Chuyên mục  


base64-1729613886148732495554.jpeg

Nhiều mặt hàng mang nhãn mác các thương hiệu lớn đều có xuất xứ Trung Quốc rất thu hút khách hàng vì giá thành không quá cao - Ảnh: THANH HIỆP

Lý giải vì sao hàng Việt Nam được sản xuất và phân phối tại chỗ nhưng ngày càng bị thu hẹp thị phần để cho hàn g Trung Quốc chiếm lĩnh, nhiều doanh nghiệp cho rằng do phần lớn nguyên liệu đều được nhập từ Trung Quốc, chưa kể chi phí sản xuất trong nước đang cao hơn khá nhiều.

Hàng Trung Quốc tràn ngập các chợ

Ghi nhận tại nhiều chợ ở TP.HCM, lượng hàng thời trang như quần áo, giày dép, túi xách... có xuất xứ từ Trung Quốc đang ngày càng phổ biến.

Tại các chợ sỉ như chợ Tân Bình (quận Tân Bình), chợ An Đông (quận 5)... không khó để khách hàng tìm được những chiếc túi xách, đôi giày dép hàng Trung Quốc có giá từ vài chục nghìn đồng đến vài trăm nghìn đồng. Thậm chí những phụ kiện như kẹp tóc, dây cột tóc... chỉ có giá vài nghìn đồng với đủ các thương hiệu.

Là tiểu thương bán quần áo tại khu vực chợ An Đông nhiều năm nay, bà Đặng Thị Lệ Nguyên xác nhận trước đây hàng Việt Nam chiếm khoảng 40 - 50%, còn lại là hàng Trung Quốc. Tuy nhiên khoảng 5 - 6 năm trở lại đây, hàng Trung Quốc tăng dần và đến nay gần như "bá chủ" với tỉ lệ 70 - 80%, thậm chí có dòng sản phẩm như váy đầm có loại chiếm tuyệt đối.

"Ngoài mẫu mã ngày càng đa dạng, hàng Trung Quốc có giá nhập vào thường rẻ hơn hàng Việt 5 - 15%, thậm chí 20 - 25%. Đơn cử cùng chiếc váy ôm, hàng trong nước có giá 200.000 - 250.000 đồng nhưng hàng Trung Quốc 150.000 - 200.000 đồng", bà Nguyên nói, đồng thời cho biết nhờ đó mà hàng Trung Quốc thường dễ bán và dễ kiếm lời hơn so với hàng Việt.

Tương tự, là chợ truyền thống quy mô nhỏ nhưng tầng trên của chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh) và chợ Thủ Đức (TP Thủ Đức) cũng bày bán nhiều sản phẩm thời trang, phụ kiện thời trang... có xuất xứ Trung Quốc.

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 21-10, bà Nguyễn Thị Bình, tiểu thương chợ Thủ Đức, cho biết hàng phụ kiện thời trang trong nước trước giờ gần như lép vế so với hàng Trung Quốc nên tiểu thương muốn nhập hàng Việt cũng khó. Trong khi đó hàng thời trang là câu chuyện buồn vì hàng Việt Nam ngày càng thất thế, buộc tiểu thương phải thay đổi.

"Trước đây quanh khu chợ Tân Bình có hàng trăm chỗ may quần áo gia công, may hàng thời trang giá rẻ, người bán lẻ tại các chợ truyền thống có thể nhập trực tiếp từ đây. Nhưng những năm gần đây, số lượng các tiệm may tại đây giảm mạnh, giá bán cũng không hấp dẫn bằng hàng Trung Quốc nhập về", bà Bình nói.

Đua bán online hàng Trung Quốc

Không chỉ bán hàng trực tiếp (offline), nhiều tiểu thương tại các chợ cũng đua bán online với hàng Trung Quốc, nhiều tiểu thương tăng bán online và giảm offline.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Thái Bình Sơn, trưởng ban quản lý chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình), cho biết thời gian qua đã nhiều lần chợ này đã mời chuyên gia bán hàng online, kết hợp với TikTok... hỗ trợ, đào tạo cho hàng trăm tiểu thương tăng bán online.

"Bán hàng trực tiếp giờ khó sống quá nên định hướng cho tiểu thương tăng bán hàng online, bán hàng giá rẻ để cạnh tranh là hợp lý. Dù tăng bán online, tăng bán hàng Trung Quốc thì cũng đành chấp nhận vì tiểu thương phải sống trước đã", ông Sơn nói.

Tương tự, xác nhận hàng thời trang và đồ gia dụng Trung Quốc xuất hiện ngày càng nhiều tại chợ nhưng bà Đoàn Thị Thu Hà, đại diện ban quản lý chợ Thủ Đức, cho rằng điều đó tất yếu trong việc cung - cầu vì hàng Trung Quốc dần được nhiều người tiêu dùng lựa chọn.

