Khi Tổng thống Joe Biden kết thúc bài phát biểu tại Nhà Trắng vào chiều 15/1 sau khi thông báo Israel và Hamas đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn tại Dải Gaza, một nhà báo đặt câu hỏi về vai trò của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump trong thúc đẩy đàm phán thành công.
"Ông nghĩ ai là người xứng đáng được ghi công trong thỏa thuận này, là ông hay ông Trump", nữ phóng viên hỏi khi ông Biden đã bước khỏi bục phát biểu cùng Phó tổng thống Kamala Harris và Ngoại trưởng Antony Blinken, chuẩn rời khỏi phòng họp báo.
Ông quay lại, nở nụ cười nửa miệng và đáp lại: "Cô nói đùa đấy à?". Sau khi người phóng viên nói rằng mình không đùa, ông Biden chỉ thốt lên "ồ" rồi quay lưng vừa bỏ đi vừa nói "cảm ơn" và không bình luận gì thêm.
Tổng thống Biden đáp lời phóng viên khi được hỏi nên ghi công ông hay Tổng thống đắc cử Trump trong thỏa thuận ngừng bắn ở Dải Gaza. Video: Reuters
Các bên trung gian gồm Mỹ, Qatar và Ai Cập đồng loạt thông báo Israel - Hamas đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở Dải Gaza. Tổng thống Biden và Tổng thống đắc cử Trump đều nhận công lao về mình trong thúc đẩy thành tựu này. Thỏa thuận sẽ có hiệu lực vào ngày 19/1, chỉ một ngày trước khi ông Trump nhậm chức.
Tổng thống Joe Biden khẳng định thỏa thuận ngừng bắn Israel - Hamas "bám sát khung sườn" đề xuất của ông hồi tháng 5/2024. Ông nhấn mạnh đã "không ngừng nỗ lực dùng ngoại giao để đạt được thành quả hôm nay".
"Thỏa thuận không chỉ là kết quả từ việc Hamas bị đặt dưới áp lực khổng lồ, cũng như biến động trong bối cảnh khu vực sau lệnh ngừng bắn ở Lebanon còn Iran bị suy yếu. Thỏa thuận này còn là thành quả của những nỗ lực ngoại giao không ngừng nghỉ và khôn khéo của Mỹ", ông nói.
Trong khi đó, Tổng thống đắc cử Trump nói thỏa thuận ngừng bắn ở Dải Gaza "có được là nhờ "chiến thắng lịch sử" của ông trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11/2024.
"Chiến thắng đó đã thông báo với toàn thế giới rằng chính quyền của tôi sẽ thúc đẩy hòa bình, đàm phán các thỏa thuận đảm bảo an toàn cho tất cả người dân Mỹ và đồng minh", ông Trump viết trên mạng xã hội Truth Social.
Ông Trump nhấn mạnh Steve Witkoff, người được ông chọn làm đặc phái viên cho các vấn đề Trung Đông, sẽ tiếp tục "phối hợp chặt chẽ cùng Israel và các đồng minh nhằm bảo đảm Dải Gaza không bao giờ trở thành nơi trú ngụ" cho các tổ chức cực đoan.
Tổng thống đắc cử Donald Trump phát biểu trong sự kiện ở Phoenix, bang Arizona, vào ngày 22/12/2024. Ảnh: AFP
Hãng tin AP nhận định cả ông Biden lẫn ông Trump dường như đang cố gắng biến thỏa thuận ngừng bắn ở Dải Gaza trở thành "mảnh ghép thành công tại Trung Đông trong di sản nhiệm kỳ".
Chính quyền đương nhiệm đã nỗ lực trong nhiều tháng qua để thúc đẩy Hamas và Israel đạt được đồng thuận trên bàn đàm phán, thông qua đối thoại trung gian và các chuyến thăm của quan chức cấp cao đến Israel và Trung Đông. Trong khi đó, ông Trump nhiều lần đưa ra thông điệp cứng rắn, cảnh báo Hamas sẽ trả giá đắt nếu không chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn trước khi ông nhậm chức.
Jonathan Panikoff, giám đốc chương trình Sáng kiến An ninh Trung Đông Scowcroft, thuộc tổ chức tư vấn chính sách Hội đồng Đại Tây Dương, nhận định ông Biden xứng đáng được khen ngợi khi đã kiên trì thúc đẩy đối thoại, dù đàm phán Israel - Hamas nhiều lần đổ vỡ vào phút chót.
Tuy nhiên, Panikoff cho rằng những thông điệp mạnh mẽ từ ông Trump, cũng như việc Witkoff chủ động tham gia đàm phán ở Doha từ ngày 5/1, đã góp phần dẫn đến thỏa thuận chấm dứt 15 tháng chiến sự ở Dải Gaza.
"Giữa giai đoạn nước Mỹ phân cực sâu sắc về đối ngoại, thỏa thuận này đã chứng tỏ Mỹ có thể đưa ra được những chính sách mạnh mẽ và giàu sức ảnh hưởng hơn rất nhiều khi hai đảng chịu hợp tác", Panikoff bình luận. "Nếu không có sự nỗ lực từ cả hai người, thỏa thuận có khả năng thành công thấp hơn nhiều".
Thanh Danh (Theo AP, Reuters, Fox)