Chuyên mục  


Ngày 16/1, TS.BS Phạm Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết bệnh nhi một tháng tuổi, ngụ Gia Lai, bị thận niệu quản đôi gây ứ nước thận. Đây là dị tật ở đường tiết niệu trên, tỷ lệ khoảng dưới 1% trường hợp, nữ nhiều hơn nam. Dị tật thận đôi mang nhiều hình thái, có thể thận niệu quản đôi một bên hoặc hai bên, hoàn toàn hoặc không hoàn toàn.

Đặc biệt, bé có khối sa niệu quản lớn chiếm gần toàn bộ lòng bàng quang, gây tắc nghẽn, nhiễm trùng tiểu và tiểu khó.

Bác sĩ Thạch cùng ê kíp đã áp dụng kỹ thuật mới học từ Pháp, nội soi qua niệu đạo vào bàng quang, đồng thời luồn kim nhỏ qua da trên xương mu để cố định thành trước nang niệu quản. Nhờ đó, việc xác định tổn thương và xẻ nang trở nên dễ dàng hơn. Trước đây, phương pháp truyền thống gặp nhiều khó khăn khi xử lý các khối túi sa lớn, dễ gây tổn thương niệu quản và bàng quang.

Nhân viên y tế thao tác trong phòng phẫu thuật. Ảnh: Quỳnh Trần

Sau phẫu thuật, tình trạng nhiễm trùng cải thiện, chức năng thận phục hồi. Bé xuất viện sau 5 ngày, bú tốt, không để lại sẹo mổ.

Hiện Bệnh viện Nhi đồng 2 là cơ sở duy nhất tại Việt Nam triển khai kỹ thuật dùng kim luồn trên xương mu để điều trị tắc nghẽn niệu quản. Phương pháp này đòi hỏi tay nghề cao và dụng cụ chuyên dụng, hiện chỉ được thực hiện ở một số ít nơi trên thế giới.

Mỗi năm, bệnh viện tiếp nhận 12-15 ca nang niệu quản, thường đi kèm thận niệu quản đôi. Nếu không điều trị, bệnh có thể gây nhiễm trùng tiết niệu tái phát, sỏi niệu quản, xơ thận và suy giảm chức năng thận.

Lê Phương

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020