"Nhiều tiểu thương có xu hướng chọn thu gọn việc bán offline tại chợ để tăng nhập hàng Trung Quốc về livestream bán online, chấp nhận làm cánh tay nối dài để tiêu thụ hàng. Đây là điều đáng buồn, nhưng chúng tôi không thể can thiệp", bà Hà nói.

Theo nhiều tiểu thương, bán hàng offline tại chợ có bị ế cũng phải đóng tiền điện, nước, thuế phí các loại. Trong khi đó, nhập hàng Trung Quốc về bán online có lợi là ngoài giá tốt, mẫu mã ra mới liên tục nên dễ thu hút khách hơn hàng Việt.

Chưa kể nhiều kênh tuyển phân phối sỉ và lẻ đang áp dụng chính sách giảm phí ship hàng, phí quảng cáo cho kênh online nếu đại lý bán hàng Trung Quốc.

Tuy vậy, theo bà Đặng Thị Lệ Nguyên, việc bán hàng Trung Quốc chỉ là giải pháp để tiểu thương "sống qua ngày" vì việc cạnh tranh đang ngày càng lớn, đặc biệt cạnh tranh lại với chính hàng Trung Quốc được bán tràn ngập trên các trang thương mại điện tử, thậm chí giờ còn được nhiều doanh nghiệp Trung Quốc bán xuyên quốc gia.

banh-xuat-xu-tq-7-read-only-1729613828458261316183.jpg

Bánh xuất xứ Trung Quốc được bày bán ở vị trí dễ thu hút khách bên trong cửa hàng tại TP Thủ Đức (TP.HCM) - Ảnh: BÔNG MAI

Hàng Việt thua ngay trên sân nhà

Giải thích lý do nhiều mặt hàng thời trang Việt Nam được bán trực tiếp cho các đơn vị phân phối, người tiêu dùng trong nước nhưng lại có giá cao hơn so với hàng nhập từ Trung Quốc, đại diện Hội Da giày TP.HCM cho biết dù sản xuất trong nước nhưng thực chất nhiều doanh nghiệp phải nhập trên 70 - 80% nguyên phụ liệu từ Trung Quốc. Chưa kể dây chuyền công nghệ cũng nhập từ quốc gia này.

Theo vị này, nguyên phụ liệu chính như chỉ may, khóa, vải, da, nhựa... được doanh nghiệp nhập về từ Trung Quốc thường sẽ có giá cao hơn so với chính doanh nghiệp tại Trung Quốc nhập vào.

Hơn nữa máy móc phục vụ cho sản xuất tại Việt Nam cũng đi sau về độ hiện đại, năng suất so với doanh nghiệp tại Trung Quốc sử dụng.

"Đây là hai yếu tố chính cấu thành giá thành sản phẩm thời trang nhưng Việt Nam đều thua, thêm khâu vận chuyển hàng Trung Quốc về ngày càng dễ dàng, thậm chí nhanh hơn chuyển hàng từ Hà Nội vào TP.HCM. Do đó nhiều mặt hàng Việt thua ngay trên sân nhà cũng là điều dễ hiểu", vị này nói.

Là người có thâm niên trong lĩnh vực sản xuất thời trang hơn 30 năm, bà Nguyễn Thị Phượng, giám đốc một công ty tại TP.HCM, cho biết trước 2019 hàng thời trang Việt Nam vẫn sống khỏe, thậm chí nhiều đơn vị làm giàu với thương hiệu thời trang riêng.

Nhưng từ thời điểm dịch COVID-19 đến nay gần như không thể sống nổi. Riêng công ty bà từ hơn 80 điểm bán năm 2019 nay chỉ còn gần 40 điểm và khả năng sẽ khai tử kênh bán hàng này vì "chịu không nổi" với hàng Trung Quốc.

"Nhờ nguyên phụ liệu tại chỗ, máy móc hiện đại và sản xuất trên quy mô rất lớn cho cả tỉ dân, hàng Trung Quốc có giá thành thường thấp hơn 20 - 25% so với hàng cùng loại được sản xuất tại Việt Nam, thậm chí có dòng sản phẩm tới 50%", bà Phượng nói.

Theo bà, những thương hiệu thời trang lớn của Việt Nam còn tồn tại nhưng thực tế cũng đang ngày càng teo tóp. Nếu không có chính sách tốt về sản xuất và giảm giá, những thương hiệu này cũng sẽ sớm bị loại bỏ.

Có thâm niên trong lĩnh vực nhập hàng thời trang Trung Quốc, ông Ngô Hoàng Tiến (TP.HCM) cho biết ngoài số ít nhập qua đối tác, phần lớn thương nhân tại Việt Nam chọn nhập hàng từ các chợ sỉ ở Trung Quốc vì giá rẻ, mẫu mã đa dạng, đặc biệt là hàng Quảng Châu - nơi có rất nhiều chợ sỉ bán hàng thời trang mà khách Việt mua nhiều như chợ Thiên Mã, chợ Shisanhang, chợ Bạch Mã...

