Các đại biểu tham dự Hội thảo "Tiếp sức hàng Việt trên sàn thương mại điện tử" - Ảnh: HỮU HẠNH
Hội thảo: "Tiếp sức hàng Việt trên sàn thương mại điện tử" do Báo Tuổi Trẻ phối với Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức, với sự đồng hành của Tập đoàn KIDO, Công ty Shopee Việt Nam.
Hội thảo diễn ra trong bối cảnh việc đưa hàng Việt lên các sàn thương mại điện tử là một cơ hội lớn để các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường rộng lớn.
Các sàn thương mại điện tử đã trở thành kênh phân phối quan trọng, giúp hàng hóa đến tay người tiêu dùng một cách nhanh chóng và tiện lợi. Tuy nhiên, để thành công trên các sàn thương mại điện tử, hàng Việt phải đối mặt với rất nhiều thách thức.
Đặc biệt gần đây, sự đổ bộ của thương mại điện tử xuyên biên giới như Taobao, Tamu đã bộc lộ rõ hơn sức năng lực sản xuất, bán hàng của doanh nghiệp trong nước.
Mở đầu hội thảo "Tiếp sức hàng Việt trên sàn thương mại điện tử" chiều 20-11, ông Trần Xuân Toàn, phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, cho biết cách dây vài tháng, báo Tuổi Trẻ đã đề cập câu chuyện thương mại điện tử xuyên biên giới sôi động, sau đó tuyến bài nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc phản hồi.
Trong số đó, nhiều ý kiến bày tỏ lo lắng về sự bất thường của đơn hàng mua từ các nước chỉ cần 1-2 ngày đã được giao về TP.HCM.
Nhà báo Trần Xuân Toàn, phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, phát biểu khai mạc Hội thảo: "Tiếp sức hàng Việt trên sàn thương mại điện tử" - Ảnh: HỮU HẠNH
"Phương thức vận chuyển với tốc độ quá nhanh và quá rẻ vậy là vì sao?". Để trả lời câu hỏi này, hai phóng viên của báo Tuổi Trẻ đã sang tận Trung Quốc tìm hiểu phương thức giao nhận và cung đường đi của món hàng. Và hành trình 10.000 km để có mặt ở thủ phủ của Trung Quốc đã giúp làm rõ hơn đường hàng từ Trung Quốc vào Việt Nam.
Trung Quốc đã hình thành cụm "Thành phố 15 phút" nhằm giải thích tốc độ giao hàng của một đơn hàng kể từ khi người mua hàng click chuột chốt đơn. Vậy làm thế nào trong thời gian ngắn, một món hàng đã được giao đến người tiêu dùng. Vì sao một món hàng cùng trải qua cung đường dài nhưng chi phí lại rẻ hơn ngay tại Việt Nam?
Nếu tình hình thương mại điện tử xuyên biên giới tiếp tục phát triển thì sản phẩm nội địa sẽ cạnh tranh như thế nào? Làm sao hệ thống logistics trong nước phát triển? Cần có chính sách thuế, nhân lực như thế nào để cải thiện, tăng sức cạnh tranh?
"Tuyến bài nhiều kỳ vẫn chưa thỏa mãn được câu hỏi đặt ra, đây là lý do để báo Tuổi Trẻ cùng Vecom tổ chức hội thảo ngày hôm nay", ông Xuân Toàn nhấn mạnh.
Với sự tham gia đa dạng thành phần từ các doanh nghiệp trong lĩnh vực quảng cáo, thuế, doanh nghiệp sản xuất, người bán hàng… ông Trần Xuân Toàn cũng nhấn mạnh, hội thảo tập trung vào 4 vấn đề: Nhận diện thực trạng phát triển của thương mại điện tử ở Việt Nam; Nhận diện hàng Việt Nam đang hiện diện trên sàn thương mại điện tử như thế nào? Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nước như giao nhận kho bãi, thương mại điện tử; Sản xuất và nội của doanh nghiệp trong nước…
Kênh livestream mới tạo đã thu hút hàng chục nghìn người xem
Ông Nguyễn Minh Đức - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom) trình bày xu hướng mua sắm qua kênh thương mại điện tử, cũng như những khó khăn thách thức đối với doanh nghiệp Việt - Ảnh: HỮU HẠNH
Ông Nguyễn Minh Đức, phó tổng thư ký Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (Vecom), dẫn thống kê của Google cho thấy thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng khoảng 18% trong năm vừa qua. Thống kê trên các sàn cũng cho thấy tăng trưởng cũng khoảng 18% trong quý vừa qua.
