Chuyên mục  


Ảnh vệ tinh thương mại do công ty Planet Labs của Mỹ chụp đầu tháng 10 và công bố hôm 25/11 cho thấy công trình, nghi là địa điểm lắp ráp tên lửa, đang được xây dựng tại Nhà máy 11/2 thuộc Tổ hợp Chế tạo máy Ryongsong ở thành phố Hamhung, đô thị lớn thứ hai của Triều Tiên. Một khu nhà ở, có thể dành cho công nhân nhà máy, cũng đang trong quá trình thi công.

"Đây là cơ sở duy nhất chế tạo tên lửa đạn đạo tầm ngắn Hwasong-11 của Triều Tiên. Hoạt động này cho thấy họ đang tìm cách mở rộng dây chuyền, tăng đáng kể năng lực sản xuất của nhà máy", Sam Lair, chuyên gia tại Trung tâm James Martin về Nghiên cứu Không phổ biến vũ khí (CNS) ở Mỹ, nhận xét.

Công trình nghi là tòa nhà lắp rắp thiết bị (khoanh đỏ) đang được xây dựng ở Nhà máy 11/2 trong ảnh chụp đầu tháng 10. Ảnh: Planet Labs

Hãng thông tấn Reuters nhận định tòa nhà đang xây dựng có kích thước tương đương 60-70% khu lắp ráp thiết bị tại Nhà máy 11/2 hiện nay. Đây là lần đầu tiên xuất hiện thông tin Triều Tiên đang mở rộng cơ sở này.

Michael Duitsman, chuyên gia của CNS, nhận định công trình xuất hiện trong ảnh vệ tinh có thể là cơ sở lưu trữ hoặc lắp ráp thiết bị.

Các nhà nghiên cứu tại SI Analytics, công ty Hàn Quốc chuyên dùng AI để phân tích ảnh vệ tinh, hôm 25/11 cũng xác nhận đang có hoạt động xây dựng tại Nhà máy 11/2.

Họ cho biết một số công trình đang thi công gần khu bốc dỡ hàng hóa, dường như nhằm hạn chế nguy cơ vệ tinh theo dõi hoạt động tại nhà máy trong tương lai. "Sự xuất hiện của vật liệu xây dựng, xe cơ giới xung quanh khu vực này cho thấy tiến độ xây dựng đang đẩy nhanh", SI Analytics cho hay.

Công trình được cho là khu nhà ở dành cho công nhân tại nhà máy 11/2 trong ảnh chụp đầu tháng 10. Ảnh: Planet Labs

Công ty Hàn Quốc cũng phát hiện hoạt động thi công ở Khu phức hợp Vinalon 8/2 gần đó, cơ sở được cho là nơi sản xuất nhiên liệu tên lửa đạn đạo Triều Tiên. Đây có thể là động thái nhằm tăng sản lượng nhiên liệu rắn hoặc UDMH, loại nhiên liệu lỏng quan trọng cho động cơ tên lửa.

Giới chức Triều Tiên chưa bình luận về thông tin.

Hwasong-11, phương Tây gọi là KN-23, có hình dáng giống đạn của tổ hợp 9K720 Iskander Nga và Hyunmoo-2B của Hàn Quốc. Tên lửa được trang bị đầu đạn nặng 500 kg, tầm bắn 450-600 km, sử dụng hệ thống dẫn đường quán tính và có thể tích hợp cả định vị vệ tinh.

Giới chuyên gia cho biết tên lửa Hwasong-11 được thử nghiệm lần đầu hồi tháng 5/2019 và có khả năng né tránh hệ thống phòng không đối phương bằng cách thay đổi quỹ đạo, thay vì đường bay dễ dự đoán như tên lửa đạn đạo truyền thống.

Ukraine cáo buộc Triều Tiên chuyển giao loại tên lửa này cho Nga để sử dụng trong chiến dịch tại nước láng giềng, song Moskva và Bình Nhưỡng đều bác bỏ.

Joseph Dempsey, nhà phân tích quân sự thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) có trụ sở tại Anh, nhận định Triều Tiên mở rộng nhà máy sản xuất tên lửa đạn đạo chủ yếu nhằm tăng cường kho vũ khí trong nước và đáp ứng mục tiêu do lãnh đạo Kim Jong-un đề ra, không liên quan đến Nga.

Phạm Giang (Theo Reuters)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020