Chuyên mục  


Trấn Thành: 'Phim tôi càng thành công càng chứng tỏ người Việt có vấn đề tâm lý'

Trấn Thành cho rằng càng nhiều người đồng cảm với sự day dứt của hai nhân vật chính trong 'Bố già' thì càng chứng tỏ Việt Nam có nhiều người chưa biết cách thể hiện sự yêu thương với người thân.

MC Trấn Thành.

- Là MC hàng đầu, thậm chí được ví như "ông vua không ngai" của các gameshow truyền hình, anh có mục đích gì khi quyết định làm phim 'Bố già' với cùng lúc ba vai trò nhà sản xuất, đạo diễn và diễn viên?

- Tôi là một nghệ sĩ không bao giờ bằng lòng với những gì mình có, luôn thấy mình phải làm cái gì đó tốt hơn. Đó là động lực để tôi thấy mình sống có ý nghĩa cho ngày mai. Bằng lòng với hiện tại chính là làm cho cuộc sống của mình nhàm chán. Vì thế, tôi luôn muốn tìm một đỉnh cao mới, nẻo đường mới để chinh phục. Điện ảnh là mảnh đất rất bao la nên tôi nghĩ lãnh địa đó rất thú vị.

- Tại sao lại là điện ảnh mà không phải là một lĩnh vực khác?

- Vì đó là nơi tôi có đủ phương tiện để đi đứng.

- Anh đã kể một câu chuyện cảm động, khiến nhiều người tâm sự rằng họ tốn hàng gói khăn giấy để lau nước mắt trong rạp. Câu chuyện đó có liên quan gì đến cuộc sống của anh ở ngoài đời?

- Nhân vật Woắn cũng như tôi của hồi trẻ và Ba Sang chứa đựng cả hình ảnh của ba lẫn mẹ tôi. Tôi đã pha trộn nhiều nét tính cách của ba mẹ mình vào nhân vật để tạo nên một ông bố không những gia trưởng mà còn nhẫn nhục, không chịu xài tiền, lúc nào cũng đắm đuối nghĩ cho đại gia đình. Khi sử dụng các chất liệu của đời thật, tôi muốn khán giả có thể nhìn thấy cả bố lẫn mẹ của chính họ trong đó. Bộ phim miêu tả sự áp đặt của bố mẹ, sự ngông cuồng và bốc đồng của đứa con ở giai đoạn chưa đủ chín chắn. Đó là một câu chuyện được tạo nên từ chất liệu cá nhân nhưng lại là câu chuyện của rất nhiều người. Tôi nghĩ rằng, đi vào từng cá nhân chính là chất liệu sáng tạo thú vị nhất cho điện ảnh vì nó có thể không giống ai về cách xử lý nhưng nhất định sẽ giống tất cả mọi người về tình huống và hoàn cảnh quy định.

- Sau khi đi qua rất nhiều thăng trầm, biến cố của cuộc sống, nhân vật Woắn mới thấy hối hận vì đã cư xử không đúng, vô tâm với cha, còn anh thì sao?

- Nếu tôi chưa trải qua những cảm xúc ấy thì chắc chắn tôi không thể làm được phim như vậy. Tôi trả lời tất cả những hối hận của mình với bố mẹ bằng tác phẩm vừa rồi. May mắn cho tôi là trước khi làm phim Bố già, tôi đã có trí tuệ để nhận ra điều này sớm và mối quan hệ với bố đã đỡ hơn rất nhiều. Bố mẹ và tôi giờ nói chuyện với nhau rất ôn hòa, ít nhất là không phải quát tháo nhau như trước.

- Nghĩa là anh đã có thời gian trải qua mâu thuẫn, quát tháo với bố mẹ?

- Luôn là vậy. Người Việt nói riêng và người châu Á nói chung là vậy. Tôi giờ nhận ra quan trọng nhất là phải biết nói chuyện với nhau trong ôn hòa, thể hiện tình yêu thương đúng cách. Vợ chính là người khiến tôi phải nhìn lại mình và thay đổi trong cách ứng xử với người thân.

Vợ tôi có ký ức không mấy tốt đẹp về bạo hành gia đình nên không thích nghe quát tháo. Mỗi khi tôi nổi nóng, cô ấy luôn nói rằng không thể tiếp nhận thêm bất kỳ thông tin nào. Nếu tôi to tiếng, dù cho tôi đúng thì cô ấy cũng không muốn nghe. Nếu yêu vợ thì tôi phải tôn trọng điều đó. Tôi thay đổi mỗi ngày để bớt nóng nảy và hiểu rằng nếu cần gì thì phải nói ra, chẳng việc gì phải quát vào mặt nhau. Từ khi luyện được như vậy, tôi thấy cuộc sống của mình tốt hơn nhiều.