Nếu so sánh với cùng kỳ năm ngoái thì tăng trưởng khoảng hơn 30 đến 40%. Người tiêu dùng tập trung mua chủ yếu trên những nền tảng lớn, trong đó Shopee và TikTok Shop đã chiếm khoảng gần 90% thị phần.
Về việc hỗ trợ tiếp sức hàng Việt trên sàn TMĐT, ông Đức cho biết Vecom đã triển khai nhiều hoạt động, như: đào tạo tập huấn về TMĐT cho các doanh nghiệp phối hợp với các sở công thương các tỉnh để phát triển TMĐT; tổ chức các chợ phiên TMĐT; hỗ trợ doanh nghiệp, biến mỗi doanh nghiệp thành một gương điển hình ở trong tỉnh, từ đó truyền cảm hứng và nhân rộng mô hình đến các doanh nghiệp tại địa phương…
Về xu hướng TMĐT, theo ông Đức, các doanh nghiệp phải liên tục theo dõi cập nhật để giúp việc chuyển đổi số TMĐT hiệu quả hơn. Những điểm chính quan trọng các doanh nghiệp cần phải lưu tâm hiện nay là về trí tuệ nhân tạo (AI), livestream và quảng cáo.
Ông Đức đưa ra ví dụ hiện nay "nhiều doanh nghiệp chỉ cần được tập huấn ở chừng hai ngày đến ba ngày là đã có thể tự tổ chức livestream chọn quảng cáo". Nhiều kênh livestream chỉ mới tạo vài ngày và tiến hành livestream hàng đêm đã thu hút đến 30.000 - 40.000 người xem, tức có thể đạt đến gần cả chục triệu lượt xem mỗi tháng… Từ đó dễ dàng tăng trưởng doanh thu.
Đặc biệt, ông Đức cho rằng TMĐT chính là môi trường các doanh nghiệp càng nên tận dụng để xuất khẩu xuyên biên giới. "Trong những năm qua, bất chấp ảnh hưởng dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu TMĐT xuyên biên giới vẫn có thể tăng trưởng liên tục 15 - 20% mỗi năm".
Các sàn xuyên biên giới như Temu, Shein gây áp lực lớn cho doanh nghiệp nội
Ông Nguyễn Xuân Thảo - ủy viên Ban thường vụ Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) đề xuất một số giải pháp logistics nhằm nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt trên sàn thương mại điện tử theo định hướng bền vững - Ảnh: HỮU HẠNH
Ông Nguyễn Xuân Thảo - ủy viên Ban thường vụ Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), dẫn báo cáo từ Tổng cục Thống kê cho hay trong 8 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt khoảng 4.148,4 nghìn tỉ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2023. Sau khi loại trừ yếu tố giá, mức tăng trưởng thực tế đạt 5,3%.
Việt Nam sở hữu mạng lưới rộng lớn với 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa, 9.000 chợ truyền thống, chiếm tới 75% thị phần và phục vụ 85% nhu cầu tiêu dùng. Kênh bán lẻ hiện đại như siêu thị và cửa hàng tiện lợi chiếm 20% doanh số, với mức tăng trưởng ổn định 10% mỗi năm.
Kênh bán hàng online, mặc dù chỉ nắm 5% thị phần, đang bùng nổ với mức tăng trưởng 35-45%, mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp.
Thị trường bán lẻ Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ từ mô hình truyền thống sang kênh hiện đại và thương mại điện tử. Sự kết hợp giữa bán lẻ trực tuyến và ngoại tuyến giúp doanh nghiệp tối ưu hóa doanh thu.
