Bài đăng bêu riếu chị T.N. được bạn bè chụp lại màn hình rồi gửi cho chị để hỏi rõ thực hư - Ảnh NVCC
Phản ánh đến Tuổi Trẻ Online, chị T.N. (32 tuổi, chuyên gia trang điểm) bức xúc kể lại một tai họa từ trên mạng xã hội rơi xuống đầu mình.
Bị đăng hình, bêu riếu đủ điều
Khuya 3-12, bỗng dưng chị T.N. nhận được nhiều cuộc gọi lẫn tin nhắn từ bạn bè hỏi thăm thực hư về việc chị đang bị tố “lừa tình, lừa tiền và mua bán hàng giả, hàng nhái” rần rần trên các hội nhóm Facebook.
Đặc biệt là các hội nhóm mua bán, trao đổi hàng hóa tại khu vực phường Bồng Sơn, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, nơi chị T.N. đang sống và làm việc.
Nội dung tố chị T.N. trên mạng như sau: “Hiện tại ai bị người này lừa thì ib (nhắn tin - PV) cho em để em chỉ cách lấy lại nha. Nó chuyên lừa đảo, mua bán hàng nhái, hàng giả, lừa tình, lừa tiền.
Nó rất dẻo miệng, nói chuyện rất ngọt để lừa đảo khách hàng”.
Đăng kèm bài trên là một ảnh chụp màn hình trang Facebook cá nhân của chị T.N. và một tấm ảnh rõ mặt mũi chị. Chị N. đoán những hình ảnh trên được người đăng tải xuống từ Facebook của mình.
“Facebook đăng bài là một tài khoản lạ, tôi không quen biết người này. Những bài viết được đăng lên các hội nhóm cứ tăng lượt xem và bình luận.
Tôi không biết gì và mọi việc bỗng trở nên ngoài tầm kiểm soát của tôi”, chị N. kể.
Chị N. liên hệ với quản trị viên của các nhóm này để nhờ xác minh, hỗ trợ nhưng không nhận được phản hồi. Đến chiều hôm sau thì bài đăng bị gỡ xuống.
Dù sự việc trên trời rơi xuống chỉ kéo dài gần hai ngày nhưng gây ảnh hưởng không ít đến tinh thần và công việc của chị N..
“Lúc mới biết tin này, tôi khóc sưng mắt và giờ vẫn rất hoang mang. Công việc, uy tín cá nhân bị ảnh hưởng, nhất là những người không hiểu mình có thể sinh ra nghi ngờ, dè bỉu”, chị N. tâm sự.
Cũng theo chị N., dù mình là người bị bêu riếu nhưng tài khoản đăng bài lại chặn Facebook của chị, mục đích không để chị nhìn thấy bài đăng.
"Việc buôn bán cũng nhỏ lẻ, ở quê không cạnh tranh, thù hằn gì với ai, tôi chưa biết vì sao người ta lại nhắm vào tôi”, chị N. dở khóc dở mếu.
Quản trị nhóm không có trách nhiệm kiểm duyệt?
Facebook N.N.H., một trong những quản trị viên của nhóm rao vặt trên cho biết nhóm này là nhóm được đăng bài tự động, tạo ra với mục đích trao đổi buôn bán.
“Hằng ngày mấy trăm, cả nghìn bài đăng nên mình không kiểm tra được hết. Nhóm phi lợi nhuận, không ai trả phí cho việc mình đi kiểm duyệt đâu”, H. nói.
Theo người này, quản trị viên của nhóm không có trách nhiệm kiểm duyệt nhóm hay bất cứ thông tin gì khác.
Còn đối với những bài đăng có tính chất bêu riếu như trên thì các nạn nhân chủ động giải quyết với bên đăng bài.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, luật sư Bùi Xuân Ninh (Đoàn luật sư tỉnh Bình Dương) cho biết đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của mỗi người là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.
Đặc biệt, cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình.
Vậy nên việc thu thập, lưu giữ, sử dụng công khai hình ảnh hoặc thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của người khác phải được người đó đồng ý.
“Hành vi đăng tải hình ảnh, thông tin của người khác lên mạng xã hội là vi phạm pháp luật và tùy mức độ có thể bị xem xét xử phạt hành chính từ 10- 20 triệu đồng.
Cụ thể là về hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác (nghị định 15/2020/NĐ-CP).
Nặng hơn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội làm nhục người khác hoặc tội vu khống với mức hình phạt lên đến 5 năm tù”, ông Ninh nói.
Ngoài ra, người xúc phạm người khác trên mạng xã hội còn phải bồi thường thêm một khoản tiền bù đắp về tinh thần cho nạn nhân theo quy định tại điều 592, Bộ luật Dân sự 2015.
Cũng theo luật sư Ninh, đối với hội nhóm tạo môi trường, duyệt đăng những nội dung “nói xấu, vu khống” người khác sẽ bị xem xét xử lý về “vi phạm của các trang thông tin điện tử”.
Cụ thể là hành vi “đưa thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân” theo quy định tại điểm a, khoản 3, điều 99 nghị định 15/2020/NĐ-CP, mức phạt từ 20-30 triệu đồng.
“Trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng còn bị xem xét xử lý với vai trò đồng phạm cùng người thuê, nhờ đăng tải về các tội danh tương ứng như đã nêu trên”, ông Ninh nói thêm.
Nạn nhân cần làm gì?
Theo luật sư Bùi Xuân Ninh, khi rơi vào trường hợp trên, người bị xúc phạm cần thu thập kịp thời toàn bộ các tài liệu chứng cứ, có thể tiến hành lập vi bằng để lưu giữ chứng cứ về nội dung bêu xấu, những status hoặc bình luận có nội dung xúc phạm, gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của mình.
“Việc lập vi bằng cần phải thực hiện ngay sau khi phát hiện có hành vi xâm phạm, vì nếu để lâu những thông tin đó có thể bị gỡ bỏ, xóa dấu vết.
Nếu không có điều kiện lập vi bằng thì chụp lại màn hình, lưu giữ toàn bộ các thông tin liên quan.
Trường hợp có địa chỉ của người xúc phạm mình, người bị xúc phạm có thể gửi thư, văn bản yêu cầu gỡ ngay các status hoặc bình luận không đúng sự thật”, ông Ninh nói.
Sau đó hệ thống lại toàn bộ chứng cứ và làm đơn tố cáo gửi đến các cơ quan chức năng, yêu cầu xử lý hành vi vi phạm. Khi đó, cơ quan chức năng tùy mức độ vi phạm của người đăng tải mà đưa ra hình thức xử lý.