"Mẹ con mày cứ như mẹ ghẻ con chồng"
NSƯT Quỳnh Hương sinh năm 1977 tại TPHCM. Chị sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống về hát bội. Dù vậy, tuổi thơ của Quỳnh Hương lại gắn liền với cải lương.
Nhà Quỳnh Hương ngày đó nghèo lắm. Mẹ chị phải trồng nấm mèo đem bán. Trong nhà, ngoài bàn thờ gia tiên, chỗ nào cũng treo lủng lẳng nấm mèo. Buổi tối, mấy chị em Quỳnh Hương phải giăng mùng ngoài sân ngủ. Thế nhưng tuổi thơ của cô bé ấy vẫn ngập tràn lời ca tiếng hát.
Quỳnh Hương mê cải lương lắm. Cha mẹ cho bao nhiêu tiền, cô bé chỉ mua đĩa cải lương về nghe rồi cùng đám bạn chơi trò "diễn tuồng", lấy cây giang làm kiếm, chăn mền làm áo choàng đánh trận.
Quỳnh Hương mải chơi quên cả nấu cơm, trưa về bị mẹ bắt trồng cây chuối, chống đầu xuống đất, đưa chân dựa vào tường mà đánh. Quỳnh Hương bị đánh nhiều tới mức cha bảo "mẹ con mày cứ như mẹ ghẻ con chồng".
Có lần bị đòn đau quá, Quỳnh Hương đòi bỏ nhà đi nhưng khi lớn rồi, chị mới hiểu, mẹ làm việc quần quật từ sớm tới khuya, cốt lo cơm áo gạo tiền cho gia đình mà con mải chơi, tới bữa cơm cũng quên nấu nên giận mà nổi nóng, chứ mẹ nào chẳng thương con.
NSƯT Quỳnh Hương
Nấu cơm, giặt giũ cho bạn để không bị đói
Học hết lớp 9, Quỳnh Hương thi đỗ vào trường Nghệ thuật Sân khấu 2 (nay là Đại học Sân khấu Điện ảnh TPHCM) khoa cải lương. Họ nội họ ngoại đều làm nghệ thuật nhưng cơm không đủ ăn nên mẹ chị quyết phản đối con gái dấn thân vào con đường ca hát.
Thế nhưng, cha lại lén cho con tiền và chở đi học. Thời gian đầu, sáng nào cha cũng lọc cọc đạp mấy chục km chở Quỳnh Hương đi học. Hết học kỳ 1, Quỳnh Hương xin ở ký túc xá để cha khỏi cực. Mẹ chị lúc ấy thấy không cản được con, cũng đem bán chiếc vòng đeo tay tích cóp bao nhiêu năm để đóng học phí.
-
Hồng Tơ: "Tôi ân hận và buồn lắm"
-
Hình ảnh hậu trường hài hước của những đoàn làm phim nghèo
-
Tôi không chấp nhận diễn viên nào có cát xê cao hơn Thành Lộc. Tôi sẽ bảo vệ anh Lộc bằng mọi giá!
Ở chung phòng với Quỳnh Hương là một cô bạn người Thanh Hóa, gia đình khá giả. Để được "ăn ké", Quỳnh Hương nhận nấu cơm, giặt giũ quần áo cho bạn.
Năm 2, vì không có tiền học phí, Quỳnh Hương bỏ học theo bạn xuống đoàn tỉnh Long Giang hát, nhưng đó lại là một đoàn hát ế ẩm, tới lương cũng không có để trả cho nghệ sĩ.
Suốt mấy tháng trời, ngày nào Quỳnh Hương cũng chỉ ăn mỗi một món là cá vì không có tiền đi chợ. Hát ở đâu, cả đoàn ngủ ở đó, người nằm võng, kẻ trải chiếu nằm đình chùa bãi bến, cũng có khi xin nhờ nhà dân.
"Lần đó đoàn hát ở Tiền Giang, tôi điện thoại xin cha cho về đi học lại. Cuộc sống cơ cực là một lẽ, nhưng nghe đào chính hát, tôi thấy mình non nghề. Tôi nghĩ, nếu muốn theo nghề này thì nhất định phải học tiếp.
Cha tôi chạy xuống Tiền Giang cho 300.000 đồng rồi chở hết đồ đạc về để tôi đón xe lên Sài Gòn. Cả lớp lúc đó chỉ còn 5 người nên nhà trường đồng ý cho tôi quay lại học tiếp", Quỳnh Hương nhớ lại.
