Chuyên mục  


Cuối tuần trước, nguồn tin Reuters cho hay đội ngũ của ông Donald Trump đã chuẩn bị các sắc lệnh và tuyên bố hành pháp để rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Mỹ gia nhập Hiệp định này vào năm 2015 dưới thời Tổng thống Barack Obama. Vào 2017, trong nhiệm kỳ đầu tiên, Tổng thống Donald Trump đã từng rút khỏi Hiệp định này trước khi Tổng thống Joe Biden tái gia nhập.

Ngoài kế hoạch này, các cố vấn chính sách của ông cũng đang đề xuất đưa Mỹ ra khỏi Công ước Khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu (UNFCCC) mà Thượng viện đã phê chuẩn năm 1992.

Từ trước đến nay, ông Trump duy trì quan điểm nhất quán rằng biến đổi khí hậu là một "trò lừa bịp". Ông còn ví vấn đề này là "tưởng tượng", "không tồn tại" hay "một loại thuế rất tốn kém". Trong quá trình vận động tranh cử nhiệm kỳ thứ hai, ông gọi đó là "một trong những vụ lừa đảo lớn nhất mọi thời đại".

Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc tranh luận với Tổng thống Joe Biden tại thành phố Atlanta, bang Georgia ngày 27/6. Ảnh: AFP

Joseph Goffman, Giám đốc điều hành chương trình luật môi trường của Đại học Harvard gọi Trump là người theo chủ nghĩa "hư vô khí hậu". "Ông ấy không tin vào bất cứ điều gì liên quan đến biến đổi khí hậu", Joseph Goffman nói trên BBC.

Trong cuộc phỏng vấn với Fox News cuối 2023, Trump nói vấn đề nóng lên toàn cầu duy nhất đáng quan tâm là hạt nhân chứ không phải các vấn đề các nhà khoa học cảnh báo. Ông cho rằng giới khoa học đã đổi khái niệm "nóng lên toàn cầu" thành "biến đổi khí hậu" gần đây để gây chú ý.

"Nóng lên toàn cầu không còn thuyết phục khi trái đất đang nguội đi. Vì vậy, giờ họ gọi nó là biến đổi khí hậu, thuật ngữ này bao quát mọi thứ", ông nói. Chứng minh cho các lập luận của mình, ông nhiều lần đăng trên X ám chỉ rằng thời tiết lạnh mâu thuẫn với biến đổi khí hậu, bất chấp Tổ chức Khí tượng Thế giới báo cáo rằng 20 năm ấm nhất từng được ghi nhận đều xảy ra trong 22 năm qua.

Tuy nhiên, cả hai thuật ngữ này được sử dụng thay thế cho nhau và các chuyên gia tại NASA cho rằng cụm từ "biến đổi khí hậu" chính xác hơn về mặt khoa học. Các nhà khoa học trên thế giới cũng nhất trí rằng khí thải từ các hoạt động của con người đang làm nhiệt độ toàn cầu tăng lên, dẫn đến tình trạng trái đất ấm lên và tạo ra khủng hoảng khí hậu ảnh hưởng đến hàng triệu người thông qua các hiện tượng thời tiết cực đoan.

Theo báo cáo mới của Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus của EU, năm 2024 gần như chắc chắn là năm nóng nhất trong lịch sử và là năm đầu tiên nhiệt độ ấm lên trên 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp. Các nhà khoa học từ lâu đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự cần thiết phải cắt giảm một nửa lượng khí thải làm nóng hành tinh vào năm 2030 để tránh thảm họa khí hậu.

Chính sách khí hậu của Trump

Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, Trump bãi bỏ hàng chục quy định của Cơ quan Bảo vệ Môi trường, nới lỏng các hạn chế khí thải từ các nhà máy điện và phương tiện, cũng như làm suy yếu các quy định quản lý các chất gây ô nhiễm.

Barry Rabe, Giáo sư chính sách môi trường tại Đại học Michigan dự đoán sẽ có sự thay đổi mới về các quy định về môi trường. Theo ông, việc quay trở lại với các quy định lỏng lẻo hơn có nghĩa Mỹ khả năng không thể đạt các mục tiêu về khí hậu năm 2030.

Một báo cáo của Đại học Maryland vào tháng 9 cũng dự báo nếu các luật và chính sách về khí hậu của chính quyền Biden bị bãi bỏ thì các bang chỉ có thể đạt được mức giảm phát thải 48% vào năm 2035 – thấp hơn cam kết trước đây của Mỹ là giảm ít nhất 50% vào năm 2030 so với mức của năm 2005.

Trước cuộc bầu cử, Trump còn cam kết mở rộng sản xuất nhiên liệu hóa thạch trong nước, tập trung nhiều hơn vào dầu khí và chi tiêu ít hơn cho năng lượng sạch. Clarence Edwards, Giám đốc điều hành văn phòng E3G - một tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận tại Washington - cho biết Trump và những người ủng hộ ông có quan điểm rằng dầu khí thực sự là trung tâm của sức mạnh toàn cầu của Mỹ, giao thoa giữa kinh tế và địa chính trị và "không nên đùa giỡn với điều đó".

