Chuyên mục  


Ông Donald Trump ngày 19/11 tuyên bố dự định đề cử Linda McMahon, cựu Giám đốc Cơ quan Quản lý Doanh nghiệp Nhỏ (SBA) và nhà đồng sáng lập WWE, công ty đấu vật giải trí của Mỹ, cho vị trí Bộ trưởng Giáo dục Mỹ trong nhiệm kỳ mới. Bà McMahon sẽ còn phải trải qua quá trình chất vấn và phê chuẩn ở Thượng viện Mỹ.

"Linda sẽ sử dụng hàng thập kỷ kinh nghiệm lãnh đạo, cùng hiểu biết sâu sắc về giáo dục và kinh doanh, để nâng cao chất lượng của thế hệ học sinh và người lao động tiếp theo, đưa Mỹ thành quốc gia hàng đầu thế giới về giáo dục", ông Trump khẳng định, đồng thời nhấn mạnh bà McMahon sẽ dẫn dắt nỗ lực trả quyền tự quyết về chính sách giáo dục về cho các bang.

McMahon giữ chức Giám đốc SBA trong giai đoạn 2017-2019, ở nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông Trump. Sau khi rời Nhà Trắng, bà chuyển sang lãnh đạo America First Action, một Siêu PAC (Ủy ban Hành động Chính trị) vận động bầu cử cho ông Trump.

Linda McMahon khi còn giữ chức giám đốc Cơ quan Quản lý Doanh nghiệp Nhỏ (SBA), phát biểu tại hội nghị chính trị bảo thủ ở Maryland vào tháng 2/2018. Ảnh: Reuters

Linda McMahon tạo nên tên tuổi khi giữ chức CEO của WWE, góp phần biến công ty đấu vật Mỹ từ một doanh nghiệp nhỏ thành tập đoàn giải trí truyền thông được niêm yết trên sàn chứng khoán.

WWE là công ty hàng đầu trong lĩnh vực đấu vật biểu diễn. Các giải đấu, trận đấu vật của WWE không phải thể thao đối kháng thực thụ, mà mang tính biểu diễn, giải trí với cốt truyện, kịch bản chuẩn bị sẵn, dù không thiếu những ngón đòn có thể gây chấn thương nếu không được thực hiện đúng cách, theo diễn giải của Chủ tịch WWE Vince McMahon, chồng cũ của bà Linda, năm 1989.

Bà rời công ty vào năm 2009, bước vào chính trường với hai chiến dịch tranh cử thượng nghị sĩ bang Connecticut vào năm 2010 và 2012. Dù chi 98 triệu USD để vận động cử tri, Linda McMahon thất bại trong cả hai lần thử sức. Ông Trump đã từng quyên tiền cho chiến dịch năm 2012 của bà McMahon.

Sau khi ông Trump kết thúc nhiệm kỳ tổng thống thứ nhất, McMahon cùng một số cựu quan chức chính quyền đã thành lập Viện Chính sách Mỹ Trước tiên (AFPI) vào năm 2021. Tổ chức này trong vài năm qua được mệnh danh là "Nhà Trắng chờ thời", chuyên vận động ủng hộ những chính sách phù hợp với tầm nhìn của ông Trump và tư vấn chính sách cho ông tái tranh cử.

Trong giai đoạn tranh cử, ông Trump đã nhiều lần công khai mong muốn giảm vai trò của chính quyền liên bang trong mảng giáo dục, trả quyền tự quyết về cho các bang. Ông Trump vào tháng 9 còn tuyên bố dự định "kết liễu Bộ Giáo dục" trong bài diễn thuyết ở Wisconsin, lập luận rằng chính phủ Mỹ đang lãng phí tiền thuế của người dân để tuyên truyền những điều mà người dân không muốn học.

Tuy nhiên, việc giải thể hoàn toàn Bộ Giáo dục Mỹ sẽ cần đến sự chấp thuận của lưỡng viện, do cơ quan này đang quản lý các khoản tài trợ liên bang cho trường công và quỹ vay sinh viên với tổng trị giá 1.600 tỷ USD.

Thanh Danh (Theo Reuters, CNN)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020