Chuyên mục  


Bộ Quốc phòng Nga ngày 6/5 tuyên bố Hạm đội Biển Đen hạ 5 phương tiện mặt nước không người lái (USV) của Ukraine tại vùng biển phía tây bắc bán đảo Crimea. Video do cơ quan này công bố cho thấy trực thăng Ka-29 bám đuổi và xả đạn nhằm vào xuồng tự sát Ukraine, gây ra vụ nổ lớn trên biển.

Một video khác quay từ buồng lái trực thăng Ka-29, được kênh Telegram Voyna Istoriya Oruzhiye của Nga công bố cùng ngày, cho thấy chiếc USV gắn hai giá phóng tên lửa không đối không R-73 hoặc R-60 được cải hoán.

truc-thang-nga-ban-no-xuong-tu-sat-ukraine-lap-ten-lua-phong-1715054363.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=kCsb5V5oFJxtVEwFGeWHhw
Trực thăng Nga bắn nổ xuồng tự sát Ukraine lắp tên lửa phòng không

Trực thăng Ka-29 Nga bắn nổ xuồng tự sát Ukraine trên Biển Đen ngày 6/5. Video: BQP Nga, Telegram/Voyna Istoriya Oruzhiye

Trước khi bị bắn hạ, chiếc USV chỉ còn một quả đạn trên giá, tên lửa còn lại dường như đã phóng về phía trực thăng Nga. Theo kênh Voyna Istoriya Oruzhiye, vụ nổ lớn khi xuồng tự sát Ukraine bị phá hủy là do đạn bắn từ trực thăng Ka-29 trúng tên lửa phòng không mà phương tiện mang theo.

"Trận giao chiến diễn ra vào ban ngày, cho thấy chiếc xuồng tự sát nói trên có thể là mồi nhử thu hút sự chú ý của trực thăng Nga", biên tập viên Thomas Newdick của TWZ nhận định.

Một nguồn tin cho biết xuồng tự sát mang tên lửa phòng không "gây ra rủi ro cho trực thăng Nga, vốn là biện pháp đối phó hiệu quả nhất đối với USV Ukraine".

Tên lửa không đối không R-60 có tầm bắn 8 km, tên lửa R-73 có tầm bắn tới 30 km. Chúng đều sử dụng đầu dò hồng ngoại, không yêu cầu radar dẫn bắn hoặc hệ thống nhắm mục tiêu riêng biệt. Mẫu tên lửa lắp trên xuồng tự sát Ukraine có thể nhận tín hiệu khai hỏa thông qua kênh vô tuyến kết nối với người vận hành.

Việc cải hoán tên lửa không đối không thành vũ khí phóng từ mặt đất không phải điều mới mẻ. Tổ hợp Tên lửa Phòng không Quốc gia Tiên tiến (NASAMS) mà Mỹ viện trợ cho Ukraine cũng sử dụng đạn được cải hoán từ tên lửa không đối không tầm trung AIM-120 AMRAAM.

Tên lửa phòng không gắn trên xuồng tự sát Ukraine và tên lửa không đối không R-73 trên tiêm kích Nga. Ảnh: Telegram/Voyna Istoriya Oruzhiye, Rosoboronexport

"Ukraine dường như sở hữu lượng lớn tên lửa R-60 và R-73, đầu dò của chúng có thể phát hiện tốt tín hiệu nhiệt tỏa ra từ động cơ trực thăng", Newdick cho biết. "Dù xác xuất diệt mục tiêu không cao và tầm bắn giảm rõ rệt, tên lửa phòng không gắn trên xuồng tự sát khiến trực thăng Nga phải giữ khoảng cách, ảnh hưởng tới hiệu quả diệt mục tiêu của súng, tên lửa hoặc rocket".

Cùng ngày với vụ trực thăng Ka-29 bắn hạ USV mang tên lửa phòng không, Tổng cục Tình báo Quân đội Ukraine (GUR) tuyên bố xuồng tự sát Magura V5 của Đơn vị số 13 "phá hủy tàu cao tốc đối phương", có thể là mẫu tàu tuần tra Đề án 12150 của biên phòng Nga có giá hơn 1,3 triệu USD. Chưa rõ hai sự kiện này có liên quan với nhau hay không.

Hải quân Ukraine không còn chiến hạm cỡ lớn sau khi tự đánh đắm soái hạm Hetman Sahaidachny, vốn là hộ vệ hạm lớp Đề án 1135 Burevestnik, vào tháng 3/2022 để tránh bị lọt vào tay Nga.

Quân chủng này sau đó phải dùng tên lửa hành trình và USV để tấn công chiến hạm Nga. Các chiến dịch tập kích bằng xuồng tự sát liên tiếp nhắm vào Hạm đội Biển Đen biến Ukraine thành quốc gia đầu tiên triển khai hiệu quả chúng trong tác chiến hàng hải.

Cục diện chiến sự Nga - Ukraine. Đồ họa: WP

Nguyễn Tiến (Theo TWZ, AFP)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020