Năm 1998, Trương Vĩ Dân, quê ở tỉnh Sơn Đông, đưa vợ là Hứa Văn và con gái Trương Đông Nhạc di cư đến Canada. Gia đình Dân định cư ở quận North York, thành phố Toronto, nơi có phong cảnh đẹp, yên tĩnh và trị an tốt.
Dân là kỹ sư máy tính, Văn làm việc trong lĩnh vực giáo dục. Hai vợ chồng còn có nghề phụ là môi giới du học, giúp các sinh viên làm thủ tục nhập cảnh, cho họ ở trọ trong nhà.
Sau bữa tối chủ nhật 19/10/2003, Nhạc về phòng tập đàn, tắt đèn đi ngủ vào khoảng 22h. Hai vợ chồng và bố Văn lên giường nghỉ ngơi vào khoảng 23h30. Ba sinh viên ở trọ cũng đã đi ngủ, một người ra ngoài chơi với bạn nhưng về nhà trước 0h.
Sáng 20/10, Văn nhận được hai cuộc gọi kỳ lạ vào lúc 6h58 và 7h48. Khi nhấc máy, cô chỉ nghe thấy tiếng ồn ào, đầu dây bên kia không nói lời nào.
Khoảng 8h30, Văn đi gọi con gái dậy, nhưng không thấy cô bé trong phòng. Sau khi tìm kiếm khắp nhà, hai vợ chồng vội vã đến trường học tìm nhưng cũng không thấy bóng dáng Nhạc. Họ lập tức trình báo cảnh sát.
Bố Văn cho biết nghe thấy tiếng người đi lại ngoài phòng ngủ vào nửa đêm. Hai sinh viên thuê trọ nói bị tỉnh giấc vào sáng sớm vì quá lạnh. Kiểm tra các cửa ra vào và cửa sổ của ngôi nhà, họ phát hiện cửa căn phòng ở cuối hiên chỉ khép hờ.
Một sinh viên ở phòng cách vách với Nhạc cho biết dường như nghe thấy tiếng ai đó gõ vào tường, nhưng đang trong trạng thái nửa tỉnh nửa mê nên không dậy tìm hiểu.
Dân cho biết khi vào bếp buổi sáng, cửa sổ mở toang, rèm che bị rách, mặt bàn rất bẩn.
Cảnh sát tìm thấy dấu chân khả nghi trong nhà bếp và dấu tay người lạ trên bệ cửa sổ. Họ cũng phát hiện một con dao nhỏ bên hàng rào ở sân sau. Dựa trên những lời khai, cảnh sát suy đoán có kẻ đột nhập vào nhà và bắt Nhạc đi. Nhưng khi kiểm tra tất cả camera giám sát ở lối vào chính của ngôi nhà, cũng như hàng xóm xung quanh và trong khu phố, cảnh sát không thu được manh mối gì.
Cảnh sát điều tra ở nhà của Trương Vĩ Dân, sau khi Nhạc mất tích. Ảnh: Ctvnews
Lúc 13h22 ngày 20/10, nhà chức trách huy động cảnh sát tuần tra, máy bay trực thăng và cảnh khuyển tìm kiếm Nhạc. Sự việc cũng được thông báo rộng rãi để mong quần chúng cung cấp thông tin.
Cảnh sát lắp đặt thiết bị giám sát tại nhà Dân để khi kẻ bắt cóc gọi điện đòi tiền chuộc, họ có thể kịp thời ghi âm và lần ra vị trí.
Vợ chồng Dân lên tivi, cầu xin kẻ bắt cóc tha mạng. Họ đã rút sẵn khoản tiền lớn, sẵn sàng đồng ý mọi yêu cầu, chỉ mong con gái trở về an toàn. Nhưng suốt 161 ngày tìm kiếm và chờ đợi, gia đình không nhận được cuộc điện thoại nào từ kẻ bắt cóc.
Chiều 27/3/2004, một người đi bộ đường dài tìm thấy thi thể người đã phân hủy trong thung lũng phía sau một nhà thờ ở thành phố Mississauga, phía tây Toronto. Qua giám định, nhà chức trách xác định nạn nhân là Nhạc, 9 tuổi.
