Nhạc sĩ Lưu Quang Minh và nghệ sĩ trẻ Vũ Thùy Linh vừa góp thêm vào đời sống âm nhạc một album mới mang tên Tơ đồng thánh thót.
Album có4tác phẩm truyền thống do Vũ Thùy Linh thể hiện trên nền nhạc giao hưởng do nhạc sĩ Lưu Quang Minh phối khí gồm: Công cha ngãi mẹ sinh thành (xẩm), Lúng liếng (quan họ), Luyện năm cung (chèo), Chầu Năm suối Lân (chầu văn). Ngoài ra, album còn "bonus" thêm ca khúc Giai điệu Việt Nam mình (sáng tác Tuấn Cry) với giai điệu vui tươi và sôi động, trẻ trung.
Tơ đồng đặc biệt
Có thể nói, Thùy Linh là một trường hợp đặc biệt trong âm nhạc. Cô gái Hà Nội này sinh năm 1999, học thính phòng, tốt nghiệp khoa Sư phạm Âm nhạc tại trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, nhưng lại chọn phong cách dân gian nguyên gốc để "chào sân" thị trường âm nhạc.
Trước khi bắt tay vào thực hiện album, cô "bị" nhạc sĩ Lưu Quang Minh yêu cầu phải học lại âm nhạc truyền thống và phải học đúng những làn điệu cổ nhất, khó nhất và ít người hát nhất.
Nhạc sĩ Lưu Quang Minh và nghệ sĩ trẻ Vũ Thùy Linh. Ảnh: NVCC
Nghe lời nhạc sĩ, Thùy Linh đã tìm đến những người thầy có thể nói là top đầu của dòng nhạc này để "bổ túc âm nhạc dân gian". Đó là NSND Thanh Ngoan (dạy hát chèo), là NSND Thúy Hường - người mà Linh mỗi tuần 3 buổi đi từ Hà Nội về Bắc Ninh gặp để học hát quan họ. Tất cả các bài đều lần đầu Linh được tiếp cận và học từ những thứ sơ đẳng nhất.
Và cả 2 nghệ sĩ đều dành những lời có cánh cho học trò, rằng Vũ Thùy Linh là một trường hợp khá đặc biệt: Hát quan họ thì rất vang, "nảy hạt", còn hát xẩm hay chèo thì kỹ thuật tốt như một "đào hát" thực thụ, ngay cả những người đã học lâu năm chưa chắc đã có kỹ thuật tốt, tiến bộ nhanh như Linh.
Về phần âm nhạc, nhạc sĩ Lưu Quang Minh khi phối khí cho album này đã khéo léo kết hợp chất liệu âm nhạc truyền thống với dàn nhạc giao hưởng, pha trộn cả rock, fusion, world music… làm cho các làn điệu truyền thống mang một hơi thở mới, một màu sắc mới, cảm xúc mới, nhưng không làm mất đi những giá trị truyền thống vốn có của các làn điệu. Bằng chứng: có những nhạc cụ mang tính đặc trưng như trống chèo, tiếng nhị trong xẩm hay tiết tấu quan trọng trong các làn điệu vẫn được nhạc sĩ giữ nguyên.
"Nhiều người cứ nghĩ phối lại một làn điệu truyền thống nào đó là rất đơn giản. Nhưng có làm mới biết, phức tạp vô cùng" - nhạc sĩ chia sẻ - "Chẳng hạn như chèo là khó làm nhất vì tiết tấu trong chèo liên tục đảo trọng âm. Nếu đặt hòa âm đơn giản sẽ không tôn được làn điệu, ngược lại, nếu đặt hòa âm phức tạp quá sẽ biến làn điệu thành một thứ rất… kỳ lạ".
"Nhưng có một điều đặc biệt là, khi đưa các kỹ thuật, nhạc cụ phương Tây vào để biến làn điệu ấy trở nên hợp lý và logic thì cá nhân tôi thấy từ cấu trúc cho đến tiết tấu được ông cha ta tính toán rất… bác học. Thậm chí, có những cấu trúc, tiết tấu âm nhạc phương Tây bây giờ rất hay sử dụng thì trong những làn điệu cổ đã được ông cha ta sử dụng từ lâu rồi" - anh nói thêm.
