Nhân dịp "Tây Du Ký" được phát sóng lại trên truyền hình, chúng tôi xin gửi tới quý độc giả tuyến bài phỏng vấn độc quyền dàn diễn viên của bộ phim kinh điển này.
Đây là tuyến bài được phóng viên Việt Nam thực hiện từ Bắc Kinh - Trung Quốc, mang đến nhiều góc nhìn thú vị, kiến giải độc đáo và các bí mật chưa từng được hé lộ của những nhân thân thuộc với tuổi thơ của nhiều thế hệ khán giả như Đường Tăng, Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, Sa Tăng...
Tây Du Ký không chỉ là bộ phim kinh điển, mà còn rất đặc biệt, bởi hiếm có bộ phim hình phải mất đến 17 năm mới hoàn thành, với dàn nhân vật chính từ Đường Tăng, Trư Bát Giới đến Sa Tăng đều do nhiều diễn viên luân phiên thủ vai.
Nghệ sĩ Lưu Đại Cương là người thứ hai đảm nhận vai Sa Tăng trong Tây Du Ký. Trước ông, nghệ sĩ Diêm Hoài Lễ từng rất xuất sắc khi hóa thân thành nhân vật này. Tuy nhiên sau này, vì Diêm Hoài Lễ tuổi cao sức yếu, không thể tiếp tục theo đoàn nên Lưu Đại Cương được lựa chọn thay thế.
Đối với nghệ sĩ Lưu Đại Cương, đây là may mắn nhưng cũng là áp lực, bởi trước đó hình tượng Sa Tăng của Diêm Hoài Lễ đã in sâu vào tâm trí khán giả. Đã có những sự so sánh, những bình luận tiêu cực và cả lời chê bai dành cho ông, nhưng Lưu Đại Cương luôn đối diện với thái độ tích cực.
Trong cuộc trò chuyện, khi chúng tôi đề cập đến chuyện bị "đặt lên bàn cân" so sánh với đàn anh, nghệ sĩ Lưu Đại Cương không hề né tránh mà thẳng thắn bày tỏ quan điểm.
Phóng viên Việt Nam trò chuyện với nghệ sĩ Lưu Đại Cương - diễn viên vào vai Sa Tăng trong Tây Du Ký tại nhà riêng của ông ở Bắc Kinh.
Nghệ sĩ Diêm Hoài Lễ qua đời vào năm 2009, vậy là anh ấy đã rời xa chúng ta hơn 10 năm rồi. Hiện tại, diễn viên đóng Sa Tăng chỉ còn một mình tôi thôi.
Tây Du Ký được quay trong hoàn cảnh đặc biệt, tại thời điểm đặc biệt. Vì thế không chỉ riêng Sa Tăng, mà Đường Tăng cũng có tới 3 người đóng, còn Trư Bát Giới là 2 người đóng.
Khi tôi thay thế anh Diêm Hoài Lễ, nhiều người so sánh và chê bai, bởi khán giả đã quen thuộc với hình ảnh Sa Tăng của anh Hoài Lễ. Tuy nhiên, tôi nghĩ mỗi người chúng tôi đều có những nét duyên riêng.
Anh Diêm Hoài Lễ là diễn viên kịch nói, con tôi là diễn viên hý kịch. Vì thế chúng tôi học hỏi lẫn nhau, lấy sở trường bù sở đoản.
Là một diễn viên hý kịch, nên tôi có thể biểu diễn võ thuật. Đa số các cảnh võ thuật trong phim là do tôi tự thực hiện, hiếm khi tôi phải sử dụng đến người đóng thế.
Về điểm này thì anh Diễm Hoài Lễ không làm được như tôi. Anh ấy đóng Tây Du Ký khi tuổi đã cao, lúc đó muốn luyện võ để thực hiện các cảnh võ thuật thì cũng không kịp. Trong khi đó, tôi lại luyện võ từ bé nên chuyện này không phải là trở ngại với tôi.
