|
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro tại một doanh trại ở Caracas ngày 30/1. Ảnh: AFP. |
"Những kẻ đào ngũ đã trở thành lính đánh thuê cho Colombia và lập âm mưu từ Colombia để chia rẽ lực lượng vũ trang do tôi chỉ huy", Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro ngày 30/1 nói khi ông dẫn đầu một đoàn quân gồm 2.500 binh sĩ diễu hành tại một doanh trại ở Caracas, theo AFP. "Chúng ta đang đối mặt với những âm mưu và chúng ta đánh bại chúng mỗi ngày".
Trước đó, trong cuộc phỏng vấn với truyền thông Nga, Maduro cáo buộc Tổng thống Trump yêu cầu chính phủ và các tổ chức mafia của Colombia ám sát ông.
Lãnh đạo Venezuela từng nhiều lần cáo buộc Mỹ và Colombia đứng sau các âm mưu ám sát, trong đó có vụ tấn công bằng máy bay không người lái gắn chất nổ trong lễ duyệt binh ở Caracas tháng 8/2018. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Colombia Carlos Holmes hôm qua khẳng định Colombia sẽ chỉ đóng vai trò chính trị và ngoại giao trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng tại Venezuela.
Maduro đang ở thế đối đầu với Juan Guaido, thủ lĩnh đối lập tuần trước tuyên bố mình là tổng thống lâm thời. Washington và một số nước Mỹ Latin ủng hộ Guaido và gọi Maduro là tổng thống bất hợp pháp. Mỹ đưa ra gói trừng phạt đối với tập đoàn dầu khí quốc gia Venezuela (PDVSA) nhằm cắt nguồn thu ngoại tệ từ dầu mỏ của chính quyền Maduro.
Tuy nhiên, Nga, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Cuba vẫn công nhận Maduro và cảnh báo về âm mưu sử dụng vũ lực nhằm can thiệp vào công việc nội bộ của Venezuela.
Colombia và Venezuela từng là tỉnh Santa Marta và tỉnh New Andalucia dưới thời thực dân Tây Ban Nha vào thế kỷ 16, nhưng sau đó giành độc lập dưới sự lãnh đạo của Simon Boliviar và trở thành một quốc gia với tên gọi Đại Colombia. Sau khi tách ra vào thế kỷ 19, hai quốc gia láng giềng này chứng kiến mối quan hệ thay đổi liên tục giữa đối đầu và hợp tác.
Hai nước luôn thể hiện sự hoài nghi và ngờ vực lẫn nhau. Colombia thường xuyên cáo buộc Venezuela cung cấp nơi ẩn náu cho các phần tử nổi dậy Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia (FARC), trong khi Caracas cho rằng Bogota hậu thuẫn Washington để thực hiện các âm mưu lật đổ nhắm vào mình.
Tình trạng lạm phát phi mã và khan hiếm nhu yếu phẩm cùng tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt suốt 5 năm qua đã khiến vài triệu người Venezuela rời bỏ đất nước để tìm kiếm cuộc sống tốt đẹp hơn, trong đó nhiều người đã tràn qua biên giới Colombia để xin tị nạn.