NSND là 'Vua hài đất Bắc': Từng giữ quyền Giám đốc, U70 không con cái nhưng vẫn sống bình yênĐọc ngay
Vừa qua, NSND Tự Long đã có màn trình diễn vô cùng ấn tượng ca khúc Trống cơm tại chương trình Anh trai vượt ngàn chông gai.
Ngay sau đó, Tự Long đã tới xin ý kiến của danh hài Xuân Hinh về màn trình diễn, với thái độ vô cùng lễ phép, kính trọng. Điều này cho thấy, danh hài đàn anh có vị trí đặc biệt trong nghề với Tự Long.
Không chỉ Tự Long, lâu nay, Xuân Hinh luôn được nhiều nghệ sĩ trong nghề kính trọng bởi tài năng, tầm ảnh hưởng và sự quan tâm dành cho đàn em.
Tự Long đến nhà Xuân Hinh
Từng buôn bán đủ thứ, đi xin ngủ nhờ bị từ chối phải ngồi khóc ngoài cửa
NSƯT Xuân Hinh tên thật là Bùi Xuân Hinh, sinh năm 1960 tại Bắc Ninh, cái nôi của quan họ và những loại hình nghệ thuật dân gian đất Bắc. Nhờ đó, ngay từ nhỏ Xuân Hinh đã được sống trong những làn điệu dân ca, chèo tuồng. Tuy nhiên, gia đình Xuân Hinh lại không có ai theo nghệ thuật nên anh không có điều kiện phát triển tài năng từ sớm.
Vì nhà nghèo, đông con nên tuổi thơ của Xuân Hinh phải nếm trải nhiều khó khăn, vất vả. Chứng kiến sự cơ cực đó nên từ trẻ anh đã chấp nhận làm mọi công việc để phụ giúp gia đình. Cũng nhờ đó, Xuân Hinh thấm thía được cái chất dân dã của người lao động, nông dân để sau này đưa vào hài kịch.
Năm 1977 khi đang học phổ thông, Xuân Hinh trúng tuyển vào Đoàn Dân ca Quan họ Bắc Ninh nên đã vào đó học. Tiếp đó, anh thi vào khóa 1 trường Đại học Sân khấu Điện ảnh khoa Kịch dân tộc.
Kinh tế gia đình Xuân Hinh lúc đó vẫn rất khó khăn, vất vả. Thấy con đi học không có tiền, mẹ anh thường chạy ra bến xe để gửi cho anh 20 nghìn đồng. Để có được số tiền đó, bà phải lội nước vớt 4 gánh bèo, gánh bộ 3 cây số, làm quần quật cả ngày.
Mỗi lần như vậy, Xuân Hinh cứ nhìn hình ảnh mẹ rồi khóc. Đến một ngày, anh không thấy mẹ gửi nữa. Biết mẹ không còn tiền để cho mình đi học vì phải lo cho các em ở nhà, Xuân Hinh quyết định đi buôn, buôn đủ thượng vàng hạ cám khắp các tỉnh miền Bắc, tới cả miền núi. Nhiều hôm anh phải đi qua rừng tối, một bên là vực thẳm, chỉ có một mình đạp xe với một chiếc đèn pin. Anh từng bật khóc vì đi xin ngủ nhờ nhà dân nhưng không ai cho vào, phải ngồi ngoài giữa đêm lạnh.
Cống hiến và ảnh hưởng trong nghề
Xuân Hinh được xem là một tài năng lớn của sân khấu chèo và hài kịch miền Bắc. Ngay từ khi còn học ở trường Sân khấu Điện ảnh, anh đã thể hiện năng lực xuất sắc và sau khi ra trường được giữ lại để giảng dạy. Tuy nhiên, anh từ chối vì muốn tự do bay nhảy, đứng trên sân khấu.
Năm 1988 đánh dấu thành công đầu tiên của Xuân Hinh khi tham gia diễn tiết mục nổi tiếng hề Cu Sứt trong Festival Cười, biểu diễn gần 2 tháng tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt - Xô, được khán giả nồng nhiệt khen ngợi.
Từ thành công đó, Xuân Hinh tiếp tục dấn thân vào sân khấu chèo, hài kịch và gặt hái nhiều thành tích vang dội. Đặc biệt, Xuân Hinh là một trong số ít nghệ sĩ miền Bắc thành công về mặt băng đĩa. Vào cuối thập niên 90, đầu 2000, Xuân Hinh được mệnh danh là "ông vua băng đĩa" vì các băng hài của anh bán rất chạy. Thời điểm ấy, hầu như nhà nào cũng mua băng đĩa Xuân Hinh về xem.
Nhờ thành công về thị trường băng đĩa, Xuân Hinh trở thành một trong những tên tuổi đắt show nhất miền Bắc, với cát xê cao ngất ngưởng, đi diễn ở đâu cháy vé ở đó.
Xuân Hinh chưa bao giờ nhận mình là nghệ sĩ hài, chỉ dám nhận là một hề chèo (loại hình nghệ thuật đã đào tạo và nuôi dưỡng tài năng cho anh). Có lẽ vì vậy mà lối diễn hài của Xuân Hinh mang đậm tính dân gian.