Tuy nhiên, cảnh sát không rõ nguyên nhân cái chết, thời gian thi thể bị giấu tại đây vì điều kiện thời tiết và động vật hoang dã khiến thi thể bị hủy hoại nghiêm trọng. Địa điểm này nằm trong con hào có nhiều bụi cây rậm rạp nên rất khó tìm.
Cảnh sát thu thập bằng chứng ở nơi tìm thấy thi thể nạn nhân. Ảnh: Ctvnews
Cảnh sát lần ra hai cuộc điện thoại lạ mà Văn nhận được vào ngày xảy ra vụ án. Một đến từ thành phố Brampton, cách nhà Dân khoảng 35 phút lái xe, và một đến từ thành phố Mississauga. Cả hai đều sử dụng điện thoại công cộng để gọi nên cảnh sát chỉ có thể bố trí nhân lực tuần tra, giám sát hai khu vực.
Cuộc điện thoại thứ hai cách nơi Nhạc bị hại 20 km, nhưng khi ấy không tìm thấy người nào khả nghi tiếp cận nơi đó.
Cảnh sát tốn nhiều thời gian làm rõ mối quan hệ xã hội của gia đình Dân và thông tin về tất cả người có quan hệ làm ăn với họ.
Từ khi mở công ty môi giới du học ở Toronto, hai vợ chồng đã tiếp nhận hàng trăm du học sinh nên việc điều tra tương đối phức tạp. Cảnh sát được biết các sinh viên thuê trọ ở nhà Dân có cuộc sống gò bó, thường bị phạt vì vi phạm quy tắc như bật đèn khi không có ai vào ban ngày, thường xuyên có bạn đến chơi.
Một số sinh viên phàn nàn, nhưng trước khi đến Toronto đã ký hợp đồng thuê nhà ít nhất nửa năm nên nếu rời đi sẽ không được hoàn trả tiền đặt cọc.
Điều tra các sinh viên từng có mâu thuẫn với gia đình Dân, cảnh sát phát hiện một sự trùng hợp.
Năm 2002, một nữ sinh bị Dân đuổi khỏi nhà vì cho bạn trai qua đêm mà không xin phép. Người bạn trai tên Trần Mẫn muốn giúp bạn gái lấy lại số tiền đặt cọc gần 1.500 CAD, nhưng bị Dân dọa gọi cảnh sát. Sợ gặp rắc rối, cả hai bỏ đi.
Hơn một tháng trước khi Nhạc bị sát hại, cảnh sát nhận được tin báo có ba người đàn ông châu Á đánh bắt cá trái phép gần sông. Khi đến nơi, cảnh sát phát hiện trên xe của họ có các dụng cụ đánh bắt cá nhưng không có dấu hiệu sử dụng nên chỉ nhắc nhở rồi cho đi.
Nơi này chỉ cách địa điểm tìm thấy thi thể Nhạc chưa đầy 100 m. Một trong ba người chính là Mẫn, sống gần đó. Anh ta bị cảnh sát đưa vào danh sách cần điều tra.
Trần Mẫn. Ảnh: Ảnh: Ctvnews
Mẫn sinh năm 1983 ở Thượng Hải, có bố là quản lý cấp cao của công ty hàng không và mẹ là cảnh sát. Khi lên cấp ba, bố mẹ ly thân, Mẫn sống với mẹ. Sự thay đổi đột ngột trong cuộc sống tác động tiêu cực đến Mẫn. Năm 2001, Mẫn thi trượt đại học, được bố mẹ cho đi du học.
Tháng 8/2001, Mẫn nhập cảnh vào Canada, thuê nhà trọ chung với các sinh viên khác ở North York. Trong nửa năm đầu đến Canada, Mẫn gây ấn tượng cho người xung quanh là một sinh viên giản dị, chăm chỉ, không tiêu xài hoang phí. Không lâu sau, Mẫn yêu nữ sinh trọ ở nhà Dân, từng đến thăm bạn gái bốn lần từ tháng 9/2001 đến tháng 3/2002, từng tiếp xúc với Nhạc hai lần.
Năm 2004, cảnh sát tìm thấy Mẫn và thẩm vấn anh ta. Mẫn nói chưa bao giờ đến nhà Dân, lời nói dối này khiến cảnh sát chú ý.
