Chuyên mục  


Thủ tướng Thụy Điểm Ulf Kristersson ngày 26/11 thông báo giới chức đang yêu cầu tàu hàng Trung Quốc Yi Peng 3 di chuyển vào lãnh hải nước này để hỗ trợ điều tra các vụ đứt cáp quang dưới biển xảy ra gần đây tại Biển Baltic. Lãnh đạo cảnh sát Thụy Điển Per Engstrom khẳng định tàu Yi Peng 3 đã ở gần hai vị trí xảy ra sự cố đứt cáp "trong một số thời điểm".

Theo đài DR của Đan Mạch, tàu Yi Peng 3, xuất phát từ cảng St. Petersburg của Nga, đã thực hiện các thao tác bất thường, gồm thay đổi hướng đi và tốc độ gần các khu vực cáp bị đứt vào ngày 17 và 18/11. Hình ảnh mỏ neo con tàu, do đài DR thu thập, cho thấy các móc neo bị biến dạng, dấu hiệu cho thấy mỏ neo đã bị va chạm mạnh dưới đáy biển.

Tàu hàng Trung Quốc Yi Peng 3 di chuyển qua eo biển Great Belt, Đan Mạch, vào tháng 11. Ảnh: Storebaelt Bridge webcam

Quân đội Đan Mạch tuần trước cho biết đã giám sát chặt chẽ Yi Peng 3. Con tàu sau đó đã di chuyển vào vùng biển Kattegat, thuộc vùng đặc quyền kinh tế Đan Mạch và thả neo tại đó. Giới chức nước này không xác nhận liệu họ đã bắt tàu hàng Trung Quốc hay chưa.

Các tàu hải quân của NATO, bao gồm tàu tuần tra Đức và Thụy Điển, đã tham gia giám sát tàu Yi Peng 3. Tuy nhiên, ông Per Engstrom cho biết Thụy Điển cần có bằng chứng về hành vi phạm pháp trong vùng biển của mình để ra quyết định bắt giữ hoặc khám xét.

Các nước liên quan như Đan Mạch hay Thụy Điển chỉ có thẩm quyền điều tra một khi tàu Yi Peng 3 di chuyển vào lãnh hải của họ. Do đó, trong trường hợp này, Trung Quốc nhiều khả năng là nước sẽ phải quyết định sẽ xử lý sự việc như thế nào, theo Birgit Feldtmann, giáo sư luật tại Đại học Aalborg, Đan Mạch.

Giới chức Trung Quốc chưa bình luận về thông tin.

Đây không phải lần đầu tiên tàu Trung Quốc bị nghi liên quan đến các vụ hư hại hạ tầng viễn thông tại Biển Baltic.

Hồi đầu năm nay, tàu container Trung Quốc NewNew Polar Bear bị cáo buộc làm hư hại một đoạn cáp giữa Phần Lan và Estonia. Mỏ neo của tàu này được phát hiện gần đoạn cáp bị đứt, với các hư hỏng nghiêm trọng như đứt gãy và vết mẻ lớn. Giới chức Phần Lan chưa kết luận liệu sự việc là tai nạn hay hành động cố ý phá hoại.

Vị trí hai tuyến cáp quang bị đứt trên Biển Baltic. Đồ họa: Lecho

Các nước ven Biển Baltic hiện nghi ngờ hai vụ đứt cáp lần này không phải ngẫu nhiên.

"Không ai tin rằng các tuyến cáp này bị hư hại một cách tình cờ. Chúng tôi phải giả định đây là hành động phá hoại", Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius tuần qua nhận định.

Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock và người đồng cấp Phần Lan Elina Valtonen hôm 18/11 ra thông cáo chung cho biết hai nước đang điều tra vụ các tuyến cáp quang ở Biển Baltic "bị cắt đứt", nêu nghi vấn đây là "hành động phá hoại có chủ đích" nhưng không đưa ra cáo buộc nhằm vào bên nào cụ thể.

Quan chức Đức và Phần Lan nói rằng an ninh châu Âu đang bị đe dọa bởi xung đột Nga - Ukraine và "chiến tranh lai do những tổ chức ác ý gây ra". Chiến tranh lai là thuật ngữ dùng để chỉ loại hình chiến tranh kết hợp nhiều phương thức, từ chính trị, quân sự cho tới tấn công mạng và âm thầm phá hoại hạ tầng thiết yếu.

Thanh Danh (Theo Reuters, Maritime Executive)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020