Nhiều người hay chê Xuân Hinh diễn hài tục nhưng cái tục lại là một phần của văn hóa dân gian (có trong truyện cười, truyện ngụ ngôn, ca dao tục ngữ, câu đố). Nhiều nghệ sĩ đi theo hướng dân gian cũng mượn cái tục này vào phương tiện nghệ thuật cho mình (như nữ thi hào Hồ Xuân Hương).
Với Xuân Hinh, chính cái tục (trong chừng mực) lại là phương tiện nghệ thuật giúp anh diễn hài gần gũi với đời sống khán giả hơn, nhưng không kém phầm duyên dáng, tinh tế. Sự gần gũi, dân dã này càng tăng thêm sức lôi cuốn của Xuân Hinh với khán giả.
Thậm chí, đến cái chửi của Xuân Hinh cũng là một nghệ thuật, chửi có vần có điệu, chửi trầm chửi bổng, nhịp nhàng, ngôn từ đa dạng, bay bổng mà không quá tục tĩu. Chính NSND Hồng Vân từng thừa nhận, cô học được cách chửi của Xuân Hinh để đưa lên sân khấu kịch, khiến các học trò tấm tắc khen. Nhiều bài chửi của Xuân Hinh trong hài kịch còn viral trong suốt một thời gian.
Nhưng Xuân Hinh không chỉ là một hề chèo đi diễn hài. Anh thực sự đạt tới tầm của một nghệ sĩ hài đích thực. Rất nhiều vở hài kịch của Xuân Hinh được mượn cốt truyện từ dòng văn học hiện thực phê phán đầu thế kỷ XX, cụ thể là truyện ngắn Nguyễn Công Hoan, điển hình nhất là vở Người ngựa, ngựa người.
Nhờ đó, những vở hài kịch này ngoài gây cười còn có nhiều giá trị nghệ thuật khác như giá trị văn học, giá trị phê phán, giá trị trào phúng, giá trị nhân đạo…
Hài của Xuân Hinh đạt đến cái hài trong mỹ học, không phải tiếng cười vô thưởng vô phạt kiểu hề kịch mà là tiếng cười có giá trị phê phán, châm biếm, được xây dựng nhờ nghệ thuật trào phúng, trong cái hài có cái bi, cái bi toát lên từ cái hài, giàu giá trị suy ngẫm.
Không chỉ diễn, Xuân Hinh còn mạnh về ca hát, đặc biệt là các loại hình ca hát, diễn xướng dân gia như chầu văn, dân ca ba miền. Anh có thể nói và hát được giọng ba miền nhuần nhuyễn để pha vào các miếng hài của mình.
Hầu như tiểu phẩm hài nào của Xuân Hinh cũng có ca hát, thường là chế lại các bài hit trên thị trường hoặc tự ca ngâm. Xuân Hinh là người hoạt ngôn, giỏi vận ngôn từ nên anh luôn dựng được cho mình phần hát mượt mà, đa dạng, văn thơ bay bổng, vần điệu nhưng giàu ý nghĩa. Anh biết vận dụng những nghệ thuật trong tiếng Việt qua hiện tượng đồng âm, đồng nghĩa để chơi chữ, nói lái… Tất cả các nghệ thuật ngôn từ này đều được Xuân Hinh kế thừa từ văn hóa dân gian, cái nôi sinh thành nên tài năng của anh.
Chính vì thế, Xuân Hinh được xem là tượng đài trong làng hài kịch miền Bắc, khiến nhiều đàn em nể phục và học hỏi, trong đó có Tự Long. Tự Long từng nói: "Ai diễn với anh Xuân Hinh đều rất sợ, chỉ có chị Hồng Vân và Thanh Thanh Hiền theo được". Tự Long thường tìm đến Xuân Hinh để xin ý kiến cố vấn về diễn xuất, dựng sân khấu, học hỏi về văn hóa dân gian.
Hiện tại, Xuân Hinh được biết tới là "đại gia ngầm", giàu có khét tiếng trong giới nghệ sĩ miền Bắc. NSƯT Xuân Bắc từng tiết lộ: "Toàn bộ tiền thu mỗi chương trình là 10 thì riêng Xuân Hinh nhận được phải là 8". Cơ ngơi của nam danh hài được cho là "không đo được bằng tiền".
Thời gian gần đây, Xuân Hinh gây chấn động khi xây dựng khu di tích Linh từ Uống nước nhớ nguồn và Bảo tàng Đạo Mẫu rộng 5000m2 với nhiều hiện vật giá trị. Theo ca sĩ Bằng Kiều: "Anh Xuân Hinh ngoài mấy biệt thự mặt đường còn có cơ ngơi 5000m2, không đo được bằng tiền". Sở dĩ Bằng Kiều nói vậy vì khu di tích này lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, cũng là nơi để Xuân Hinh đào tạo thế hệ nghệ sĩ trẻ kế cận.