Trong phiên điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ hôm 15/1, thượng nghị sĩ Marco Rubio, người được Tổng thống đắc cử Donald Trump đề cử làm ngoại trưởng Mỹ, đã giải thích cách ông sẽ làm để chấm dứt chiến sự Ukraine trong vai trò lãnh đạo Bộ Ngoại giao.
Theo Rubio, trên cương vị ngoại trưởng, ông sẽ đưa ra lập trường chính thức của Mỹ là cần phải chấm dứt chiến tranh ở Ukraine, điều mà ông cho rằng khác với chính quyền Tổng thống Joe Biden.
Ông Rubio phát biểu tại phiên điều trần trước Thượng viện Mỹ hôm 15/1. Ảnh: AFP
"Chính quyền Biden chưa bao giờ xác định rõ ràng mục tiêu cuối cùng của cuộc xung đột là gì. Chúng ta thực sự đang tài trợ cho điều gì? Chúng ta đang chi tiền vào cái gì?", Rubio nói. "Họ nhiều lần nói rằng chiến sự kéo dài bao lâu cũng được. Đó không phải là lập trường thực tế hay khôn ngoan".
Đây là sự thay đổi so với cách tiếp cận của chính quyền Tổng thống Biden, người cam kết sẽ ủng hộ Ukraine cho đến khi Kiev giành chiến thắng.
Rubio giải thích rằng dù Mỹ và các đồng minh có viện trợ bao nhiêu, Ukraine cũng không đủ mạnh để tiếp tục chiến sự với Nga. "Vấn đề mà Ukraine đang đối mặt không phải là họ hết tiền, mà là họ đang hết người", ông nói.
Theo ông, Nga sẽ không thể kiểm soát toàn bộ đất nước rộng lớn như Ukraine, và Kiev cũng không thể đẩy lùi được lực lượng Moskva ra khỏi những vùng lãnh thổ mà họ đã kiểm soát.
Rubio cho rằng chiến sự Ukraine cần được kết thúc bằng chính sách ngoại giao táo bạo, đòi hỏi cả hai bên cần nhượng bộ. Tuy nhiên, ứng viên ngoại trưởng Mỹ thừa nhận ông chưa biết kế hoạch tổng thể sẽ như thế nào.
Ông cũng bác bỏ nguyên tắc quan trọng trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Joe Biden là ưu tiên "trật tự dựa trên luật lệ" do Mỹ dẫn đầu.
Thay vào đó, ông Rubio ủng hộ nguyên tắc "Nước Mỹ trước tiên" của ông Trump. "Trật tự toàn cầu hậu Thế chiến II không chỉ lỗi thời mà còn đang được sử dụng làm vũ khí chống lại chúng ta", ông nói tại phiên điều trần.
Rubio mô tả Trung Quốc là "đối thủ ngang hàng mạnh và nguy hiểm nhất" mà Mỹ từng phải đối mặt, đồng thời cảnh báo về những tác động nghiêm trọng nếu Washington không hành động.
"Nếu Mỹ tiếp tục con đường hiện tại, trong vòng chưa đầy 10 năm nữa, gần như mọi thứ quan trọng với chúng ta trong cuộc sống sẽ phụ thuộc vào Trung Quốc, từ thuốc huyết áp cho đến những gì chúng ta xem trên phim ảnh", Rubio nói.
Thượng nghị sĩ bang Florida cũng cam kết sẽ tăng cường năng lực cho lực lượng phòng vệ Đài Loan để ngăn chặn kịch bản "can thiệp quân sự". Trong quá trình tranh cử, ông Trump từng đặt câu hỏi về vấn đề Đài Loan, cho rằng chính quyền hòn đảo cần trả thêm tiền để được Mỹ hỗ trợ trong hoạt động phòng thủ.
Trung Quốc chưa bình luận về phát biểu của ông Rubio. Trung Quốc luôn xem Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời và sẵn sàng sử dụng mọi biện pháp để thống nhất hòn đảo. Lãnh đạo Trung Quốc cũng nhiều lần khẳng định không loại trừ biện pháp sử dụng vũ lực để thu hồi hòn đảo, dù chủ trương chung vẫn là đối thoại và thống nhất trong hòa bình.
Ông Rubio là một trong những thượng nghị sĩ tích cực kêu gọi Mỹ có lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc. Trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, thượng nghị sĩ Rubio từng ủng hộ chính sách công nghiệp nhằm tăng cạnh tranh của Mỹ đối với nền kinh tế Trung Quốc.
Chính trị gia này nhiều khả năng sẽ được Thượng viện Mỹ phê chuẩn làm ngoại trưởng, qua đó trở thành người Mỹ gốc Latin đầu tiên đảm nhận vai trò lãnh đạo Bộ Ngoại giao.
Cũng trong cuộc điều trần, dù không nhắc đến khả năng Mỹ rời NATO, Rubio nói Washington cần phải tự hỏi rằng liệu nước này có nên "tiếp tục giữ vai trò phòng thủ chính" trong liên minh, hay để châu Âu chịu trách nhiệm nhiều hơn.
Ông Rubio cũng ủng hộ các nỗ lực ngoại giao đã giúp đạt được lệnh ngừng bắn ở Gaza, song nhấn mạnh sẽ kiên quyết đứng về phía Israel.
Phạm Giang (Theo AFP, CNN, AP)