Theo khảo sát người tiêu dùng hàng đầu châu Á - Thái Bình Dương của Campaign Asia-Pacific và NielsenIQ, Vingroup, tập đoàn niêm yết lớn nhất Việt Nam, đã lần đầu tiên soán ngôi Vinamilk để trở thành thương hiệu nội địa được yêu thích tại Việt Nam.
Được thành lập bởi tỷ phú giàu nhất đất nước, ông Phạm Nhật Vượng, tiền thân của Vingroup là một doanh nghiệp sản xuất thực phẩm khô tại Ukraine vào năm 1993. Tập đoàn này đã mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác nhau trong những năm qua, bao gồm phát triển bất động sản, bán lẻ, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, công nghệ. và sản xuất điện thoại thông minh.
Vingroup trở thành nhà sản xuất thương hiệu ô tô nội địa đầu tiên của Việt Nam vào năm 2017, với sự ra mắt của công ty con VinFast. VinFast đã nổi lên như một trong những tham vọng lớn nhất của tập đoàn.
VinFast đã trở thành thương hiệu xe hơi thứ 5 về doanh số bán hàng tại Việt Nam chỉ trong vòng 2 năm, sau khi tung ra những chiếc xe đầu tiên vào năm 2019. Kể từ đó, hãng đã đặt mục tiêu trở thành thương hiệu xe điện (EV) hàng đầu toàn cầu, nhằm cung cấp những chiếc xe điện đầu tiên của mình tại thị trường Mỹ, Canada và Châu Âu vào năm tới và mở nhà máy tại Mỹ.
Vào tháng 7, VinFast đã thuê một cựu giám đốc điều hành của Volkswagen Group America, ông Michael Lohscheller, cho vị trí Giám đốc điều hành toàn cầu.
Vingroup cũng được cho là đang có dự định niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ. Để "huy động mọi nguồn lực" cho sự phát triển của VinFast.
Sự quan tâm đến VinFast tăng vọt vào ngày 24/3 khi công ty này mở bán chiếc ô tô điện đầu tiên của mình, theo dữ liệu của Google Xu hướng.
Saby Mishra, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của MullenLowe Mishra có trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: "Là một công ty trong nước, Vingroup đã thể hiện sức sống mãnh liệt và sự tự tin cạnh tranh toàn cầu theo cách chưa từng có tại thị trường nội địa".
Hesperus Mak, người đứng đầu bộ phận hoạch định chiến lược của TBWA Group Việt Nam, cho biết thêm: "Vingroup thể hiện tinh thần doanh nhân mà người Việt Nam khao khát. Trong khi Vingroup là công ty tiên phong trong ngành công nghiệp ô tô và công nghệ, sự ra mắt đầy tham vọng của VinFast và mục tiêu xuất khẩu sang Mỹ đã dấy lên niềm tự hào dân tộc của nhiều người Việt Nam".
Ngoài việc được xem như đại diện cho Việt Nam trên trường toàn cầu, việc Vingroup vươn lên thành thương hiệu nội địa hàng đầu cũng đến từ sự hỗ trợ của tập đoàn này cho xã hội thời gian đại dịch.
Tai Le, Giám đốc phụ trách hoạt động và thương mại điện tử của Red2Digital giải thích: "Vingroup đặt cộng đồng ở Việt Nam lên hàng đầu. Với phương châm 'Tạo cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người', trong hoàn cảnh khó khăn nhất, họ đã cung cấp thiết bị y tế, vaccine và tài trợ cho Chính phủ để chống dịch. Với những thiện chí này, nhận thức về thương hiệu của họ đã tăng mạnh trong nước".
Mishra cũng đồng tình rằng, Vingroup đã có "vai trò chủ động và sớm" trong cuộc chiến chống đại dịch của Việt Nam. Mishra cho biết: "Họ đã đưa tin về việc tìm nguồn cung ứng vaccine trên quy mô lớn và toàn quốc. Sau đó, họ đã đàm phán để nhận chuyển giao công nghệ vaccine mRNA Covid-19 từ một công ty của Mỹ. Họ đã sản xuất và xuất khẩu những chiếc máy thở made-in-Vietnam đầu tiên với giá cả phải chăng.
Nếu xét cả các thương hiệu quốc tế, có 6 thương hiệu quốc tế lọt vào top 10 thương hiệu hàng đầu Việt Nam năm nay - tăng gấp đôi so với năm 2020. Google, LG và Panasonic đã tiến vào top 10 bên cạnh các thương hiệu lâu năm như Honda, Samsung và Apple. Năm ngoái, Coca-Cola đã lọt vào top 10 nhưng đã tụt hạng vào năm 2021.
Những thương hiệu này đã ăn sâu vào đời sống và văn hóa hàng ngày của người Việt Nam.
Tai Le nói: "Google và Honda có được độ nhận diện cao do vai trò trung tâm của họ trong cuộc sống hàng ngày. Honda vẫn luôn là thương hiệu đi đầu về xe máy kể từ năm 1975. Trong nhiều thế hệ, người ta gắn Honda với chất lượng và sự xuất sắc. Tương tự, kể từ khi Internet phát triển ở Việt Nam, Google đã trở thành công cụ tìm kiếm hàng đầu (ngay cả khi Yahoo vẫn còn thời thượng). Hai thương hiệu này đã ăn sâu vào đời sống người Việt.
Ông Le cho biết thêm, Apple tượng trưng cho cái tôi và sự sang trọng ở Việt Nam, đại diện cho tầng lớp cao nhất trong kim tự tháp nhu cầu của Maslow. Trong khi đó, Samsung đã chứng tỏ là "chiếc điện thoại dành cho tất cả mọi người, do có thông số kỹ thuật cao với mức giá phải chăng hơn".
Hơn nữa, trong khi các thương hiệu Trung Quốc như Oppo và Xiaomi cũng góp mặt, ông Le cho thấy, họ đã phải vật lộn để tìm kiếm thị trường ngách, ngoài những nơi Samsung thống trị. Samsung cũng đã làm chủ nghệ thuật nội địa hóa. Trong khi đó, các thương hiệu như LG và Panasonic được hưởng lợi từ lợi thế người đi trước. Họ là một trong những doanh nghiệp điện tử đầu tiên đến Việt Nam, cùng với TCL, Arirang và Electrolux.
"Những thương hiệu này hiểu được nhu cầu cân bằng giữa giá cả và chất lượng, đồng thời sản phẩm của họ có mặt trên khắp nền kinh tế Việt Nam và ăn sâu vào văn hóa Việt Nam", ông Le nhận định.
Hoàng Hà
Theo Nhịp sống kinh tế/Campaign Asia-Pacific