Chuyên mục  


Bộ trưởng Quốc phòng Australia Richard Marles ngày 6/5 cho biết trực thăng Seahawk thuộc hải quân nước này trước đó hai ngày cất cánh từ tàu khu trục HMAS Hobart và hoạt động trên vùng biển quốc tế ở Hoàng Hải thì chạm mặt tiêm kích J-10 của Trung Quốc. Tàu HMAS Hobart khi đó đang thực thi nhiệm vụ giám sát các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc (LHQ) với Triều Tiên.

Chiến đấu cơ Trung Quốc đã thả mồi bẫy nhiệt ở phía trước trực thăng khoảng 300 mét và phía trên nó khoảng 60 mét, buộc phi công phải "thực hiện hành động né tránh", ông Marles cho hay. Không có thương vong hay thiệt hại nào sau sự việc, nhưng nếu trực thăng Australia trúng mồi bẫy nhiệt, hậu quả sẽ rất lớn.

"Chúng tôi sẽ không bị ngăn cản trong việc tham gia các hoạt động hợp pháp và nhiệm vụ nhằm thực thi lệnh trừng phạt của LHQ với Triều Tiên", Bộ trưởng Quốc phòng Australia nhấn mạnh, đồng thời cáo buộc hành động của tiêm kích Trung Quốc "không an toàn và thiếu chuyên nghiệp".'

Vị trí Hoàng Hải và bán đảo Triều Tiên. Đồ họa: CSIS

Thủ tướng Anthony Albanese cùng ngày tuyên bố dư luận Australia đang mong đợi lời giải thích từ Trung Quốc về sự việc.

"Chúng tôi vừa nói rõ với phía Trung Quốc rằng đây là hành vi thiếu chuyên nghiệp và không thể chấp nhận, thông qua tất cả các kênh liên lạc và biện pháp Australia có", ông Albanese nói với đài Nine Network, thêm rằng Bắc Kinh chưa đưa ra phản hồi.

Đây là vụ chạm trán nghiêm trọng nhất giữa lực lượng của Australia và Trung Quốc kể từ khi Canberra cáo buộc khu trục hạm CNS Ningbo của Bắc Kinh bật thiết bị thủy âm sonar, làm bị thương thợ lặn của hải quân Australia ở vùng biển Nhật Bản vào tháng 9/2023. Sự việc xảy ra trong lúc hộ vệ hạm HMAS Toowoomba của Australia triển khai nhóm thợ lặn để gỡ lưới đánh cá mắc vào chân vịt.

Australia nói Trung Quốc đã phớt lờ cảnh báo về việc giữ khoảng cách an toàn với tàu HMAS Toowoomba. Bắc Kinh khẳng định sự việc xảy ra ở ngoài lãnh hải Nhật Bản và tàu chiến Trung Quốc không gây tổn hại gì cho phía Australia.

Sự cố thủy âm xảy ra vài tuần sau khi Thủ tướng Albanese thăm Trung Quốc, được cho là gây ảnh hưởng lớn tới các nỗ lực của hai bên nhằm tiếp tục hâm nóng quan hệ song phương vốn đang dần "tan băng" trong những năm gần đây.

Tiêm kích J-10B trong lễ ra mắt năm 2016. Ảnh: Airforce Techonology

Tiêm kích J-10 được phát triển từ năm 1988 và đưa vào biên chế không quân Trung Quốc từ năm 2005, bao gồm phiên bản một chỗ ngồi và hai chỗ ngồi. Bản nâng cấp J-10B được công bố vào năm 2016, tích hợp thêm khả năng nhận tiếp liệu trên không, hệ thống đẩy vector (TVC), có mái che ở mũi dài hơn để chứa radar quét mảng pha điện tử chủ động (AESA).

Biến thể mới nhất J-10C ra mắt năm 2018, có tốc độ tối đa Mach 1.8 (khoảng 2.200 km/h), tầm hoạt động 1.850 km, trần bay 18.000 mét, được trang bị pháo GSh-23 23 mm, cùng 11 giá treo vũ khí để mang rocket 90 mm và nhiều loại tên lửa không đối không, không đối đất.

Phạm Giang (Theo AP)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020