hợp tác không có thật để lấy lòng tin của nhà đầu tư.
Hơn 90 triệu trái phiếu trị giá hơn 10.000 tỷ đồng, được bán lại cho Tân Hoàng Minh bằng cách "chạy dòng tiền khống", để tập đoàn này sau đó chia nhỏ kỳ hạn, bán thu 14.000 tỷ đồng.
Trong số này, hơn 5.000 tỷ đồng được Tân Hoàng Minh lấy người mua sau trả cho người mua trước. Tại vụ án này, tòa sơ thẩm đánh giá, ông Dũng có vai trò chính.
Ông Dũng còn là bị hại trong vụ án lừa đảo, liên quan cựu Vụ trưởng Tổng hợp Ủy ban Dân tộc, Nguyễn Sỹ Tá. Ngày 9/9, ông Tá bị phạt tù chung thân vì mạo danh chủ dự án nghỉ dưỡng lừa 80 tỷ đồng mà ông Dũng đặt cọc.
Thanh Lam