Quỳnh Hương tốt nghiệp ra trường đúng thời điểm cải lương bắt đầu có những đêm phải trả vé vì vắng khán giả, "trầy vi tróc vảy", chị mới trở thành diễn viên chính thức của Nhà hát Trần Hữu Trang.
Cực khổ là thế nhưng Quỳnh Hương vẫn miệt mài nuôi dưỡng đam mê. Bởi, chị với cải lương như có nghiệp từ kiếp trước. Ra sân khấu, "Hả họng là hát. Hát xong vô cánh gà không nhớ mình vừa hát gì". Quỳnh Hương không bao giờ học tuồng, chỉ cần ngó qua là nhớ từng câu ca, nhưng hễ khép màn sân khấu là chị cũng quên luôn, không nhớ gì nữa.
Quỳnh Hương trên sân khấu cải lương.
NSƯT cải lương tấu hài duyên dáng
Quỳnh Hương bén duyên với vai già từ thời còn rất trẻ. Gương mặt khắc khổ, vóc dáng gầy gò là lợi thế của chị cho những vai như thế. Thôi thì không làm đào đẹp, đào thương thì làm đào mụ, đào độc, đào lẳng.
Hơn 20 năm theo nghề, chị 5 lần được trao huy chương vàng tại các hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc. Năm 2015, Quỳnh Hương được phong tặng danh hiệu NSƯT.
Đang lúc có chút tên tuổi thì Quỳnh Hương bị viêm họng hạt ở dây thanh quản, hát bị khàn và không ngân được. Với một diễn viên cải lương, đó gần như là án tử.
Chị kể "Lúc đó tôi sợ lắm, nghĩ mình đã xấu chỉ có giọng hát thôi, giờ mà không ca được thì biết làm sao".
Hồi đó, tấu hài đang lên. Nhóm hài Trung Dân là một trong những nhóm hoạt động mạnh và đắt show lúc bấy giờ.
Trước đó, nghệ sĩ Trung Dân từng mời Quỳnh Hương tham gia nhóm hài của anh nhưng chị từ chối vì còn mê cải lương. Sau biến cố này, một phần vì không ca hay được như trước, phần vì đã nản chí với cải lương nên chị quyết định nhận lời.
Quỳnh Hương chia sẻ: "Cũng có người hỏi tôi, là diễn viên cải lương mà phải theo tấu hài kiếm cơm có buồn không? Thực lòng tôi không buồn.
Qua lãnh vực kịch nói và hài, tôi vẫn đóng vai già nhưng tính cách phong phú hơn. Từ những bà già tưng tửng đến những bà giá khó chịu… còn bên cải lương hễ tôi đóng già là chỉ có một kiểu: nghèo, ho sặc máu rồi chết.
Đã xấu còn đóng nghèo riết nên nhiều lúc tôi có cảm giác mình bước ra đời, cái xấu cái nghèo nó đeo đẳng theo mình hoài khiến mình khổ như những vai diễn".
Quỳnh Hương tham gia Ơn giời, cậu đây rồi. Lối diễn hài hước tưng tửng của Quỳnh Hương đã khiến Trấn Thành nhiều phen "cứng họng" còn giám khảo Hoài Linh và khán giả bật cười khanh khách.
Quỳnh Hương ảnh hưởng nhiều lối diễn hài của nghệ sĩ Trung Dân. Bằng lối diễn tự nhiên, tưng tửng như "ông thầy" Trung Dân, Quỳnh Hương luôn khiến người xem cười ngặt nghẽo và lắng lòng sau những câu chuyện bình dị đậm tình người ở từng tiểu phẩm.
Đặc biệt, Quỳnh Hương thường khéo léo lồng những câu ca vọng cổ mùi mẫn vào trong tiểu phẩm khiến phần biểu diễn của chị trở nên đặc sắc và ấn tượng hơn. Bên cạnh diễn hài, Quỳnh Hương còn đắt show gameshow và các vở kịch dài.
Trong thời buổi làm nghệ thuật khó trăm bề, khủng hoảng thừa diễn viên như thế này, được đi làm thường xuyên đã là một ân phúc của Tổ nghiệp rồi! Quỳnh Hương không mong cầu gì hơn nữa.
