Chuyên mục  


Trung tá Triệu Mạnh Tùng, Phó Cục trưởng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao (A05, Bộ công an) đề cập tình trạng này trong hội thảo Giải pháp bảo vệ khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng, ngày 4/7.

Tội phạm lừa đảo qua mạng không phải là vấn đề riêng của Việt Nam, mà còn của nhiều nước trên thế giới. Lợi dụng tính ẩn danh của không gian mạng, những người này dễ dàng đóng "nhiều vai" khác nhau để thực hiện hành vi. Thậm chí, theo ông Tùng, tội phạm lừa đảo qua mạng hiện này còn trở thành "nghề".

"Khi trở thành một nghề kiếm sống mang lại lợi ích cao, nhiều người tập trung làm 24/7. Đây là điều hết sức nguy hiểm", trung tá Tùng nói.

Nhiều tổ chức lừa đảo qua mạng hiện có quy mô lớn, hoạt động xuyên quốc gia. Như hồi năm ngoái, A05 đã phối hợp Công an Quảng Bình xử lý một nhóm lừa đảo quy mô lên đến 300 người, được gọi là "công ty", có trụ sở văn phòng, ăn trưa ở căng tin. Những tổ chức này phân vai rõ ràng, có những nhóm chuyên nghiên cứu về kịch bản lừa đảo, có nhóm đào tạo nhân viên học việc 2-3 tháng, hướng dẫn từng câu trả lời.

Ông Tùng dẫn chứng, như trường hợp xác thực sinh trắc học của hệ thống ngân hàng gần đây, yêu cầu này ngay lập tức được các kẻ gian lợi dụng. Họ đã gọi điện, tự xưng là nhân viên ngân hàng và yêu cầu người dân gửi thông tin cá nhân, ảnh chụp CCCD để hỗ trợ xác thực sinh trắc học.

"Nhiều khách hàng chỉ cần truy cập vào một đường link liên kết của nhóm này, sau 1-2 giây là có thể mất hết tiền", ông Tùng nói, thêm rằng tội phạm trên không gian mạng không chỉ hoạt động ở Việt Nam mà còn tổ chức ở nước ngoài, nên cơ quan điều tra gặp nhiều khó khăn trong quá trình xử lý.

Hướng dẫn xác thực sinh trắc học trên một ứng dụng ngân hàng. Ảnh: Khương Nha

Trong thông báo ngày 30/6, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) cho biết, lợi dụng tình trạng nhiều khách hàng gặp khó khi làm xác thực sinh trắc học, các nhóm lừa đảo đã giả danh nhân viên ngân hàng để liên hệ hỗ trợ, từ đó chiếm đoạt tài sản, thông tin của người dùng.

Ngoài ảnh CCCD và ảnh khuôn mặt, kẻ gian còn yêu cầu gọi video để thu thập giọng nói, cử chỉ. Những thông tin này sau đó có thể được dùng để mạo danh, chiếm tài khoản hoặc sử dụng vào mục đích xấu khác.

Tại một sự kiện cuối năm 2023, ông Trần Quang Hưng, Phó Cục trưởng An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết ngân hàng ngày càng "mở" hơn, nhưng rủi ro lừa đảo, giả mạo cũng liên tục tăng, với hơn 90% số vụ lừa đảo từ đầu năm nay có liên quan tới lĩnh vực ngân hàng.

Minh Sơn

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020