Tuy nhiên, sự gia nhập của các sàn xuyên biên giới như Temu và Shein vào thị trường Việt Nam và một số động thái từ các sàn TMĐT Trung Quốc giá rẻ khác như 1688, Taobao làm gia tăng áp lực cạnh tranh, khi trước đó thị trường đã bị chi phối bởi các nền tảng nước ngoài như Shopee, TikTok Shop, Lazada, Tiki và Sendo.
Tiktok Shop và Shopee lần lượt tăng trưởng 110.6 - 11.3% về doanh số so với cùng kỳ năm 2023. Tiki mặc dù vẫn tăng trưởng âm so với cùng kỳ 2023, nhưng so với quý trước liền kề, tăng trưởng 38% về doanh số.
Số lượng Shop Mall và doanh số Shop Mall đều ghi nhận tăng trưởng so với cùng kỳ 2023, đặc biệt doanh số tăng trưởng 53.11%. Tiktok Shop mặc dù mức tăng trưởng số lượng shop mall thấp hơn Shopee nhưng tăng trưởng gấp 3 lần về doanh số so với Shopee. Thị trường dịch vụ giao nhận nhanh, chuyển phát và bưu kiện (CEP) lớn nhất ước tính đạt 1,62 tỉ USD vào năm 2024 và dự kiến sẽ đạt 2,53 tỉ USD vào năm 2030...
Quảng cáo lừa ảnh hưởng các kênh thương mại điện tử
Ông Trương Gia Bảo, phó chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, đã nêu thực trạng và các giải pháp trong hoạt động truyền thông, quảng cáo của các thương hiệu Việt trên sàn TMĐT cùng các kiến nghị cần tháo gỡ.
"Traffic không đến từ các trang nội dung mà bây giờ là sân chơi của các mạng xã hội, short video... Hiệp hội Quảng cáo nhận thấy mình có cũng trách nhiệm trong hỗ trợ hàng Việt chuyển đổi", ông Bảo nói.
Theo ông Bảo, với quảng cáo, khách hàng ở đâu, quảng cáo ở đó. Người dùng đang dành nhiều giờ hơn trên online, vì thế ngân sách cho quảng cáo cũng theo xu hướng này. Chi tiêu quảng cáo tại thị trường quảng cáo Việt Nam dự kiến đạt 2.763 triệu USD vào năm 2024. Với xu hướng kỹ thuật số đang phát triển hiện nay, dự kiến đến năm 2029, có đến 60% tổng chi tiêu quảng cáo sẽ đến từ các nguồn kỹ thuật số.
Ngân sách quảng cáo chủ yếu đến từ doanh nghiệp ngoại, họ tung tiền lớn quảng cáo, cách tiếp cận chủ động và bủa vây thị trường online Việt Nam. Hiệp hội quảng cáo và Bộ Thông tin và truyền thông cũng cũng khá đau đầu với các hiện tượng chuyển doanh thu ra biên giới.
Trong bối cảnh đó, thuận lợi và khó khăn của doanh nghiệp bán hàng Việt trên sàn thương mại điện tử là gì?
Không chỉ thương mại điện tử mà quảng cáo trực tuyến bây giờ cũng khác. Với khối lượng sản xuất khổng lồ các nội dung quảng cáo hiện nay, lĩnh vực quảng cáo đang chuyển từ hình thức hậu kiểm.
Theo ông Bảo, điều này cũng có phần dẫn đến tình trạng quảng cáo sai sự thật; quảng cáo gian lận như các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, hoặc các sản phẩm không có giấy chứng nhận chất lượng.
"Đặc biệt là quảng cáo lừa đảo. Các hình thức quảng cáo lợi dụng tâm lý người tiêu dùng để lừa đảo, chẳng hạn như các chương trình khuyến mãi giả, trò chơi may mắn, bán hàng "giá hời" thực chất là lừa đảo. Điều này ảnh hưởng đến hình ảnh và niềm tin của người dùng với kênh thương mại điện tử", ông Trương Gia Bảo ý kiến.