"Pakistan đang theo đuổi những công nghệ tên lửa ngày càng tinh vi. Pakistan rồi sẽ sở hữu năng lực tấn công những mục tiêu nằm ngoài khu vực Nam Á, trong đó có Mỹ. Thẳng thắn mà nói, chúng ta buộc phải nhìn nhận các hành động thời gian qua của Pakistan là mối đe dọa mới nổi đối với Mỹ", Finer bình luận trong buổi trao đổi với tổ chức Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie vào ngày 19/12.
Ông cho biết Pakistan đang đẩy mạnh đầu tư phát triển công nghệ tên lửa "càng ngày càng tinh vi hơn", bao gồm các hệ thống tên lửa đạn đạo tầm xa và những thiết bị đặc biệt, cho phép nước này thử nghiệm động cơ tên lửa với sức mạnh lớn hơn đáng kể so với trước đây.
Finer lưu ý Pakistan là quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân. "Có rất ít quốc gia trên thế giới sở hữu tên lửa có tầm bắn tới được đất liền Mỹ và họ thường có xu hướng đối địch", ông nói, lấy ví dụ gồm Nga, Trung Quốc và Triều Tiên.
Tên lửa đạn đạo tầm trung Shaheen-III của Pakistan, được thiết kế để lắp đầu đạn hạt nhân khi cần thiết, trong cuộc diễu binh ở Islamabad vào ngày 25/3/2021. Ảnh: AP
Một ngày trước bình luận từ Jon Finer, Bộ Ngoại giao Mỹ công bố thêm lệnh trừng phạt đối với 4 chủ thể liên quan chương trình tên lửa đạn đạo Pakistan, lần đầu tiên trừng phạt cơ quan quốc phòng Pakistan giám sát chương trình này. Thông cáo nhấn mạnh Mỹ phản đối các hoạt động "gây lo ngại về phổ biến và mua bán" công nghệ tên lửa đạn đạo.
Theo tiết lộ từ hai quan chức cấp cao trong chính quyền Tổng thống Joe Biden với Reuters, bình luận vừa qua của Finer nhằm gây sức ép lên giới chức Pakistan, buộc nước này giải thích rõ vì sao Islamabad muốn phát triển động cơ tên lửa uy lực hơn và có tầm bắn vượt khỏi Nam Á.
Các đời lãnh đạo Pakistan luôn giải thích chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo chủ yếu nhằm răn đe Ấn Độ, duy trì cân bằng tại khu vực. Tuy nhiên, các bước tiến của chương trình tên lửa Pakistan trong một thập kỷ qua đã làm gia tăng lo ngại ở Washington.
"Họ không quan tâm những lo ngại từ chúng tôi, luôn phản bác rằng chúng tôi có định kiến", quan chức Mỹ cho biết, bổ sung rằng Islamabad thường chỉ trích Washington đang tìm cách "kìm kẹp năng lực phòng thủ" của quân đội Pakistan trước Ấn Độ.
Pakistan thử vũ khí hạt nhân thành công lần đầu tiên vào năm 1998, hơn hai thập kỷ sau vụ thử nghiệm đầu tiên của Ấn Độ. Giới nghiên cứu Mỹ ước tính Pakistan đang sở hữu khoảng 170 đầu đạn hạt nhân.
Tuy nhiên, một số chuyên gia bày tỏ bất ngờ về phát ngôn của Finer. "Việc một quan chức cấp cao Mỹ công khai liên kết mối lo ngại về phổ biến vũ khí hạt nhân ở Pakistan với mối đe dọa trực tiếp trong tương lai đối với Mỹ - đây là một diễn biến kịch tính", Michael Kugelman của nhóm nghiên cứu Wilson Center nhận xét.
Thanh Danh (Theo Reuters)