Trong nhiệm kỳ đầu, chính quyền Trump đã cho tăng khoan dầu và khí tự nhiên cả các khu vực được bảo vệ như Khu bảo tồn động vật hoang dã quốc gia Bắc Cực ở Alaska, đồng thời ủng hộ việc xây dựng các đường ống như Keystone XL và Dakota Access. Ngay trước cuộc bầu cử năm nay, Trump đã ám chỉ sẽ tiếp tục xu hướng này nếu chiến thắng.

Ông cho rằng việc khởi động lại sản xuất tại Mỹ không thể dựa vào năng lượng gió và mặt trời vì đắt đỏ. "Tôi thích năng lượng mặt trời ở khía cạnh ý tưởng, nhưng nó rất tốn kém và chúng ta không thể để Trung Quốc xây dựng một nhà máy mỗi tuần trong khi chúng ta không làm gì. Họ xây dựng một nhà máy than và công khai về điều đó. Rồi Biden lại đến gặp họ bàn về vấn đề nóng lên toàn cầu", Trump nêu.

'Cú tát' cho COP29

Tháng 12/2023, tại COP28 ở Dubai, khi được hỏi về khả năng ông Donald Trump tái đắc cử, Đặc phái viên khí hậu Mỹ John Kerry trả lời trong sự rùng mình. "Đó là viễn cảnh ác mộng. Thực ra tôi không được phép bình luận về chính trị. Ngôn ngữ cơ thể của tôi là đủ rồi", John nói.

Các nhà hoạt động khí hậu chiếu một thông điệp lên Cầu Tháp (London, Anh) với hình bóng của ông Donald Trump ngày 7/11, trước khi COP29 diễn ra. Ảnh: Reuters

Năm nay, COP29 diễn ra vào 11-22/11 tại Baku, Azerbaijan, ngay sau khi thông tin ông Trump tái đắc cử. Khi các nước bắt đầu họp bàn về đóng góp ngân sách cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu giai đoạn tiếp theo thì Trump đã sẵn sàng công bố rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris ngay khi đặt chân vào Nhà Trắng.

Trước khi Trump đắc cử, Liên minh Châu Âu (EU) và Mỹ đã có kế hoạch giục Trung Quốc và các quốc gia giàu có ở vùng Vịnh bắt đầu đóng góp vào các quỹ khí hậu của Liên Hợp Quốc. Nhưng rủi ro lúc này là cả Mỹ cũng hết mặn mà.

"Thúc đẩy tài chính khí hậu tham vọng hơn sẽ gần như không thể nếu không có sự tham gia của Mỹ. Điều này sẽ làm giảm động lực các quốc gia đang phát triển trong việc nghiêm túc thực hiện tham vọng khí hậu của phương Tây", Elisabetta Cornago, nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm Cải cách châu Âu bình luận.

Evans Njewa, Chủ tịch khối 45 quốc gia kém phát triển (LDC) về biến đổi khí hậu nói việc không đạt được thỏa thuận tài chính khí hậu mạnh mẽ tại COP29 sẽ là một thất bại lớn đối LDC trong việc vận động các nước đóng góp tài chính.

Một bộ trưởng khí hậu từ khu vực Mỹ Latinh cho rằng sự trở lại của Trump với chính sách ủng hộ khai thác dầu và rút khỏi Hiệp định Paris là bước lùi cho nỗ lực toàn cầu. "Cuộc bầu cử như cú tát vào tiến trình khí hậu, nhưng nó sẽ không ngăn cản nỗ lực toàn cầu hướng tới năng lượng sạch. Gắn bó với nhiên liệu hóa thạch là ngõ cụt", quan chức này nói.

Lúc này, bất kỳ sự suy yếu nào trong lập trường của Mỹ về việc đối phó với biến đổi khí hậu sẽ càng đòi hỏi châu Âu và Trung Quốc phải giữ vững lập trường. Mỹ, Trung Quốc và Liên minh Châu Âu gồm 27 quốc gia là những nguồn ô nhiễm lớn nhất thế giới. "Nếu một trong ba trụ cột này lung lay hoặc không chắc chắn, thì hai trụ còn lại cần phải giữ vững", một nhà ngoại giao châu Âu nói với Reuters.

Jennifer Morgan, Thứ trưởng Bộ hành động khí hậu quốc tế của Đức cho biết nước này và EU sẽ phải đảm nhận vai trò dẫn dắt thảo luận về tài chính khí hậu để đảm bảo có kết quả chấp nhận được. "Những năm qua có nhiều kết quả bầu cử khác nhau nhưng việc thực hiện Hiệp định Paris vẫn tiếp tục tiến triển", bà nói.

Phiên An (theo Reuters, Independent, DW)

Tin mới

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020