Thi thể Laken Riley, 22 tuổi, sinh viên ngành điều dưỡng ở Đại học bang Georgia, Mỹ, được phát hiện gần đường chạy bộ trong khuôn viên trường tuần trước. Nghi phạm bị bắt là Jose Antonio Ibarra, 26 tuổi, người gốc Venezuela nhập cư trái phép vào Mỹ.
Nghi phạm Jose Antonio Ibarra, 26 tuổi, công dân Venezuela. Ảnh: New York Post
Ibarra bị bắt sau khi cùng vợ con vượt biên tại Texas hồi tháng 9/2022, nhưng sau đó được ân xá, trả tự do để chờ xử lý thêm, theo chính sách với người nhập cư của chính quyền Tổng thống Joe Biden.
Gia đình anh ta được chuyển lên xe buýt tới New York, nơi người nhập cư này làm công việc giao đồ ăn và phục vụ tại một nhà hàng địa phương. Ibarra sau đó bị cảnh sát New York bắt với cáo buộc liên quan đến vi phạm giao thông, nhưng tiếp tục được trả tự do.
Tháng 11/2023, Ibarra chia tay vợ và đến Georgia sống cùng anh trai, người từng làm việc tại Đại học bang Georgia.
Giới chức bước đầu xác định Ibarra và nạn nhân Riley không quen biết nhau. Sau khi bắt Ibarra, cảnh sát nhận định đây là một vụ giết người ngẫu nhiên.
Việc một người nhập cư trái phép có thể tự do di chuyển trên đất Mỹ và liên tục vi phạm pháp luật trước khi bị cáo buộc tội giết người đã gây phẫn nộ trong dư luận Mỹ. Thống đốc Georgia Brian Kemp, thành viên đảng Cộng hòa, cho hay đang kêu gọi chính quyền Tổng thống Joe Biden trả lời chuyện vừa xảy ra ở bang Georgia.
"Tại sao lại cho phép người không phải công dân Mỹ đến đất nước này, phạm pháp nhưng không trục xuất họ về nước?", ông Kemp đặt câu hỏi.
Marjorie Taylor Greene, nghị sĩ Cộng hòa ở Georgia, chỉ trích gay gắt hơn, cho rằng hành động của Ibarra cho thấy chính quyền ông Biden thất bại trong kiểm soát biên giới.
Nữ sinh trường y Laken Riley trước khi bị Ibarra sát hại. Ảnh: Fox News
Seth McKee, giáo sư chính trị Đại học bang Oklahoma, nhận định từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Biden đã thi hành chính sách quản lý "rất lỏng lẻo" ở biên giới phía nam với Mexico. "Kết quả là người di cư tràn qua biên giới", ông nói.
Tháng 12/2023, khu vực biên giới tây nam nước Mỹ ghi nhận tình trạng vượt biên cao chưa từng có, với 302.000 người. "Các hành động của chính quyền Biden rõ ràng đã khiến tình hình vượt biên xấu đi", McKee nhận định.
Tuy nhiên, ông cho rằng các thành viên đảng Cộng hòa đang tìm cách chính trị hóa vụ sát hại nữ sinh trường y. Theo McKee, chính đảng Cộng hòa tại Hạ viện đã "mất điểm" sau khi bác bỏ gói ngân sách tăng cường kiểm soát biên giới được Thượng viện đưa ra hồi đầu tháng.
"Đảng Cộng hòa đã không làm bất kỳ điều gì khi có cơ hội tốt nhất", ông nói. "Do đó, họ luôn đổ lỗi khi nói đến chính sách kiểm soát biên giới, trong khi các thành viên Cộng hòa bỏ lỡ cơ hội cải thiện tình hình".
Nhà tội phạm học Alex Piquero, giáo sư Đại học Miami, cho rằng vụ án Riley là "thảm kịch" và "thật khó để biết chính sách hạn chế biên giới có thể ngăn chặn những sự việc tương tự hay không".
Ông nhận định "có nhiều vấn đề nghiêm trọng ở biên giới", kêu gọi các chính trị gia dẹp bất đồng sang một bên để giải quyết vấn đề khó khăn này ngay lập tức. Ông cho rằng không có chính sách biên giới nào là hoàn hảo, cũng không có dữ liệu cho thấy người nhập cư nguy hiểm hơn công dân Mỹ.
"Bằng chứng thu thập trong hơn 10 năm cho thấy rõ ràng người nhập cư không phạm tội nhiều hơn người sinh ra ở Mỹ", ông nói. "Thực tế này cũng đúng với những người phạm tội nghiêm trọng".
Piquero và một số đồng nghiệp đã nghiên cứu dữ liệu tội phạm ở Texas và phát hiện tỷ lệ công dân Mỹ bị bắt cao hơn người nhập cư 1,19 lần. Tỷ lệ này ở tội phạm bạo lực là 1,18 lần và tội phạm ma túy là 1,67 lần.
McKee cho rằng không thể vơ đũa cả nắm khi kết luận người nhập cư có lỗi chỉ vì một vụ giết người. "Hiện có quá nhiều người nhập cư không giấy tờ ở Mỹ. Về mặt thống kê, không thể không phát sinh các vụ phạm tội liên quan đến nhóm người này", ông nói.
Theo Piquero, vụ án ở Georgia rõ ràng có một số dấu hiệu cảnh báo, sau những lần Ibarra bị bắt. Ông cho rằng Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Mỹ nên đào sâu điều tra trường hợp này để trấn an người dân Mỹ rằng sự việc tương tự sẽ không tái diễn.
Hồng Hạnh (Theo Newschannel9)