Chuyên mục  


base64-1721218479236254321691.jpeg

Doanh nghiệp du lịch nêu các câu hỏi về tiếp cận vốn vay, ưu đãi thuế tại hội nghị đối thoại - Ảnh: N.BÌNH

Chiều 17-7, Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư phối hợp Sở Du lịch TP.HCM tổ chức hội nghị "Đối thoại giữa doanh nghiệp và chính quyền thành phố". Đây cũng là hội nghị đối thoại trực tiếp lần thứ 247 của Hệ thống đối thoại doanh nghiệp - chính quyền thành phố.

Các chủ đề về du lịch đêm, TP Thủ Đức (TP.HCM) thiếu vắng khách sạn có sao, các bất cập trong vận hành của doanh nghiệp vì quy định thiếu thống nhất... được doanh nghiệp lần lượt nêu lên.

Một vấn đề "nóng" được đại diện Công ty tư vấn xúc tiến Á Châu nêu lên: trên địa bàn TP Thủ Đức hiện nay không có khách sạn 3 sao có đủ điều kiện để đón và phục vụ khách du lịch. Sở Du lịch có kế hoạch tạo điều kiện để phát triển thêm các khách sạn ở khu vực này?

Đại diện Phòng quản lý cơ sở lưu trú du lịch (Sở Du lịch TP.HCM) cho biết trên địa bàn TP.HCM hiện nay có khoảng 3.200 cơ sở lưu trú du lịch các loại. Trong đó có hơn 200 đơn vị được thẩm định cấp cơ sở lưu trú du lịch từ 1 - 5 sao, tương ứng với 15.000 phòng đạt tiêu chuẩn.

Căn cứ Luật Du lịch 2017, các cơ sở lưu trú du lịch đáp ứng các yêu cầu về cơ sở vật chất và dịch vụ được quy định có thể lập hồ sơ gửi về Sở Du lịch đề nghị công nhận hạng sao trình tự và thủ tục quy định (hình thức tự nguyện).

Tại TP Thủ Đức, bên cạnh các khách sạn, các loại hình lưu trú khác như căn hộ du lịch, homestay nghỉ dưỡng có xu hướng phát triển nhanh, quy mô lớn. Tuy nhiên căn cứ theo Luật Du lịch năm 2017, nhiều khách sạn ở đây không đủ điều kiện từ 3 sao.

Lý do là các tiêu chí thẩm định khách sạn từ 3 sao trở lên căn cứ theo quy định vừa có tính bắt buộc vừa có cả yếu tố khuyến khích, trong đó có quy định cơ sở lưu trú xếp hạng 3 sao phải có phòng họp, hội nghị đủ tiêu chuẩn.

"Sở Du lịch sẽ phối hợp UBND TP Thủ Đức rà soát chất lượng, dịch vụ, vận động các căn hộ du lịch, homestay nghỉ dưỡng trên địa bàn có quy mô, chất lượng phù hợp đăng ký xếp hạng sao. Đồng thời khuyến khích các địa phương có chính sách ưu đãi nhằm thu hút các nhà đầu tư vào địa phương nâng cấp, mở rộng hệ thống, xây mới cơ sở lưu trú du lịch, dịch vụ đạt chuẩn phục vụ khách du lịch" - đại diện Sở Du lịch nói.

Đề xuất tiếp tục nới lỏng chính sách thị thực

Về lượng khách quốc tế, nhiều doanh nghiệp cũng bày tỏ sự sốt ruột khi mới đây Thái Lan đã mở quyết định miễn thị thực khách cho 93 nước. Theo đại diện sở, 6 tháng đầu năm 2024 thành phố đã đón 2,6 triệu lượt, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 44,6% so với kế hoạch năm.

"Mùa cao điểm khách quốc tế rơi vào những tháng cuối năm, do đó có thể hy vọng hoàn thành mục tiêu 5 triệu khách. Hiện TP cũng nghiên cứu mỗi tháng tổ chức một sự kiện để kéo dài thời gian lưu trú của du khách. Riêng ngành du lịch có ba sự kiện chủ chốt là Hội chợ du lịch quốc tế (ITE), Tuần lễ du lịch TP.HCM và cuối cùng là giải chạy marathon quốc tế", đại diện Sở Du lịch TP thông tin.

Đại diện Cục Xuất nhập cảnh cho biết từ ngày 15-8-2023, Việt Nam quyết định mở rộng cấp thị thực điện tử (e-visa) cho công dân tất cả các nước, vùng lãnh thổ và nâng thời hạn tạm trú từ 30 lên 90 ngày, với số lần xuất nhập cảnh không giới hạn.

Thời gian làm thủ tục trên môi trường điện tử sau 3 ngày là có kết quả. Chính sách này là rất thông thoáng so với các quốc gia khác, khi không có nhiều ràng buộc hay chứng minh tài chính…

Tại hội nghị, một số doanh nghiệp cũng nêu băn khoăn về chính sách ưu đãi thuế cũng như tiếp cận vốn vay trong ngành du lịch. Đại diện Công ty Việt Mỹ tours cho biết vốn lưu động bị "chôn" ở các booking đặt cọc vé máy bay rất lớn, nhưng doanh nghiệp rất khó đi vay để duy trì dòng tiền.

Theo bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, phó giám đốc Sở Du lịch TP, từ ngày 1-7-2024, thuế VAT của các doanh nghiệp sẽ quay trở về mức ban đầu. Để hỗ trợ doanh nghiệp, Sở Du lịch TP sẽ kiến nghị Cục Thuế TP nghiên cứu quy định pháp luật để có chính sách hỗ trợ phù hợp cho đơn vị trong tình hình giai đoạn sắp tới.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020