Tôi hiểu mong muốn của đạo diễn Dương Khiết. Bà lựa chọn tôi là vì muốn tôi phát huy được sở trường của mình, phải đánh thật làm thật. Khi đánh thật thì máy quay mới có thể quay cận tôi, còn nếu sử dụng diễn viên đóng thế thì chỉ có thể quay cảnh toàn, như vậy tôi có khác nào là diễn viên khách mời đâu.
Khi quay cảnh võ thuật, chuyện bị thương là không thể tránh khỏi. Ví dụ, tôi phải quay rất nhiều cảnh ở vách núi cao ven biển, gió ở đó toàn cấp 5, cấp 6, đi còn được vài bước hành lý gánh trên vai đã lộn nhào.
Dù đạo diễn không bắt tôi phải quay cảnh này, nhưng tôi vẫn quyết tâm làm, bởi như vậy mới có thể đem đến những cảnh quay chân thực, để mọi người có thể thấy một Sa Tăng gánh hành lý vượt qua gềnh thác. Tôi hóa thân thành nhân vật, nên phải sống cùng nhân vật.
Đóng cảnh bình thường đã vậy, với cảnh võ thuật lại càng khó hơn. Vì thế chuyện bị thương thường xuyên xảy đến với chúng tôi.
Nhưng tôi luôn tự nhủ rằng dù có chịu khổ chút cũng không sao, chỉ cần khán giả yêu thích bộ phim, yêu thích vai diễn của tôi là tôi đã hạnh phúc và vinh dự lắm rồi. Bởi như vậy tức là công sức mà tôi bỏ ra không bị phí hoài, tôi cũng không phụ sự kỳ vọng mà đạo diễn dành cho mình.
Clip phỏng vấn độc quyền Sa Tăng "Lưu Đại Cương"
Đạo diễn Dương Khiết chọn diễn viên thay thế anh Diêm Hoài Lễ trên khắp cả nước. Khi đó bà chọn tôi thử vai, nhưng không có nghĩa là tôi được nhận rồi, bởi trước tôi còn có mười mấy diễn viên nữa cũng đến thử. Bà phải so sánh trước sau.
Biết tôi xuất thân là diễn viên hý kịch, nên bà đưa đạo cụ cho tôi bảo tôi đánh thử. Lúc ấy, tôi cũng không biết mục đích để làm gì. Sau đó, bà mới cho tôi đi tạo hình.
Khi hóa trang, tôi còn nghĩ hóa trang cái gì vậy, đánh đấm làm cái gì. Phải đến khi tạo hình xong, tôi mới biết mình đóng vai Sa Tăng. Tạo hình của tôi rất giống, không chỉ đạo diễn Dương Khiết, mà cả nhân viên hóa trang cũng đều đến xem, tính ra phải đến mười mấy người.
Mọi người còn chụp ảnh tôi, rồi nhanh chóng gửi cho ông Vương Sùng Thu - chồng của đạo diễn Dương Khiết đi rửa.
Sau khi rửa xong, ảnh tiếp tục được gửi cho giám đốc đài trung ương xem. Vì có một số vai diễn quan trọng phải qua sự phê duyệt của giám đốc đài mới được quay. còn những vai khác thì đạo diễn có thể tự quyết định.
Tôi còn nhớ 11 giờ đêm hôm đó, tôi đã nằm ngủ mơ màng ngủ rồi thì đạo diễn Dương Khiết bất ngờ gọi điện tới.
Bà nói với tôi vài câu đơn giản thôi: "Này Đại Cương, vai diễn của anh đã được quyết định rồi. Anh đừng nói chuyện thù lao với tôi, chẳng có thù lao mấy đâu, không cao đâu. Anh đừng có nói chuyện thù lao đấy nhé".
