175 quốc gia bước vào vòng đàm phán lần thứ 5 của Liên Hợp Quốc về hiệp ước toàn cầu đầu tiên nhằm chấm dứt rác thải nhựa, từ 25/11 – 1/12 tại Busan, Hàn Quốc. Nói với The Guardian, Bộ trưởng Phát triển Quốc tế Na Uy Anne Beathe Tvinnereim cho rằng các quốc gia phải hạn chế sản xuất ngay bây giờ và xử lý toàn bộ vòng đời của nhựa.
"Chúng ta cần tăng tái chế và quản lý rác thải. Nhưng nếu không giảm sản xuất và tiêu thụ, thế giới sẽ khó ứng phó được khối lượng nhựa trong 10 năm tới", bà Tvinnereim cho biết.
Tình trạng khủng hoảng nhựa được thừa nhận là mối đe dọa với sức khỏe con người, đa dạng sinh học và khí hậu. Năm nay, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy vi nhựa trong mọi mẫu nhau thai đưa vào thử nghiệm. Họ cũng tìm thấy nhựa trong động mạch của người, có liên quan đến các cơn đau tim và đột quỵ hay trong tinh hoàn và tinh dịch của con người.
Ô nhiễm nhựa tại bãi biển Sukaraja (Lampung, Indonesia), năm 2024. Ảnh: We Animals
Rác nhựa cũng được dự báo sẽ tăng gấp ba lần vào năm 2060, với một nửa được chôn lấp và chưa đến 1/5 được tái chế.
"Thế giới đang chìm trong ô nhiễm nhựa", Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres phát biểu qua video gửi tới phiên đàm phán.
Theo ông, đến năm 2050, nhựa có thể nhiều hơn cá trong đại dương. "Các vi nhựa trong máu gây ra nhiều vấn đề sức khỏe mà chúng ta mới manh nha hiểu được", ông cảnh báo, thúc giục các đại biểu đi đến một thỏa thuận về nhựa.
Các cuộc đàm phán cho một hiệp ước toàn cầu đầu tiên về nhựa bắt đầu từ cuối năm 2022, tại Uruguay. Tuy nhiên, các quốc gia vẫn tranh cãi quanh việc cắt giảm ngành công nghiệp nhựa trị giá 712 tỷ USD. Vòng đàm phán thứ 4 diễn ra hồi tháng 4 năm nay đã không đạt được thỏa thuận đưa mục tiêu sản xuất - được coi là chìa khóa để hạn chế rác thải nhựa - vào điều khoản của hiệp ước.
Na Uy đại diện cho hơn 60 quốc gia trong "Liên minh tham vọng cao", muốn giải quyết ô nhiễm nhựa trong toàn bộ vòng đời, hướng tới điểm xử lý mấu chốt là siết chặt sản xuất.
Trong khi đó, các quốc gia có ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch lớn như Arab Saudi, Nga và Iran, muốn tránh cắt giảm sản lượng nhựa và nhấn mạnh quản lý chất thải là giải pháp chính cho cuộc khủng hoảng này.
Các nước đang phát triển - nơi vốn phải chịu hậu quả của tình trạng sản xuất nhựa quá mức gây quá tải hệ thống xử lý rác thải của họ - đang kêu gọi cắt giảm trên toàn cầu.
Tình hình trở nên trầm trọng hơn trước quan ngại Mỹ - một trong những nhà sản xuất nhựa lớn nhất thế giới - có thể thay đổi lập trường. Tháng 8, Nhà Trắng tuyên bố sẽ ủng hộ hạn chế sản xuất nhựa trong hiệp ước này, đặt Mỹ vào cùng nhóm với EU, Kenya, Peru và các quốc gia khác trong "Liên minh tham vọng cao".
Tuy nhiên, tuyên bố này đang vướng nghi ngại với sự trở lại của Tổng thống đắc cử Donald Trump, vốn ủng hộ nhiên liệu hóa thạch. Reuters cho biết phái đoàn Mỹ không trả lời về khả năng đảo ngược lập trường ủng hộ hạn chế sản xuất nhựa.
Hiệp ước toàn cầu về nhựa rất quan trọng với Fiji - một quốc đảo ở Thái Bình Dương – trong nỗ lực bảo vệ hệ sinh thái mong manh và sức khỏe cộng đồng, Bộ trưởng Khí hậu kiêm trưởng đoàn đàm phán của Fiji Sivendra Michael cho biết.
Chia sẻ bên lề Hội nghị Biến đổi Khí hậu lần thứ 29 (COP29) tuần trước, ông Michael cho biết dù không sản xuất bất kỳ loại nhựa nào, Fiji vẫn gánh chịu hậu quả nặng nề nhất từ ô nhiễm hạ nguồn.
Trong khi ủng hộ một hiệp ước quốc tế, ngành công nghiệp hóa dầu kêu gọi các chính phủ tránh đặt giới hạn sản xuất nhựa bắt buộc và tập trung vào giải pháp giảm thiểu rác thải nhựa, như tái chế.
Một đề xuất khác được đưa ra là tìm kiếm các hình thức tài trợ để giúp các nước đang phát triển thực thi hiệp ước. Tại COP29, Pháp, Kenya và Barbados đưa ra loạt khoản thuế, phí toàn cầu với một số lĩnh vực nhất định, kỳ vọng giúp tăng số tiền huy động cung cấp cho các nước đang phát triển.
Ví dụ, việc áp phí 60-70 USD mỗi tấn với sản xuất nhựa nguyên sinh, có thể tăng khoản tiền hỗ trợ các nước nghèo lên 25-35 tỷ USD mỗi năm. Các nhóm ngành đã bác bỏ đề xuất này do sẽ gây tăng giá tiêu dùng.
Thủy Trương (Theo The Guardian, Reuters)