"Dân thời trang thường nói cụm từ "đánh hàng Quảng Châu" chính là nhập hàng từ địa danh này về bán. Không chỉ thời trang may sẵn, những sản phẩm như phụ kiện thời trang, vải... tại đây cũng được bày bán tràn ngập với đủ loại giá, nhập về giá rẻ hơn hàng Việt, cạnh tranh sao nổi!", ông Tiến nói.

- TS VÕ TRÍ THÀNH (viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh):

Nên đánh thuế với hàng nhập có giá dưới 1 triệu đồng

4f89d5942ddf9581ccce-read-only-17296138284501786196076.jpg

Câu chuyện lo ngại cạnh tranh với hàng Trung Quốc nhập khẩu xuyên biên giới thông qua con đường thương mại điện tử không chỉ với Việt Nam mà ở nhiều nước, đặc biệt là các mặt hàng tiêu dùng, thời trang...

Thời gian qua do nền kinh tế trong nước gặp khó khăn và nguồn cung dư thừa, các doanh nghiệp Trung Quốc đã đẩy mạnh hàng hóa ra thị trường nước ngoài, khiến nhiều nước tràn ngập hàng hóa Trung Quốc.

Nhờ các chính sách hỗ trợ về vận chuyển, các sản phẩm này lại có mẫu mã đẹp, giá cạnh tranh nên khi vào Việt Nam đã gây khó cho hàng hóa trong nước bởi người tiêu dùng luôn ưu tiên chọn mua sản phẩm có giá tốt nhất.

Do vậy các cơ quan chức năng cần có giải pháp nhằm giảm sức ép cạnh tranh cho doanh nghiệp nội địa, đồng thời ngăn chặn việc thị trường Việt Nam tràn ngập hàng kém chất lượng của Trung Quốc.

Có thể áp dụng ngay việc đánh thuế với hàng nhập khẩu dưới 1 triệu đồng, hàng hóa nhỏ lẻ nhưng cần đánh giá kỹ lưỡng để xem hiệu quả như thế nào trước khi có giải pháp tổng thể lâu dài hơn.

Tuy nhiên điều quan trọng nhất là nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam, hỗ trợ hàng Việt nhiều hơn nữa và có phương thức cạnh tranh trên môi trường thương mại điện tử. Đó là việc hoàn thiện khung khổ pháp lý, gắn với thực hiện các cam kết.

d74e0b795a2ce272bb3d-read-only-172961382846475172099.jpg

- TS TÔ HOÀI NAM (phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa):

Cần có chính sách bảo vệ hàng nội địa

Việc có quy định chi tiết về tiêu chuẩn hàng dùng trong nội địa là cần thiết, bởi đời sống người dân ngày càng nâng lên, cơ quan chức năng cần quan tâm hơn vấn đề này.

Việt Nam đã ký nhiều hiệp định quốc tế nên phải tuân theo, không thể chơi một mình một sân. Tuy nhiên, nếu có chính sách bảo vệ hàng nội, bảo vệ sản xuất trong nước, nhiều sản phẩm như nông sản, dệt may, da giày, đồ nhựa... của Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh được trên sân nhà.

Vì vậy ngoài biện pháp pháp lý, cần tuyên truyền vận động ưu tiên dùng hàng Việt vì nhiều loại hàng hóa trong nhóm hàng thiết yếu có thể cạnh tranh được.

base64-1729614033954938719214.jpeg

Lượng hàng gửi đi tỉnh giảm mạnh khiến tiểu thương kinh doanh thời trang ở nhiều chợ sỉ gặp khó - Ảnh: N.TRÍ

Hàng Trung Quốc gắn mác hàng Việt

Theo bà Nguyễn Thị Phượng, có thực tế là nhiều dòng hàng Trung Quốc tuy giá cạnh tranh nhưng cũng khá chất lượng, đặc biệt là hàng nhập chính ngạch.

Tuy nhiên, không ít tình trạng nhập lậu hoặc nhập chính ngạch về được người bán "hô biến" thành hàng Việt hoặc các nước khác bằng cách cắt và đổi nhãn mác. Nên trên thực tế tỉ lệ hàng thời trang Trung Quốc tại Việt Nam đang cao hơn nhiều so với thống kê.

Sạp nghỉ dài hạn, sạp cho bán miễn phí

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Thái Bình Sơn cho biết chợ có hơn 654 hộ kinh doanh, trong đó có khoảng 360 hộ kinh doanh thời trang (chủ yếu quần áo, giày dép).

Tuy nhiên do kinh doanh khó khăn nên số lượng hộ kinh doanh thời trang đang rơi rụng dần khá nhiều.

"Nhiều sạp tạm đóng cửa, trường hợp cho thuê lại sạp thì chủ sạp phải đưa ra giá rất thấp, thậm chí cho người bán miễn phí, chỉ đóng tiền thuế, phí theo quy định chỉ để giữ lại sạp", ông Sơn nói.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020