- Từ khi lấy vợ, mối quan hệ của anh và bố mẹ thay đổi như thế nào?

- Tôi cho bố mẹ không gian riêng bằng cách dọn ra ngoài sống. Tôi khác quan điểm của những người cho rằng cứ phải ở bên cạnh để phụng dưỡng cha mẹ hàng ngày mới là có hiếu. Bố mẹ tôi đâu đã quá già nên tôi cho họ không gian để có nhiều thời gian nghĩ cho bản thân nhiều hơn. Nếu vợ chồng tôi ở nhà, bố mẹ sẽ chỉ muốn chăm sóc cho các con mà thôi. Chính vì vậy, tôi phải thay đổi tư duy đó bằng cách cho họ cơ hội sống cuộc sống của mình với những chuyến đi chơi và bạn bè riêng. Đừng để niềm vui của bố mẹ chỉ là chăm sóc mình. Hơn nữa, khi ở chung, dù muốn dù không cũng là hai thế hệ và sẽ có sự khác biệt, tranh cãi nhau trong sinh hoạt còn khi dọn ra ngoài, bất kỳ ngày nào về thăm bố mẹ cũng sẽ là ngày vui.

- Nhìn lại những gì đã trải qua, còn điều gì khiến anh vẫn thấy day dứt với bố mẹ?

- Tôi có thể tự hào nói rằng mình chưa làm điều gì có lỗi khủng khiếp với bố mẹ. Điều duy nhất khiến tôi phải day dứt đó là tại sao mình không làm những điều này sớm hơn để bố mẹ được tận hưởng tất cả những gì đang có sớm hơn. Giờ nhìn bố mẹ đều đã ngoài 60, tôi thấy dù không phải muộn nhưng cũng chẳng còn sớm nữa. Thời gian của bố mẹ trôi đi nhanh lắm. Giá tôi thành công sớm hơn thì bố mẹ đã có nhiều thời gian để tận hưởng hơn.

- Nếu quay ngược thời gian, anh muốn thành công đến với mình sớm hơn hay biết quan tâm đến bố mẹ sớm hơn?

- Tôi nghĩ không ai tự hiểu giá trị của cuộc sống nếu không trải qua thất bại rồi mới đến thành công. Chỉ như thế, người ta mới hiểu cuộc sống này khắc nghiệt như thế nào và nhận ra bố mẹ đã làm điều gì cho mình. Nếu đang trên con đường tìm kiếm thành công, bạn dù có thương bố mẹ cỡ nào cũng chỉ là sự yêu thương cơ bản, yêu thương theo thói quen chứ không thực sự hiểu mình có thể làm được gì cho bố mẹ. Khi bạn thành công, bố mẹ bớt lo cho bạn thì đó mới là cột mốc đầu tiên bảo chứng cho việc bạn có đủ tư thế để nói với bố mẹ rằng: "Tôi đã ổn rồi, anh chị ổn chưa, anh chị theo tôi nhé".

- Bố mẹ anh đón nhận bộ phim 'Bố già' như thế nào?

- Đó là lần đầu tiên trong đời tôi thấy bố mình khóc nhiều như vậy. Sau khi phim kết thúc, bố lao lên ôm tôi và khóc nấc lên trước mặt mọi người trong khi suốt bao năm nay, ông luôn chọn cách đứng từ xa để lén lút vui hoặc gạt nước mắt nhìn thành công của con. Khi đó, tôi vỡ oà vì cảm giác bố hiểu mình.

- Anh nhận ra những thay đổi gì ở bố mẹ mình sau đó?

- Mẹ tôi giờ ngày ngày gửi các bài báo về tôi hoặc bộ phim vào mỗi sáng. Tôi thậm chí không cần phải lên báo tìm vì đã có mẹ gửi hết cho xem. Mẹ cứ cần mẫn như một cô thư ký dù không được trả lương (cười).

Thay vì hay quát tháo như trước kia, bố tôi giờ nói chuyện nhỏ nhẹ hơn hệt như một cô gái đang tuổi xuân thì. Ông còn thỉnh thoảng nhắn tin hỏi thăm con trai. Có lần, bố nhắn rằng: "Bố mới hầm một bát bào ngư, con có ăn không để bố gửi sang". Tôi bảo ăn rồi, bố cũng khăng khăng: "Để bố gửi sang rồi nhỡ tối con đói thì ăn". Tôi thấy buồn cười lắm vì bố mẹ giờ cứ như mấy cô bồ nhí của mình.