Đúng và hợp xu hướng
Không phải đến Tơ đồng thánh thót thì âm nhạc truyền thống Việt Nam mới mang hơi thở hiện đại bằng cách hòa âm phối khí lại. Chỉ riêng năm 2024, nhiều tác phẩm âm nhạc truyền thống đã thịnh hành trên các nền tảng nghe nhạc trực tuyến nhờ những bản phối mới, được trình diễn trên các sân khấu lớn, các show ca nhạc đình đám trên truyền hình như Anh trai vượt ngàn chông gai với các tiết mục như Trống cơm, Đào liễu, Chiếc khăn piêu... Trong đó, bài hát Trống cơm "đánh chiếm" vị trí số 1 trên danh mục thịnh hành âm nhạc của YouTube trong vòng một tháng, tạo nên một trào lưu cover sôi nổi trên các nền tảng mạng xã hội.
Vũ Thùy Linh sinh năm 1999, hiện đang học thạc sĩ về lý luận và phương pháp dạy học âm nhạc tại trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật trung ương
Rồi tháng 4 năm nay, nhạc sĩ Ngô Hồng Quang ra mắt dự án gồm album đĩa than Rạng đông (4/2024), ra mắt ban nhạc Thiên Thanh và ngay sau đó tổ chức chương trình nghệ thuật Về Kinh Bắc (diễn ra ngày 18/5) đã nhận được không ít lời khen từ khán giả cũng như giới trong nghề.
Ở đó,Ngô Hồng Quang đã tạo nên một không gian âm nhạc đa sắc màu bằng cách kết hợp nhạc dân ca Việt Nam với âm nhạc phương Tây hiện đại theo một cách diễn đạt mới. Trong đó, Quang đề cao sự hòa hợp của các nhạc cụ dân tộc mà không để cái nào nổi trội hơn cái nào, đặc biệt là trong các tác phẩm mang tính hòa tấu.
"Âm nhạc dân tộc của mình rất đẹp, nhưng để mở rộng sự tiếp cận, để lan toa chất liệu dân gian tới nhiều người hơn nữa thì vẫn cần một sự giao thoa và sử dụng những tư duy âm nhạc mới, mang tính thế giới cũng như một sự cởi mở để làm đẹp âm nhạc của mình hơn bằng những lối diễn đạt âm nhạc quốc tế" - Ngô Hồng Quang từng chia sẻ - "Với cách phát triển và tư sáng tạo mới như thế này, tôi nghĩ, không riêng gì âm nhạc dân tộc Việt Nam được nâng tầm, làm đẹp hơn, giá trị hơn mà con tạo ra một lối trình diễn mới cho các nghệ sĩ nhạc dân tộc mà trong đó họ được tự do sáng tạo, ngẫu hứng bay bổng hơn trên các làn điệu dân ca ngũ cung".
Rõ ràng, mang lại một hơi thở mới, một sức sống mới cho âm nhạc truyền thống là một hướng đi ngày càng được nhiều nghệ sĩ lựa chọn và có độ lan tỏa rộng để tiếp cận được giới trẻ. Trước mắt, cách làm nhạc kiểu này đã đạt được một số kết quả và hiệu ứng nhất định, tạo thành một hướng đi mới trong môi trường âm nhạc trẻ hiện nay.
Và dù sao, đây cũng mới chỉ là bước đầu, vì đa phần mới ở mức độ sử dụng một chút chất liệu hay nói cách khác là mượn hình bóng của nhạc dân tộc. Nếu các tác giả hoặc ca sĩ có thêm thời gian tìm hiểu và đào sâu hơn nữa vào việc sử dụng chất liệu âm nhạc dân tộc thì có lẽ người nghe nhạc còn được hiểu và thấm hơn nữa các chất liệu di sản quý giá của Việt Nam.
"Lưu giữ tốt nhất những giá trị cốt lõi"
"Việc gìn giữ những giá trị truyền thống, những thứ liên quan đến văn hóa của dân tộc là hết sức quan trọng. Dù người nghệ sĩ làm bằng cách mới, cách cũ hay pha trộn đi chăng nữa thì mẫu số chung của việc làm ấy là giúp cho những giá trị truyền thống được lan tỏa.
Âm nhạc dân gian bản chất là truyền miệng (không có nốt nhạc), trong quá trình phát triển của lịch sử, nó đã có sự sai khác, nhưng chắc chắn, bản thân nó luôn có những thứ cơ bản, cốt lõi cần phải được gìn giữ. Điều này chỉ những báu vật sống và những người trực tiếp được truyền dạy bởi những báu vật sống ấy mới hiểu hết, mới lưu giữ tốt nhất những giá trị cốt lõi ấy!" - nhạc sĩ Lưu Quang Minh.