Thấy thế, tôi liền bảo: "Đạo diễn à, tôi nào có nhắc đến thù lao gì đâu, là chị nói đấy chứ". Nhưng bà vẫn nhắc đi nhắc lại: "Này tôi nói anh nghe, không nói chuyện thù lao đâu nhé". Cuối cùng, tôi đành đáp: "Vâng, tôi không bàn đến thù lao gì đâu".
Khi đó, tôi nghĩ thế này, chuyện thù lao không chỉ riêng mình tôi, mà các diễn viên khác cũng vậy thôi. Thời ấy, mọi người đều biết thù lao đóng phim cho đài truyền hình trung ương không cao.
Nhưng chúng tôi đều có thái độ rất tích cực, vì được đóng phim đã là vui lắm rồi, cần gì bàn đến thù lao. Vai diễn tốt, mà lại cứ tính toán thù lao thì sẽ rất lãng phí thời gian, lãng phí cơ hội.
Thời đó, điều kiện làm phim không được tốt như bây giờ, không có đường cao tốc, cũng chẳng có ô tô, máy bay để di chuyển thuận lợi. Thậm chí, cả đoàn chúng tôi cũng chỉ có duy nhất một chiếc máy quay, phải xoay xở quay ngược quay xuôi.
Điều kiện nghèo nàn như thế mà vẫn tạo nên một bộ phim có hiệu ứng tốt đến vậy, thực sự là chuyện khiến nhiều người phải kinh ngạc. Tôi nghĩ thành quả này đến từ sự nỗ lực, đoàn kết của cả đoàn phim.
Chúng tôi luôn đối diện với khó khăn bằng thái độ tích cực nhất. Nếu gặp trở ngại mà lại nói như anh chàng Trư Bát Giới: "Anh về sông Lưu Hà của anh, tôi về Cao Lão Trang của tôi" thì thôi xong rồi.
Chúng tôi có sức mạnh của tinh thần đoàn kết, dám chịu khó chịu khổ, cũng giống như bốn thầy trò Đường Tăng đi thỉnh kinh, trên đường gặp phải 81 kiếp nạn, những vẫn đồng sức đồng lòng, không ngại gian khổ hiểm nguy.
Về vai diễn Sa Tăng của tôi, có người cho rằng nhân vật này ít lời thoại, ít đất diễn, "nhạt" nhất trong 4 thầy trò, nhưng tôi không đồng ý với điều đó. Bởi đối với diễn viên mà nói, nhân vật càng ít lời thoại càng khó diễn.
Ít lời thoại không có nghĩa rằng nhân vật chỉ là "đạo cụ sống", không có vai trò gì trong bộ phim. Bởi có những khi chỉ một ánh mắt, một câu thoại cũng thể hiện được nội tâm của nhân vật.
Trong Tây Du Ký, Sa Tăng thực ra là nhân vật có cá tính rõ ràng, không hề nhạt nhòa. Anh ta chăm chỉ cần cù, kính trọng sư phụ, luôn ở bên cạnh bảo vệ, chăm lo cho sư phụ.
Sa Tăng cũng thường là người đóng vai trò hòa giải trong nhóm mỗi khi xảy ra vấn đề. Vì thế tôi cho rằng nhân vật này không hề dễ diễn đâu.
Bản thân tôi cũng phải học tập rất nhiều đức tính đáng quý của Sa Tăng. Đó là sự chịu thương chịu khó, chăm chỉ cần cù, kính trọng người trên và không bao giờ ca thán.
Chúng ta đừng nên đòi hỏi điều gì khi chưa làm tốt công việc của mình. Cũng giống như diễn viên chúng tôi, nếu muốn nhận thù lao cao thì phải đóng phim cho hay.
Tôi cho rằng trong xã hội ngày nay, mọi người cần có tinh thần làm việc giống như Sa Tăng. Chúng ta nên chăm chỉ yêu nghề, kính trọng lãnh đạo, cấp trên, làm việc gì cũng giữ thái độ ôn hòa, vui vẻ, không nên ghen tức, ấm ức trong lòng.