Tôi nghĩ không chỉ riêng bố mẹ tôi mà ai đi xem phim này về cũng sẽ thay đổi suy nghĩ về cuộc sống và gia đình. Bộ phim của tôi càng thành công thì chứng tỏ người Việt có vấn đề về tâm lý càng lớn. Người đi xem càng đông thì càng nhiều người có vấn đề về tâm lý nên mới tìm thấy sự đồng cảm. Trong niềm vui, tôi thấy tủi thân vì nhận ra nước mình khổ quá, cuộc sống khắc nghiệt với người dân quá. Nhiều gia đình không hiểu cách để tạo hạnh phúc cho nhau và quá nhiều người mắc kẹt trong điều đó. Tôi thật sự muốn đóng góp các tác phẩm điện ảnh của mình để mọi người thấy được những cảm nhận của mình để từ đó tất cả cùng thay đổi để yêu thương nhau một cách nhẹ nhàng hơn, cùng nhau làm những điều tốt đẹp thay vì quát tháo. Hạnh phúc không phải là điều mình tìm kiếm khi bế tắc mà phải vun đắp cho nó mỗi ngày.

 
 
Trấn Thành: 'Tôi không muốn rao giảng đạo lý cho ai nghe'
Trấn Thành: 'Tôi không làm phim để rao giảng đạo lý'

- 'Bố già' của anh đã trở thành bộ phim Việt Nam có doanh thu cao nhất mọi thời đại, cảm giác khi đứng ở đỉnh cao thế nào?

- Trước tiên hạnh phúc đã, vì ít nhất tôi đã làm được một điều ý nghĩa cho điện ảnh Việt Nam. Sau mùa dịch, lôi được khán giả ra rạp khó lắm. Làm được như vậy là ngoài sức mong đợi của tôi cũng như đoàn phim và ngành điện ảnh. Kế tiếp là cảm giác áp lực cho những gì kế tiếp vì tôi biết khán giả sẽ trông đợi ở mình nhiều hơn.

Tôi sẽ tạo ra một trường phái phim Trấn Thành. Khi xem phim, các bạn chắc chắn sẽ đoán ra đạo diễn là ai. Phim của tôi chỉ xoay quanh cuộc sống, tư duy và con người mà thôi.

- Anh làm MC cũng dẫn đầu với hàng loạt chương trình ăn khách và giờ làm phim cũng dẫn đầu. Đã dẫn đầu rồi, anh còn muốn đi đâu nữa?

- Điện ảnh là lĩnh vực tôi mới theo đuổi nên con đường phía trước còn dài lắm. Điện ảnh thế giới đã cao lớn lắm rồi, chúng ta mới chỉ đến hông người ta thôi nên tôi còn nhiều điều để học hỏi, nhiều đỉnh cao mới để vươn lên. Nếu cuộc sống đưa ta đến một lãnh thổ mới và không tìm được lối ra thì đừng nên vội mừng vì cuộc sống sẽ còn đưa mình đến nhiều con đường khác.

- Sau tất cả những gì đã trải qua trong 15 năm làm nghệ thuật, đâu là điều anh mong mỏi nhất?

- Điều lớn nhất trong cuộc đời tôi muốn đạt được là có tiếng nói đủ uy tín, chân thành để khi chia sẻ một quan niệm sống nào đó, thế giới sẽ cùng tôi chia sẻ về nó chứ không phải nghĩ rằng Trấn Thành đang giáo điều, triết lý hay giảng đạo lý cho người khác nghe.

Trong mùa Covid-19, tôi đã chứng kiến bao nhiêu người thất bại, phá sản, gặp biến cố còn tôi thì hạnh phúc với tác phẩm thành công. Điều đó khiến tôi càng khẳng định được rằng cuộc đời này đã ưu ái và cho Trấn Thành quá nhiều điều rồi. Vì vậy, tôi muốn sống để cho đi, cùng họ cảm nhận suy nghĩ của mình. Họ phải thay đổi tư duy thì mới thay đổi trong hành động được. Tôi thấy mình không giỏi hơn ai nên không muốn giáo điều mà chỉ là muốn chia sẻ những gì mình nghĩ mà thôi.

Chi Yên

Ảnh: Phạm Chiểu

Video: Nguyên An - Phạm Chiểu

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020