Chuyên mục  


Tín chỉ carbon (carbon credit) là một loại giấy phép hoặc chứng chỉ có thể giao dịch, giá trị mua bán và cung cấp cho người nắm giữ tín chỉ quyền phát thải một tấn CO2 hoặc loại khí thải khác nằm trong danh sách khí thải nhà kính.

Theo báo cáo thị trường tín chỉ carbon tự nguyện 2024 và xu hướng 2025 của Công ty nghiên cứu thị trường và dữ liệu AlliedOffsets, Shell và Microsoft đã mua hàng triệu tín chỉ với mức giá chênh nhau tới 45 lần, do những khác nhau về nguồn gốc, chất lượng.

Shell mua 14,5 triệu tín chỉ trong năm qua, giá trung bình 4,15 USD mỗi tCO2. Khoản chi bù trừ của công ty nhiên liệu này tập trung vào các dự án năng lượng tái tạo và trồng rừng, hướng tới phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào 2050.

Logo Microsoft tại triển lãm MWC ở Barcelona tháng 2/2023. Ảnh:Lưu Quý

Hãng công nghệ Microsoft mua 5,5 triệu tín chỉ carbon, nhưng giá trung bình lên tới 189 USD mỗi tCO2 (CO2 tương đương), tập trung vào các dự án loại bỏ carbon trực tiếp (CDR). Phần lớn trong số đó là giải pháp thu và lưu trữ carbon - một loại công nghệ mới nổi và đắt đỏ, có khả năng đưa phát thải carbon xuống mức âm.

Gần 80% tín chỉ carbon Microsoft mua trong 2024 đến từ các dự án trên, với giao dịch lớn nhất là 3,3 triệu từ công ty năng lượng Stockholm Exergi của Thụy Điển. Dù trong giai đoạn sơ khai, công nghệ này được giới chuyên gia kỳ vọng đóng vai trò quan trọng để toàn cầu đạt mục tiêu Net Zero. Thách thức lớn nhất trong giao dịch loại tín chỉ này là giá, có thể lên tới 389 USD cho mỗi tCO2.

Nguồn: AlliedOffsets

Thực tế, trên thị trường tín chỉ carbon tự nguyện, giá trung bình của mỗi tín chỉ giảm do dư cung quá mức, theo báo cáo của AlliedOffsets. Theo dữ liệu tổng hợp từ 25 tổ chức và chương trình cấp chứng nhận carbon cho lượng tín chỉ không bán được sau khi phát hành tiếp tục tăng, phần lớn là loại theo cơ chế phát triển sạch (CDM).

Xét từng loại tín chỉ, NBS (giải pháp phát hành tín chỉ dựa vào bảo tồn thiên nhiên) tiếp tục tăng, giá trung bình 20 USD mỗi tCO2.

Nguồn: AlliedOffsets

Phân khúc tín chỉ CDR (giải pháp loại bỏ trực tiếp CO2) ghi nhận lượng giao dịch trên sổ đăng ký trong năm qua nhiều hơn bao giờ hết, dù số công ty tham gia cung cấp tín chỉ không tăng. Phân khúc này được ví là sân chơi của "Microsoft và những người bạn", khi công ty công nghệ này chiếm 57% lượng giao dịch trên thị trường. Tính trung bình, cứ 6-7 công ty cung ứng tín chỉ sẽ có một đơn vị mua.

Tín chỉ từ các dự án trồng rừng thuộc chương trình REDD+ (cơ chế quốc tế nhằm giảm phát thải carbon từ rừng) hạ giá, dù lượng mua tăng do nhiều doanh nghiệp chuyển đổi từ tín chỉ năng lượng tái tạo.

Nhóm tác giả báo cáo của AlliedOffsets dự báo tín chỉ từ các dự án năng lượng tái tạo và REDD+ tiếp tục mất giá khoảng 20% vào 2040. Trong khi tín chỉ từ các giải pháp loại bỏ carbon dựa trên tự nhiên (than sinh học biocha và trồng rừng mới, tái tạo rừng, phục hồi thảm thực vật) sẽ thu hút nhiều bên mua trong tương lai.

Bảo Bảo (theo AlliedOffsets, CarbonCredits)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020