Bị bạn trai ruồng bỏ vì người thứ 3, ngoài 40 tuổi vẫn không lấy chồng
Con đường nghệ thuật của Quỳnh Hương chẳng những nhiều chông gai mà đường tình ái cũng nhạt nhòa nước mắt, khổ đau tận cùng của sự phụ bạc.
Mối tình đầu của Quỳnh Hương kéo dài 7 năm. Người yêu chị là bạn học chung trường sân khấu. Lúc đó, cả hai còn nghèo và chưa có sự nghiệp. Trong khi Quỳnh Hương không nản chí thì người yêu lại không có ý chí phấn đấu.
Thiếu thốn tiền bạc chị vẫn chấp nhận, khổ sở thế nào cũng không kêu. Trong lúc khốn khổ nhất, Quỳnh Hương không bỏ người ta. Thế mà khi người ta quyết tâm thay đổi thì Quỳnh Hương lại thay lòng.
Kể từ khi thương người đàn ông khác, bao nhiên bất mãn trong lòng chị với bạn trai bỗng dưng trỗi dậy. Chị nhất quyết đòi chia tay.
Dù bây giờ, người bạn trai ấy đã có vợ con, dù mỗi lần người bạn trai đó gặp khó khăn, chị vẫn sẵn lòng giúp đỡ... nhưng cái cảm giác mình là người xấu trong câu chuyện năm nào vẫn đeo bám chị như là một tội lỗi khó lòng thứ tha.
Quỳnh Hương có thể làm cho người xem cười khanh khách nhưng cũng rớt nước mắt ngay chỉ trong tích tắc vì lối diễn quá ư tự nhiên và cảm xúc.
Quen người mới, chị lo lắng, chăm sóc, yêu thương hết lòng. Ngỡ đã tìm đúng người, nào ngờ người đó lại khiến chị tổn thương sâu sắc. Quỳnh Hương bị bạn trai bỏ một cách tàn nhẫn và nặng nề gấp cả trăm ngàn lần cách chị chia tay người cũ.
Sau 8 năm yêu nhau, bạn trai của Quỳnh Hương có người mới nên đòi chia tay chị dù giữa hai người lúc đó không có bất cứ xích mích gì. Quỳnh Hương xin 30 phút để nói chuyện lần cuối cho mọi thứ rõ ràng nhưng đó cũng là cuộc nói chuyện khiến chị đau tim nhất.
Chị xin người ta ôm chị lần cuối, bởi chị biết khi hai người rời khỏi đó, sẽ chẳng còn gì hết, nhưng người ta phũ phàng nói: "Tao không có cảm giác với mày, giờ trời có xúi tao cũng không làm được, mày đừng ép tao".
Quỳnh Hương không buồn vì bị ruồng bỏ nhưng chị buồn rất nhiều về cách người đó chia tay. Những tháng ngày dài sau đó, Quỳnh Hương vùi mình trong nước mắt.
Quá đau lòng khi nhìn thấy con gái như thế, cha của chị đã nói: "Cha nói với con nốt lần này, nếu con còn khóc nữa thì con là đứa hư. Người đó ở bên cạnh, con lo cho nó từng miếng ăn giấc ngủ nên khi chia tay, nó mất chứ con có mất đâu mà khóc.
Con xin Quan âm Bồ tát đi, nếu gánh nặng đó không phải của con thì cho con bỏ xuống, đừng đeo lên làm gì nữa. Con làm thế không phải yêu người ta đâu. Nếu người ta ở bên cô gái đó thấy vui thì con phải vui vẻ chúc phúc cho người ta".
Thế rồi, ngày người đó làm đám cưới, Quỳnh Hương không được mời nhưng chị vẫn quyết định tới dự sau rất nhiều đắn đo.
Vừa gặp lại, có tiếng nói trong đầu chị vang lên "sao ngày xưa mày ngu dữ vậy". Quỳnh Hương về kể với cha. Cha chị bảo "đó là kiếp trước con nợ người ta nên kiếp này họ tới đòi. Đòi hết rồi họ đi. Con có trả dư họ cũng không lấy".
Đã 10 năm sau cuộc tình ấy, Quỳnh Hương vẫn chưa quen ai. Không phải Quỳnh Hương không mở lòng mà chị đã lỡ thì con gái. Nhưng Quỳnh Hương chấp nhận, bởi chị nghĩ đó là duyên số, là định mệnh. Chắc kiếp trước chị nghiệp dày phước mỏng nên kiếp này phải trả. Thế thôi!