Tháng 4/2004, cảnh sát thẩm vấn Mẫn lần thứ hai, yêu cầu cung cấp dấu vân tay. Anh ta có vẻ do dự nhưng vẫn đồng ý.
Theo báo cáo giám định pháp y, dấu vân tay của Mẫn trùng khớp với 8 dấu vân tay thu được trên bệ cửa sổ, khung cửa sổ, góc tường, cầu thang và con dao vứt ở sân sau.
Tuy nhiên, cảnh sát không bắt Mẫn ngay lập tức mà tìm cách điều tra sâu hơn để xác nhận động cơ gây án và đồng phạm nếu có. Kể từ 4/6/2004, điện thoại của Mẫn bị theo dõi.
Trong một cuộc điện thoại giữa Mẫn và bạn, cảnh sát biết anh ta làm gì ở Canada hơn hai năm qua. Chịu khó học hành nhưng thành tích không tiến bộ, Mẫn tự nhận khó có thể hoàn thành chương trình cử nhân, càng không thể kiếm được việc làm và nhập cư Canada.
Nhưng Mẫn không muốn trở về Trung Quốc, vì vậy vào đầu 2003, anh ta nhờ bạn móc nối, lên kế hoạch kết hôn giả với một phụ nữ địa phương với giá 25.000 CAD. Mẫn bắt đầu làm chui trong các nhà hàng, thậm chí nhận việc đưa đón gái mại dâm đi phục vụ khách, nhưng số tiền kiếm được không đáng kể. Cảnh sát suy đoán Mẫn muốn bắt cóc Nhạc vì 25.000 CAD.
Ngày 12/7/2004, cảnh sát đề nghị kiểm tra xe của Mẫn. Anh ta không phản đối ngay, nhưng trong vòng hai ngày sau khi trở về nhà đã đến bốn tiệm sửa xe khác nhau, thay pin lithium-ion trong cốp, vệ sinh kỹ bên trong xe, đặc biệt là cốp. Mẫn không hay biết tất cả những việc này đều nằm trong sự giám sát của cảnh sát.
Sau khi Mẫn rời khỏi tiệm sửa xe, cảnh sát lập tức mang những thứ anh ta vứt bỏ, bao gồm pin lithium-ion, về phòng thí nghiệm. Sau khi kiểm tra, pháp y cho biết bằng chứng từ quá lâu nên đã bị hủy hoại, không thể tìm ra manh mối xác định Mẫn có liên quan trực tiếp đến Nhạc.
Tuy nhiên, ngày 21/7, cảnh sát vẫn tạm giữ Mẫn vì tình nghi sát hại Nhạc. Vào 22/7, Mẫn chính thức bị bắt và bị khởi tố.
Trong phiên tòa vào tháng 5/2006, Mẫn thừa nhận hành vi phạm tội. Mẫn khai rằng, vào 3h sáng 20/10/2003, anh ta định bắt cóc Nhạc vì biết cô bé ngủ trong phòng bạn gái cũ từng thuê. Anh ta nắm rõ cấu trúc phòng ở đó nên nghĩ có thể âm thầm bắt cóc Nhạc, sau đó gọi điện đòi tiền chuộc.
Không ngờ trong quá trình gây án, Nhạc chống trả quyết liệt. Mẫn vội dùng một tay bịt miệng, một tay bóp cổ cô bé. Thấy Nhạc ngất đi, anh ta bế cô bé quay lại xe, bỏ vào cốp rồi vội vàng phóng đi. Khi dừng xe giữa chừng để kiểm tra tình hình Nhạc, anh ta mới biết cô bé đã tử vong.
Vì bên công tố và bên bào chữa đã đạt được thỏa thuận sơ bộ trước phiên tòa, gia đình nạn nhân chấp nhận kết tội Mẫn tội Giết người cấp độ hai để tránh việc xét xử kéo dài và các quy trình phức tạp.
Ngày 11/5/2006, tòa kết án Mẫn tù chung thân, không được ân xá trong 15 năm. Nhưng chỉ 10 năm sau, Mẫn được ân xá, đồng thời bị trục xuất về Trung Quốc.
Tuệ Anh (Theo Toutiao)